Áp lực của trọng tài

Chủ Nhật, 25/09/2022, 06:55

VAR, trọng tài ngoại là những “từ khóa” được Trưởng Ban Trọng tài VFF - Dương Văn Hiền đề cập, như những giải pháp giảm thiểu áp lực cho các trọng tài nội hiện nay ở V.League hay hạng Nhất. Nhưng suy cho cùng, đó vẫn sẽ chỉ là những phương án hay công cụ hỗ trợ. Bởi năng lực và bản lĩnh của các trọng tài mới là yếu tố quyết định cho những tiếng còi “thép”.

VAR và kế hoạch mời trọng tài ngoại

Trong đợt tập huấn giữa giai đoạn dành cho các giám sát, trọng tài của giải hạng Nhất, V.League và Cúp Quốc gia, Quyền Chủ tịch VFF - Trần Quốc Tuấn có đề cập đến kế hoạch đưa VAR về Việt Nam trong tương lai gần. Ông cho biết mình và đại diện lãnh đạo VFF đã có 2 buổi làm việc với FIFA, xoay quanh chiến lược đưa công nghệ hỗ trợ cho trọng tài về Việt Nam trong tương lai gần. Ai cũng hiểu đó chính là VAR, công nghệ video giúp trọng tài có thể xác định rõ ràng hơn những tình huống tranh cãi vốn hiện diện 4 năm qua ở những giải đấu lớn cấp châu lục và thế giới.

anh 2.jpg -0
VAR được xem là phương án giúp các trọng tài Việt Nam trong tương lai gần.

Trưởng Ban Trọng tài VFF - Dương Văn Hiền hoàn toàn ủng hộ tham vọng ấy. Ông khẳng định VAR hứa hẹn sẽ làm giảm bớt áp lực cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho các trọng tài ở các quyết định trên sân. “VAR sẽ giảm áp lực rất lớn và hỗ trợ giảm thiểu sai lầm cho trọng tài. Tôi lấy ví dụ có những trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh, trận đấu phải dừng tới 7 lần để trọng tài kiểm tra VAR. 7 lần đó là con số mà trọng tài cần có sự hỗ trợ về quyết định. Trong khi Việt Nam chưa có VAR thì trọng tài không được hỗ trợ như thế. Ngoài ra, với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, cứ sau một quyết định của trọng tài thì Ban huấn luyện, khán giả có thể xem lại tình huống để phán xét. Trong khi trọng tài phải quyết định thật nhanh với diễn biến trên sân”, ông Dương Văn Hiền nói.

Đó là câu chuyện của tương lai. Khi có thể phải 3-4 mùa nữa, bóng đá Việt Nam mới hội đủ mọi yếu tố từ tài chính đến nhân sự để đưa VAR vào V.League. Còn ngay trước mắt, trong bối cảnh V.League và hạng Nhất sắp đến hồi căng thẳng, với hàng loạt trận cầu “6 điểm” ảnh hưởng lớn đến cuộc đua vô địch và trụ hạng, Ban Trọng tài VFF với việc được VPF “bật đèn xanh” đã sớm có đề xuất mời trọng tài ngoại cầm còi ở các trận cầu nhạy cảm.

“Trong mùa giải năm nay, ở những trận đấu mang tính quyết định đến thứ hạng vô địch hoặc rớt hạng, Ban Trọng tài VFF có thể đề nghị phía VPF mời trọng tài ngoại về điều khiển nhằm giảm áp lực tâm lý cho anh em trọng tài nội”, ông Dương Văn Hiền nói. “Ở những mùa giải trước, chúng ta đã mời trọng tài ngoại và cũng được kiểm chứng. Họ cũng mắc những sai sót khi cầm còi. Nhưng BTC giải cũng như Ban Trọng tài muốn giải quyết vấn đề tâm lý. Bởi khi trọng tài ngoại đưa ra quyết định thì Ban huấn luyện hoặc các cầu thủ ít phản ứng. Trong khi với trọng tài Việt Nam, ngay cả khi họ quyết định đúng thì vẫn gặp áp lực”.

Bản lĩnh là quan trọng

Tất nhiên, giải pháp giảm áp lực cho trọng tài nội ấy và cùng với đó là đảm bảo V.League 2022 tránh “có mùi”, VPF đương nhiên sẽ phải chi tiền gấp nhiều lần để mời trọng tài ngoại. Chính Trưởng Ban Trọng tài VFF - Dương Văn Hiền phân tích: “Phải nói là sự chênh lệch là rất cao. Bởi chúng ta mời các trọng tài FIFA ở quốc gia khác về làm việc. Chế độ mà họ nhận được sẽ theo mức quy định mà AFC đưa ra. Không tính tiền di chuyển, ăn ở thì chi phí của một trọng tài trong 1 ngày tối thiểu là 200 USD. Chúng ta cứ lấy căn số đó để nhân với các trọng tài ngoại đi cùng đợt và thời gian họ làm việc tại Việt Nam, chẳng hạn như 7-10 ngày”.

Quả thực ở phía Ban Trọng tài, việc bỏ ra một chi phí lớn để mời trọng tài ngoại cho những trận đấu tới đây hay xa hơn là VAR sẽ là phương án giảm áp lực cho các trọng tài nội. Còn về phía VPF hay quan điểm người hâm mộ, như đã nói, việc sẵn sàng chi tiền đậm cho các giải pháp kể trên cũng là bởi đa số những trọng tài nội chưa thật sự bản lĩnh và đảm bảo yếu tố chuyên môn để “cầm cân nảy mực” trong các trận cầu hệ trọng của giải đấu.

Ngay trong lớp tập huấn giám sát và trọng tài giữa mùa giải vừa qua, đại diện lãnh đạo VFF và VPF và chính giảng viên trọng tài cũng thẳng thắn chỉ ra những sai lầm trong các quyết định của trọng tài ở lượt đi. Một trong những lý do lớn ấy chính là việc thiếu rèn giũa lý thuyết, tâm lý cầm còi để xử lý đúng luật, quyết định vững vàng trên sân cỏ. Vô hình trung, quyết định của trọng tài cứ sai theo chuỗi. Và chính vì thế, niềm tin từ người hâm mộ mới lung lay đối với các “ông vua áo đen cầm còi trên sân cỏ”.

Suy cho cùng, VAR cũng chỉ là một công nghệ hỗ trợ trọng tài. Nếu trình độ của các trọng tài không đủ tốt để làm chủ VAR thì những tình huống trên sân vẫn đầy rẫy sự tranh cãi.

Vì sao trọng tài V.League hay sai sót?

Theo phản ánh của báo giới cách đây không lâu, có 20 trọng tài chính trong tổng số 26 người mắc sai sót, chiếm tỷ lệ lên đến 77% ở V-League 2019. Số trợ lý trọng tài mắc lỗi trong mùa giải này cũng lên tới 20/33 người, chiếm 61%. Còn với Hạng Nhất Quốc gia 2019, tỷ lệ sai sót tương tự lần lượt ở mức 74% và 36%. Đây là một trong những thống kê hiếm hoi về trọng tài được công bố rộng rãi. Những năm qua, từ các thông số chuyên môn cho tới án phạt kỷ luật về các trọng tài đều được Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giữ kín một cách tối đa.

Vậy vì sao các trọng tài lại hay sai sót như vậy? Theo cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn, một trong những lý do chính nằm ở ý thức nghề nghiệp của các trọng tài. Ông Tấn nói không phải trọng tài nào cũng cầu tiến và chủ động nâng cao năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, số lượng trọng tài đạt chuẩn FIFA của bóng đá Việt Nam còn ít hơn với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần so sánh với thế giới. Bản thân trọng tài cũng phải có tinh thần, trách nhiệm nghề nghiệp và chủ động cải thiện chuyên môn để xử lý những tình huống chuẩn xác.

“Không phải trọng tài nào cũng mong muốn phát triển với nghề. Nhiều người chỉ coi đây là công việc kiếm tiền để nuôi gia đình. Khi đã đạt đến mức cần thiết, nhiều người không còn động lực phấn đấu. Ở nhiều buổi đi học, tập huấn, mọi người không còn quan tâm, nghĩ rằng bản thân đã nắm kỹ hết vấn đề và thản nhiên ngồi làm việc khác”, một trọng tài giấu tên nói.

An Khánh
.
.
.