Nút thắt trong huy động nguồn lực xã hội để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Bài 1: Có “đất vàng” vẫn khó thu hút đầu tư

Chủ Nhật, 19/05/2024, 06:34

Huy động nguồn lực xã hội được xác định là giải pháp tất yếu trong xây dựng, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những nút thắt lớn trong khơi thông nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng, phát triển văn hóa, thể thao nói chung.

Nếu như hợp tác công tư đã trở nên khá quen thuộc với nhiều lĩnh vực khác thì với văn hóa, đây vẫn là phương thức còn khá mới mẻ. Các đơn vị lúng túng vì thiếu nhiều cơ chế chính sách để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa mà họ được giao cho quản lý.

“Khóc ròng” vì thuế, phí

Nhà hát Kịch Việt Nam tọa lạc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - khu vực được xếp vào hàng “đất vàng” của Thủ đô. Nhà hát cũng là một trong những đơn vị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án cho thuê khai thác mặt bằng tại đơn vị. Theo NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là thông tin rất vui. Khi cho thuê mặt bằng, Nhà hát sẽ có thêm nguồn thu, có thêm phúc lợi cho cán bộ công nhân viên, có thêm động lực cho mọi người làm việc.

huy dong nguon luc van hoa bai 1.jpg -0
Các hoạt động giàu tính trải nghiệm hút khách đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bởi lẽ, hiện nay, đồng lương cho cán bộ công nhân viên của nhà hát quá ít ỏi, khó thu hút lao động, chưa nói thu hút nhân tài. Chưa kể, biên chế của nhà hát đang thu hẹp. Hiện nhà hát có 2 đoàn và theo đề án vị trí việc làm nộp lên thì cần 108 - 110 người, nhưng hàng năm bị cắt cơ học. Năm 2024, ngân sách cho nhà hát bị cắt giảm, biên chế còn 63 người, nên phải gộp 2 đoàn vào mới đủ để biểu diễn. Có thêm thu nhập, nút thắt này sẽ được tháo gỡ phần nào. Thế nhưng, kết quả khảo sát và tính toán ban đầu cho thấy, giá thuê mặt bằng của nhà hát quá cao. Nhà hát Kịch Việt Nam là mặt hậu của Nhà hát Lớn Hà Nội, lối đi vào nhỏ, dễ ách tắc nhưng theo quy định thì vẫn nằm ở khu trung tâm, áp giá thuê đất loại I. “Nếu tính mức giá này thì chúng tôi chỉ sợ doanh nghiệp đến rồi về”, NSND Xuân Bắc nói.

Thực tế, vấn đề của Nhà hát Kịch Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Thời gian qua, không ít các địa phương, đơn vị cũng than thở, với các thiết chế văn hóa, nếu mức thuê đất cao như đối với các công trình thông thường khác thì rất khó thu hút nhà đầu tư. Với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - đơn vị cũng nằm ở vị trí đắc địa ở Thủ đô, Giám đốc của Bảo tàng - TS Nguyễn Anh Minh cũng cho hay, đơn vị đã từng rất vất vả khi triển khai liên kết, kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tài sản, phát huy giá trị của Bảo tàng. Thực tế, thời gian qua, thông qua phương thức hợp tác công – tư, hoạt động của bảo tàng hiệu quả hơn, tăng trải nghiệm, thu hút khách, mang lại nguồn thu, góp phần hỗ trợ cho công tác chuyên môn, nâng cao đời sống cán bộ viên chức, người lao động. Tuy nhiên, để có kết quả như hôm nay, Bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn ban đầu. Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp rất tích cực của địa phương, đồng thời phải có nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, yêu quý và dành tâm huyết với di sản văn hóa, sẵn sàng đồng hành với bảo tàng, nhưng vẫn phải mất 2 năm xây dựng, chờ phê duyệt và tổ chức đề án…

Liên quan đến thu hút nguồn vốn xã hội cho thiết chế văn hóa, thể thao, ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng cho hay, Khu liên hợp đã được phép sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất thực hiện các loại hình khai thác kinh doanh, cho thuê và thí điểm thực hiện liên doanh, liên kết khai thác các loại hình dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Nếu chỉ khai thác tài sản dôi dư trong thời gian nhàn rỗi, khi nhà nước cần thì phải trả lại ngyên trạng, thì đơn vị thuê không dám đầu tư lớn. Khi cho thuê, đơn vị phải nộp 30% thuế đất đai và 18% các loại thuế khác. Nếu cộng thêm khấu hao tài sản, tổng thu về rất ít….

Nhiều vướng mắc về quy trình, thủ tục

Nằm ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích lên đến 1.544ha. Đây là đơn vị được phép triển khai thu hút các nhà đầu tư tư nhân để triển khai các dự án theo từng phân khu, nhưng 10 năm qua, Làng vẫn chưa thu hút được bất kỳ một nhà đầu tư nào. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ năm 1997, Làng được quyết định xây dựng thành Trung tâm hoạt động văn hóa tầm cỡ quốc gia, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của người dân, du khách trong và ngoài nước. Làng được quy hoạch 7 khu, trong đó có 2 khu đầu tư từ ngân sách Nhà nước phục vụ sự nghiệp công. Còn lại là các khu chức năng đầu tư ngoài nguồn ngân sách Nhà nước thu hút đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2015. Thời gian qua, Làng không thu hút được nhà đầu tư nào vì vướng mắc giữa thẩm quyền theo quy định của Luật hiện hành và chức năng thẩm quyền của Làng theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Theo đó, Trưởng Ban quản lý được phép phê duyệt quy hoạch, giao đất, cho doanh nghiệp thuê đất và được cấp chứng nhận đầu tư. Nhưng tại thời điểm sửa Luật Đầu tư năm 2015 và một số Luật khác đều không cập nhật Làng, nên khi triển khai thu hút đầu tư thì thẩm quyền của Làng không được các Luật này quy định, không triển khai được. Chưa kể, các dự án đầu tư vào Làng không được hưởng bất cứ một ưu đãi nào, trong khí  đầu tư dự án văn hóa cần nguồn lực lớn và thu hồi vốn chậm. Nếu không có ưu đãi cho nhà đầu tư thì họ không mặn mà khi tìm hiểu, đầu tư vào Làng.

Tại TP Hồ Chí Minh – địa phương được Quốc hội cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa cũng đang gặp khá nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo UBND. TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố có 40 dự án đang được nghiên cứu thực hiện; trong đó, có 23 dự án được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư  với tổng mức đầu tư dự kiến là 22.394 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư đang gặp nhiều vấn đề về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhằm tạo điều kiện kích cầu đầu tư, phát triển thiết chế văn hóa và thể thao. Cụ thể,  việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh nhưng quy trình, thủ tục các bước thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các quy định pháp luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số  69/2019/NĐ-CP, Thông tư số 08/2022/TT-BTC…). Thủ tục đầu tư còn qua nhiều bước, kéo dài thời gian thực hiện. Theo các quy định pháp luật hiện hành và ước tính thời gian thực hiện một dự án PPP phải trải qua tối thiểu 5 giai đoạn từ khâu chấp thuận chủ trương, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng cho đến triển khai dự án đầu tư và khai thác, vận hành, quyết toán dự án. Việc thực hiện thủ tục đầu tư thông thường tối thiểu khoảng 3 năm. Điều này cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khuyến khích kêu gọi đầu tư. Trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian thực hiện ngắn, sớm đưa công trình vào vận hành, kinh doanh đầu tư, phát triển hoạt động dịch vụ. Hình thức hợp đồng gồm 7 loại nhưng việc áp dụng chọn hình thức loại hợp đồng nào để thực hiện phù hợp với thiết chế văn hóa và thể thao vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Hoa Nguyễn
.
.
.