Câu chuyện đường dài của thể thao Việt Nam

Chủ Nhật, 15/09/2024, 07:40

Nếu nhìn vào chu kỳ 2 năm một lần của SEA Games, hay 4 năm giữa mỗi kỳ ASIAD, Olympic, thật khó tưởng tượng ra viễn cảnh tính đường dài hạn từ những người làm chuyên môn trong giới thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, đó lại chính là việc đang được phần lớn HLV thực hiện từ tuyến cơ sở, qua đó tạo nền tảng cho các đội tuyển thể thao quốc gia.

Từ bóng đá đến Boxing

Quãng thời gian từ năm 2018 đến 2022 ghi dấu chu kỳ thành công chưa từng có trong lịch sử các đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Đội tuyển nam liên tiếp thiết lập thành tích ấn tượng ở AFF Cup, Asian Cup và vòng loại World Cup. Trong khi đó, đội U23 cũng lần đầu lọt vào chung kết giải vô địch châu Á, cũng như 2 lần liên tiếp vô địch SEA Games.

anh1.jpeg -0
Bóng đá là môn thể thao hiếm hoi mà mỗi địa phương có nhiều HLV ở từng tuyến.

Chiến tích của đội tuyển Việt Nam và U23 từng được truyền thông quốc tế gọi dưới cái tên "phép màu Park Hang Seo". Ta không thể phủ nhận HLV Park chiếm một phần không nhỏ trong thành công chung của đội tuyển. Mặt khác, thành công đó được xây dựng trên nền tảng một đội hình trong mơ.

2 năm trước khi HLV Park đến với bóng đá Việt Nam, lứa cầu thủ sau này làm nên "chuyện cổ tích Thường Châu" đã giành vé tham dự giải U20 thế giới. Nhiều cầu thủ thi đấu tại giải thế giới năm đó, giờ đây vẫn là trụ cột của đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Hoàng Đức. Nhiều HLV cũng khẳng định, thành công của lứa cầu thủ này là điều dự báo trước.

"Nhiều năm trước khi Quang Hải và các đồng đội thành công ở đấu trường quốc tế, chúng tôi đã tin đây chính là thế hệ có một không hai của bóng đá Việt Nam". Đó là nhận xét của một HLV có nhiều năm làm việc tại các tuyến trẻ CLB Hà Nội (trước đây là Hà Nội T&T). Đó cũng là minh chứng cho thấy, thành công của thể thao là hệ quả của một quá trình.

Nếu câu chuyện trong bóng đá chưa đáng thuyết phục, ta có thể đề cập đến một môn thể thao khác: Boxing. Trong 2 kỳ Olympic gần nhất, Boxing Việt Nam đã giành tới 4 vé tham dự Thế vận hội. Những tấm vé này là thành quả của một giai đoạn chuẩn bị dài hơi, lên tới 20 năm của nhiều cá nhân, tập thể đóng góp vào chiến công chung.

Đầu những năm 2000, Boxing được gỡ lệnh cấm ở Việt Nam. Bên cạnh việc thành lập đội Boxing nam, những nhà quản lý thể thao ở thời điểm đó đã khuyến khích phát triển Boxing nữ. Họ tin rằng trong tương lai, Boxing nữ sẽ xuất hiện trong chương trình thi đấu Olympic, và ngày càng được mở rộng về số nội dung thi đấu.

Quả thực, Boxing nữ đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Năm 2012, hạng mục này lần đầu xuất hiện tại Thế vận hội với 3 nội dung. Đến kỳ Olympic vừa qua, Boxing nữ có 6 hạng cân, đồng thời đón nhận số lượng VĐV nữ tham gia tranh tài không hề thua kém các đồng nghiệp nam. Đó cũng là sân chơi chứng kiến nhiều VĐV Việt Nam tỏa sáng.

Tầm nhìn 10 năm

Chia sẻ về câu chuyện tính toán ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn trong thể thao thành tích cao, một HLV chia sẻ: "Chuyện đảm bảo thành tích, chỉ tiêu huy chương trong 1, 2 giải đấu chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung. Tôi và nhiều đồng nghiệp luôn phải lên kế hoạch dài hạn, cùng với mục tiêu cụ thể nhằm phát triển bộ môn".

HLV này cho biết, một bộ môn thường được đề ra kế hoạch phát triển theo chu kỳ 4 năm, tương ứng với mỗi kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc. Trong chu kỳ này, HLV phải lập đề án phát triển cho VĐV qua từng năm, để thành tích đạt được trong mỗi kỳ Đại hội đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Đề án sau đó được chia thành kế hoạch cho từng năm cụ thể.

Một đề án được phát triển hiệu quả khi có phối hợp chặt chẽ từ người làm chuyên môn (Trưởng bộ môn, HLV trưởng phụ trách bộ môn) và cán bộ quản lý (Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm, các Trưởng, Phó phòng quản lý thi đấu, VĐV). Bởi bên cạnh việc đảm bảo chuyên môn như chỉ tiêu đề ra, HLV cần được tạo điều kiện về ngân sách.

"Bên cạnh chu kỳ Đại hội, HLV cũng cần điều chỉnh chỉ tiêu, thành tích theo yêu cầu của nhiệm kỳ Giám đốc Trung tâm TDTT cấp tỉnh, thành. Vị trí này thường được bổ nhiệm mới sau mỗi kỳ Đại hội. Khi đó, Giám đốc mới thường dành năm đầu tiên để kiện toàn nhân sự, nắm thông tin về các phòng ban. Sau đó, chỉ tiêu bắt đầu được đưa ra từ năm thứ hai", HLV cho biết.

Bản thân HLV này cũng khẳng định, bóng đá là bộ môn thể thao hiếm hoi có nhiều hơn 1 HLV ở từng địa phương. May mắn hơn, môn thể thao vua còn có nhiều HLV, trợ lý phụ trách từng lứa trẻ. Với nhiều bộ môn ở các địa phương nhỏ, một đội thường chỉ có 1-2 huấn luyện viên phụ trách toàn bộ các tuyến VĐV từ nhỏ đến lớn.

Mô hình tối giản hóa nhân sự ở vị trí huấn luyện khiến các HLV ở địa phương gặp không ít khó khăn. Nhưng ở góc độ nào đó, điều này cũng giúp họ hình thành, hoạch định những kế hoạch dài hạn. Khi phát hiện một VĐV có tiềm năng, HLV có thể lên kế hoạch phát triển cho em đó trong 10 năm tới. Đây là điều có thật, đã diễn ra ở nhiều bộ môn.

Ví dụ điển hình nhất về "tầm nhìn 10 năm" có thể thấy trong môn Cầu lông. VĐV Nguyễn Thị Thu Huyền, đương kim Á quân châu Á lứa tuổi U15, hiện đã là thành viên đội tuyển quốc gia, thường xuyên tập luyện cùng các đàn chị Thùy Linh, Phương Thúy. Tay vợt mới 13 tuổi mới đây đã tham dự Việt Nam Mở rộng, nhằm tích lũy kinh nghiệm từ rất sớm.

Giữ chân VĐV bằng cách nào?

Ở các tuyến cơ sở, HLV của nhiều địa phương khẳng định họ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân vận động viên. Những câu chuyện tiêu cực mới đây của ngành thể thao đã khiến nhiều bậc phụ huynh không sẵn sàng cho con theo nghiệp như trước. Thế nên ngay cả khi tăng thu nhập cho VĐV, địa phương cũng không thể giữ chân họ ở lại.

Có một câu chuyện khá nhạy cảm liên quan đến VĐV, là một số gương mặt trẻ có hiện tượng ảo tưởng về thành tích cá nhân. Mới đây, một VĐV mới 18 tuổi, và là thành viên một đội tuyển trẻ quốc gia cho biết, em sẽ chỉ tiếp tục thi đấu với một điều kiện. Đó là trong 2 năm tới, VĐV này phải đảm bảo mức thu nhập trung bình không dưới 15 triệu/tháng.

Con số 15 triệu đồng mỗi tháng, trên thực tế, cao gấp 1,5 đến 2 lần thu nhập trung bình của lao động trên thị trường. Một VĐV trẻ, chưa có thành tích gì đáng kể tại các giải quốc gia, liệu có căn cứ nào để đòi hỏi mức thu nhập lớn như thế?

An Khánh
.
.
.