Cần thiết có Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô

Thứ Bảy, 23/12/2023, 06:25

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) 2023 có một nội dung đang được những người làm công tác văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ hết sức quan tâm là thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô (gọi tắt là Quỹ).

Là địa phương có gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, hằng năm Hà Nội cần nguồn lực đầu tư rất lớn để trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu, bởi vậy, việc thành lập Quỹ là thực sự cần thiết.

Cần sự đóng góp của cộng đồng xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng, Quỹ có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa của Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa không chỉ đòi hỏi sự cố gắng của cơ quan quản lý mà còn yêu cầu sự đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

di san.jpg -0
Nhiều ý kiến cho rằng cần có Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Quỹ sẽ là một nguồn tài trợ quan trọng để thúc đẩy các hoạt động, từ việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đến việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa để tạo nên môi trường đáng sống cho người dân. Ngoài ra, Quỹ cũng có thể đóng vai trò trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc và cung cấp nguồn lực để giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản.

Nhìn sang một số địa phương khác thì thấy Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã phát huy hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho rằng, với một thành phố nghìn năm văn hiến như Hà Nội thì việc thành lập Quỹ là thực sự cần thiết. “Quỹ sẽ huy động những tấm lòng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và những người yêu quý di sản Thủ đô. Mỗi người tham gia vào Quỹ sẽ là cách thể hiện trách nhiệm, lòng yêu nước để các di sản của Thủ đô được đẹp hơn, được trường tồn cùng đất nước”, PGS.TS Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh.

Coi các tác phẩm điện ảnh là một di sản quý giá, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải kỳ vọng Quỹ sẽ giúp phát triển và bảo tồn những giá trị điện ảnh đặc sắc, trong đó có kho phim của Hãng Phim truyện Việt Nam. “Với những người hoạt động điện ảnh và những người yêu mến điện ảnh không khỏi đau xót trước thực tế những gì diễn ra Hãng Phim truyện Việt Nam. Bởi vậy, Quỹ ra đời sẽ tham gia vào công việc lưu trữ, bảo tồn, phục chế các tác phẩm điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ mới ra đời, cũng như tham gia hình thành những tác phẩm điện ảnh mới đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam. Hiện nay dòng phim nhựa trên thế giới phát triển rất mạnh, đang tồn tại song song với phim kỹ thuật số. Trong khi đó, tại Việt Nam, vì một số hạn chế nên đã xóa bỏ hầu như hoàn toàn việc sản xuất cũng như phát hành phim điện ảnh nhựa. Có lẽ đã đến lúc Hà Nội cũng nên có phòng chiếu phim nhựa tiêu chuẩn cao. Đó có thể là một công việc rất có ý nghĩa để phát triển, nâng cao chất lượng của điện ảnh dân tộc mà Quỹ có thể biến thành hiện thực”, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải mong mỏi.

Vận hành Quỹ thế nào cho hợp lý?

Theo nhiều chuyên gia việc thành lập Quỹ không khó nhưng cái khó là duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính từ Quỹ. Là đại biểu Quốc hội khóa XV (thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất, Nhà nước cần căn cứ vào nghiên cứu chi tiết về nguồn tài trợ, cơ chế quản lý và mối quan hệ giữa Quỹ với các địa phương và cộng đồng. Đồng thời, cần thiết phải có cơ chế kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ để đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quá trình sử dụng nguồn tài trợ. Một điểm quan trọng nữa là việc liên kết giữa Quỹ với cộng đồng và địa phương. Việc tạo nên môi trường thuận lợi để cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình quyết định và thực hiện các dự án bảo tồn di sản sẽ giúp tăng cường tinh thần tự chủ và sự chủ động, đồng thời tạo ra sự gắn kết và ủng hộ từ cộng đồng địa phương.

Trong khi đó, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề đặt ra trước mắt là cá nhân, tổ chức nào sẽ quản lý Quỹ? Số tiền trong Quỹ sẽ thực hiện vào việc phân bổ, trùng tu di tích theo nguyên tắc hạng mục nào đang xuống cấp nhiều thì làm trước, hạng mục nào xuống cấp ít thì làm sau. Nhưng cũng phải lưu ý việc sử dụng Quỹ là làm cho di sản đẹp hơn chứ không phải làm mới. “Tôi nghĩ muốn Quỹ được duy trì và hoạt động một cách có hiệu quả cần có một hội đồng khoa học gồm các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, nhà quản lý kinh tế đầu ngành, tâm huyết với Thủ đô và đại diện chính quyền tham gia. Hiện, các công ty du lịch đang “ăn theo” các di sản, bởi vậy họ phải có trách nhiệm trong việc này. Đặc biệt là sự tham gia của báo chí truyền thông trong việc quảng bá di sản, nhất là vấn đề khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công cuộc này”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.
.