Cần thêm nhiều luận cứ khoa học về giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang

Thứ Sáu, 13/12/2024, 17:28

Chùa Linh Quang (Chùa Ổi) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội tương truyền được xây dựng từ thời Lê. Tuy nhiên, để tu bổ, tôn tạo di tích này, nhân dân và chính quyền địa phương vẫn cần tiếp củng cố hồ sơ, có thêm nhiều luận cứ khoa học khẳng định giá trị lịch sử văn hoá của di tích này.

Đây là quan điểm nhận được nhiều sự đồng thuận của nhiều đại biểu vào chiều 13/12, tại toạ đàm giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang (Chùa Ổi), thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Đây là hoạt động do UBND xã Thanh Liệt tổ chức, có sự tham gia của gần 150 đại biểu là các nhà nghiên cứu, đại diện các ban, ngành của địa phương, Giáo hội Phật giáo và các hộ dân của thôn Văn, xã Thanh Liệt.

Ban tổ chức cho biết, tương truyền, tại vị trí vườn văn có chùa Linh Quang với diện tích là 6219m2. Đây là 1 ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê khoảng năm 1740. Trên mảnh đất nổi cao; gọi là gò chùa rộng khoảng 300m2, với các hạng mục chính gồm hậu cung, đại bái với quy mô nhỏ hơn 10m2. Cung xây dựng theo kiểu vòm cuốn; hai cửa nhỏ kiểu tò vò.

Cần thêm nhiều luận cứ khoa học về giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang -0
Toạ đàm về giá trị lịch sử, văn hoá chùa Linh Quang chiều 13/12.

Do ảnh hưởng của chiến tranh và thời gian nên dấu tích từ lâu không còn nữa, hiện chỉ còn am thờ diện tích khoảng 20m2; bên trong có bày tượng phật và hàng năm được người dân trông nom thờ cúng. Đến nay cán bộ và nhân dân thôn Văn có nguyện vọng được phục dựng lại ngôi chùa và cải tạo khuôn viên chùa để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân. Từ năm 2024, nhân dân thôn Văn đã có nguyện vọng và đề xuất UND xã Thanh Liệt, UBND huyện Thanh Trì cho phục dựng chùa Linh Quang bằng nguồn vốn kinh phí xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và nhân dân thôn Văn đóng góp. Toạ đàm ngày 13/12 để các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng  thảo luận và tìm hiểu về những giá trị lịch sử văn hoá di tích này.

Cần thêm nhiều luận cứ khoa học về giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang -0
Toạ đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá uy tín.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã cùng phân tích, làm rõ hơn các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, cảnh quan của di tích chùa Linh Quang. Các đại diện nhân dân thôn Văn tiếp tục cung cấp nhiều tư liệu về di tích này đồng thời bày tỏ nguyện vọng tha thiết được phục hồi, tu bổ, tôn tạo chùa Linh Quang. Nhiều nhà nghiên cứu như TS Bùi Thế Quân, PGS.TS Trần Lâm Biền và Thượng toạ Thích Minh Trí, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam... cùng đại diện các sở, ban, ngành của Hà Nội đều ủng hộ nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nhân dân và chính quyền địa phương cần làm rõ hơn về giá trị của di tích chùa Linh Quang. PGS.TS Trần Lâm Biền khuyến nghị, việc xây dựng chùa Linh Quang nên do làng, xã chủ trì và huy động bằng nguồn xã hội hoá. Chùa được tu bổ, tôn tạo phải mang bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Hiện nay, những dấu vết còn lại chưa đủ để dựng lại ngôi chùa nên việc này phải cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ ngành di sản văn hoá, khảo cổ học và cần sự đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa của cả cộng đồng và lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành của TP Hà Nội.

Cần thêm nhiều luận cứ khoa học về giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang -0
Đại diện nhân dân thôn Văn phát biểu tại toạ đàm.

Nhiều ý kiến của các nhà quản lý cũng cho răng, nếu xây dựng hồ sơ tu bổ, tôn tạo chùa Linh Quang, nhân dân và chính quyền địa phương cần làm rõ hơn giá trị lịch sử của di tích để UBND xã, UBND huyện đề xuất lên TP Hà Nội. Hiện nay chùa vẫn còn công trình kiến trúc, di vật, đồ thờ có 3 pho tượng nhỏ nhưng đẹp. Đây là những yếu tố cấu thành di tích là cơ sở để đưa vào danh mục di tích của Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo huyện Thanh Trì ghi nhận các ý kiến đóng góp tại toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, Thanh Trì là vùng quê giàu truyền thống, hiện nay trên địa bàn có 154 di tích, trong đó có nhiều di tích có có giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nổi bật. Những năm qua địa phương đều quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy các di tích này.

Cần thêm nhiều luận cứ khoa học về giá trị lịch sử văn hoá di tích chùa Linh Quang -0
Dấu tích còn lại hiện nay của chùa Linh Quang.

Đối với việc tu bổ, tôn tạo chùa Linh Quang Tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng khẳng định, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng của nhân dân thôn Văn. Tuy nhiên, trong hồ sơ tu bổ, tôn tạo ngôi chùa phải chứng minh được ngôi chùa từng tồn tại, có giá trị lịch sử, văn hoá, chứng minh sự tồn tại của ngôi chùa. Hiện nay, chùa còn một số dấu tích về vật chất và còn nhiều câu chuyện tương truyền trong dân gian. Tuy nhiên, khi xây dựng hồ sơ thì cần có thêm nhiều chứng cứ, luận cứ thuyết phục hơn nữa.

N.Hoa

.
.
.