Bóng chuyền nữ Việt Nam lại tạo kỳ tích: Đã đến lúc hóa rồng?
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng mạnh tại giải vô địch châu Á 2023 tại Thái Lan. Nếu không có gì bất trắc xảy ra, đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ giành vé vào bán kết lần đầu tiên trong lịch sử. Thành công rực rỡ của bóng chuyền nữ trong năm 2023 khiến người hâm mộ phải đặt câu hỏi: Liệu đã đến lúc môn thể thao này được đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Kỳ tích của bóng chuyền nữ Việt Nam
Năm 2023 đánh dấu thành công chưa từng thấy của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Cho dù chưa thể lật đổ Thái Lan ở SEA Games, nhưng các cô gái áo đỏ đã từng bước vươn tầm ra châu lục và thế giới.
Bắt đầu từ giải bóng chuyền nữ các câu lạc bộ châu Á 2023, đội tuyển nữ do HLV Nguyễn Tuấn Kiệt dẫn dắt đã gây tiếng vang lớn khi lên ngôi vô địch dưới cái tên Sport Center 1. Trước giải đấu, tuyển nữ Việt Nam chỉ đặt mục tiêu “cọ xát” là chính bởi lẽ các CLB mạnh ở châu Á không dễ chơi một chút nào.
Tiếp nối thành công đó, tuyển nữ Việt Nam khiến người hâm mộ phấn khích khi lên ngôi tại AVC Challenge Cup 2023. Ở trận chung kết, các cô gái của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã đánh bại đội chủ nhà Indonesia để giành chức vô địch đầy thuyết phục. Cần biết rằng, Indonesia vốn là đối thủ chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây trong bối cảnh Thái Lan đã ở đẳng cấp quá cao.
Chiến thắng ở AVC Challenge Cup 2023 giúp tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên được tham dự sân chơi thế giới. Cho dù thua Pháp và bị loại ngay ở vòng đầu tiên tại FIVB Challenger Cup 2023, nhưng Trần Thị Thanh Thúy và các đồng đội đã có trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn.
Kinh nghiệm từ chuyến “du đấu” châu Âu hồi tháng 7 giúp các cô gái Việt Nam tiến lên một tầm cao mới. Điều này thể hiện rõ trong các giải đấu gần đây. Tại VTV Cup 2023, hai đội tuyển của Việt Nam (1 và 2) đã cùng nhau vượt qua các đối thủ khó chịu để vào chung kết và giữ cúp ở lại nước chủ nhà.
VTV Cup 2023 giống như bước chạy đà cho tuyển nữ Việt Nam tham dự giải bóng chuyền nữ Vô địch châu Á 2023 tại Thái Lan. Tại đây, đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt gây sốc ngay ở trận ra quân khi thắng ngược Hàn Quốc 3-2 sau khi bị dẫn trước 0-2.
Trên bảng xếp hạng thế giới của FIVB, Hàn Quốc đứng thứ 37, hơn Việt Nam 10 bậc trước khi giải đấu bắt đầu. Tính riêng ở khu vực châu Á, Hàn Quốc là 1 trong 4 đội bóng chuyền nữ mạnh nhất, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Chiến thắng trước Hàn Quốc không chỉ mở toang cánh cửa vào Top 8 mà còn giúp tuyển nữ Việt Nam có cơ hội tiến sâu ở giải Vô địch châu Á 2023. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt một lần nữa cho thấy chiến thuật đỉnh cao khi dùng đội hình 2 đánh bại Uzbekistan 3-0 trước khi hạ Đài Bắc Trung Hoa 3-1, qua đó giành ngôi đầu bảng giai đoạn 1.
Giờ đây, tuyển nữ Việt Nam đứng trước cơ hội lần đầu tiên lọt vào bán kết giải châu Á. Ở giai đoạn 2, Việt Nam nằm cùng bảng với E Hàn Quốc, Thái Lan và Australia. Theo thể thức của giải đấu này, các kết quả đối đầu của giai đoạn 1 sẽ được giữ nguyên. Điều đó có nghĩa Việt Nam tạm đứng thứ 2 ở bảng E với 2 điểm từ trận thắng Hàn Quốc 3-2, trong khi Thái Lan đứng đầu với 3 điểm từ chiến thắng 3-0 trước Australia ở giai đoạn 1. Nếu thắng đậm Australia trong khi Hàn Quốc thua Thái Lan trong loạt trận ngày 3/9, Việt Nam xem như đặt chân vào bán kết. Đây sẽ là kỳ tích có một không hai của bóng chuyền Việt Nam.
Danh sách tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự ASIAD 19
Chủ công: Vi Thị Như Quỳnh, Trần Tú Linh, Phạm Thị Nguyệt Anh
Phụ công: Nguyễn Thị Trinh, Phạm Thị Hiền, Lý Thị Luyến, Trần Thị Bích Thuỷ
Đối chuyền: Đoàn Thị Xuân, Hoàng Thị Kiều Trinh
Chuyền hai: Đoàn Thị Lâm Oanh, Võ Thị Kim Thoa
Libero: Nguyễn Khánh Đang
HLV trưởng: Nguyễn Tuấn Kiệt
Đã đến lúc hóa rồng?
Thành công ngày càng lớn của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam khiến người hâm mộ hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, giới mộ điệu cũng hy vọng năm 2023 là bước đệm hoàn hảo để bóng chuyền nữ Việt Nam “hóa rồng” như Thái Lan. Rõ ràng, các cô gái Việt Nam có đầy đủ tố chất để chơi bóng ở đẳng cấp cao hơn hiện tại.
Tất nhiên, cả nền bóng chuyền không thể “hóa rồng” sau một đêm. Tuyển nữ Việt Nam đang vượt qua giới hạn của bản thân, nhưng khoảng cách giữa họ và Thái Lan vẫn còn rất xa, chưa nói đến các “chị đại” ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.
Nếu Việt Nam thực sự muốn đưa bóng chuyền nữ lên một tầm cao mới, cách tốt nhất chính là học hỏi từ Thái Lan. Từ 20 năm trước, Thái Lan đã thiết lập kế hoạch quốc gia để phát triển bóng chuyền. Với người Thái, cách làm bóng chuyền không khác gì bóng đá. Bên cạnh việc chuyên nghiệp hóa, họ còn đẩy mạnh bóng chuyền trẻ, từ nhà trường cho đến các lò đào tạo chuyên biệt. Thái Lan là quốc gia hiếm hoi ở Đông Nam Á có đội tuyển bóng chuyền nữ từ lứa U13.
Để tạo sân chơi đẳng cấp cao cho các vận động viên, Thái Lan tổ chức hệ thống giải vô địch quốc gia thi đấu theo thể thức lượt đi - lượt về, có đội lên hạng - xuống hạng và mở cửa cho các ngoại binh. Không những vậy, Thái Lan còn gia tăng sức cạnh tranh bằng việc hạn chế giải vô địch quốc gia dành riêng cho 8 CLB mạnh nhất. Đây là mô hình sao chép công thức từ Mỹ, nơi hệ thống đã được tối ưu sau nhiều năm nghiên cứu cải thiện.
Thực tế, việc triển khai kế hoạch này tại Việt Nam hoàn toàn khả thi, bởi lẽ bóng chuyền vốn là môn thể thao toàn dân.
Trần Thị Thanh Thuý không tham dự ASIAD 19
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phê duyệt quyết định thành lập đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 (Đại hội Thể thao châu Á 2023) tại Trung Quốc. Ở môn bóng chuyền, Việt Nam chỉ tham dự nội dung dành cho nữ và không đặt nặng thành tích.
Đúng như các thông tin trước đó, đội trưởng Trần Thị Thanh Thuý không tham dự ASIAD 19 vì bận tập trung cùng CLB của Nhật Bản, PFU Blue Cats. Người hâm mộ đã kỳ vọng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam có thể thuyết phục PFU Blue Cats nhả người, nhưng điều này không xảy ra. PFU Blue Cats đã tạo điều kiện cho Trần Thị Thanh Thúy về nước thi đấu suốt thời gian vừa qua và không ai có thể trách họ vì quyết định này.