Xuân Thiều - Cốt cách nhà văn

Chủ Nhật, 20/12/2009, 19:43
Ai có dịp đi qua phố Lý Nam Đế, bất chợt gặp một ông già trán hói, áo phông, quần xà lỏn, tay run run bê cốc bia hơi sùi bọt đầy tràn từ ngõ Hàng Hương đi qua đường sang hè phố bên kia, hẳn rất ngạc nhiên. Xin thưa, đó là chuyện thường ngày của nhà văn Xuân Thiều.

Ông yêu quý vợ con và luôn lo toan vun vén, xây đắp cái tổ ấm của mình. Đặc biệt đối với bà, ở thời kỳ bao cấp khó khăn. Ông thường xuyên vắng nhà nay khu IV, mai Quảng Trị, Thừa Thiên, bà đã thay ông nuôi dưỡng mẹ chồng, nuôi cả đàn con nay ở Hà Nội mai sơ tán về làng Lại Yên, Hà Tây. Thôi thì, chăn gà, quét lá cây, kiếm củi ngoài bãi Phúc Xá; đun cám, chăn lợn, đắp đổi cho cuộc sống gia đình. Bởi vậy, ông không chỉ yêu bà mà còn rất nể trọng bà. Được ăn miếng ngon, uống rượu lạ, ông đều nhớ đến bà.

Nhà văn Xuân Thiều không chỉ có trách nhiệm, có tình thương yêu vợ con mà còn yêu quý những cây viết trẻ trong quân đội và hết lòng dìu dắt họ. Do vậy, trại viết nào ông cũng được cử đi bám trại, bám anh em, đọc bản thảo cho họ. Đã có câu: "Trời sinh ra bác Xuân Thiều! Nơi nào mở trại thì điều bác đi".

Theo chỉ thị của Tổng cục Chính trị (QĐND) những người viết trẻ khắp cả nước từ Bắc chí Nam, từ các quân binh chủng… được gọi về Hà Nội để học Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhà văn Xuân Thiều được phân công phụ trách. Trong khi chờ đợi, 22 cây viết được đi trại viết ở Đà Lạt. Trong chuyến đi ấy có thêm nhà văn Hồ Phương đồng phụ trách.

Tôi thật bất ngờ thấy nhà văn Xuân Thiều đọc của anh em rất kỹ và có nhận xét rất chân tình, rất cốt lõi. Như tôi chẳng hạn. Tôi viết một truyện ngắn về pháo cao xạ chiến đấu "Tám mốt ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị". Truyện ngắn của tôi đã may mắn được một nhà văn danh tiếng đọc, góp ý sửa chữa. Ông còn cẩn thận sửa cả câu cú và cách hành văn cho tôi. Tôi phấn khởi vô cùng. Tôi chép lại sạch sẽ rồi nộp quyển cho nhà văn Xuân Thiều. Mươi hôm, ông đã gọi tôi trả bản thảo. Tôi hồi hộp vô cùng. Cứ nghĩ thế nào cũng được ông khen. Ai ngờ, ông bảo:

- Không phải truyện của cậu.

Tôi ngồi nghệt mặt chưa hiểu. Rõ ràng truyện của tôi, chữ tôi mà ông bảo không phải. Thế là thế nào? Tôi lo lắng đến nghẹn thở, cũng không để tôi phải chờ lâu, ông nói tiếp:

- Nói cách khác là truyện của cậu nhưng không phải văn cậu. Hàng ngày cậu kể chuyện hay như thế cơ mà. Sao cậu viết chán vậy.

Tôi về phòng nghĩ ngợi và quyết định viết lại. Viết cho thật đúng hồn, đúng vía cái hơi văn của mình. Và tôi nộp quyển. Tôi lại một phen lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Vài giờ sau, nhà văn Xuân Thiều đã xuống tận phòng tôi trả bài. Ông hồ hởi bảo:

- Đây mới chính là cậu, là văn cậu. Cậu có cái giọng thật riêng, thật quý. Xóa tên cậu đi, trộn vào đâu cũng vẫn không lẫn với ai được. Mình mừng cho cậu.

Xin dẫn thêm một trường hợp nữa. Ấy là nhà văn Phùng Khắc Bắc. Sau khi Phùng Khắc Bắc ra đi, nhà văn Xuân Thiều trăn trở mãi câu hỏi, Phùng Khắc Bắc viết nhiều thế, chả lẽ chỉ có mấy cái truyện ngắn in trên văn nghệ thôi ư? Đợi nỗi đau mất chồng nguôi ngoai đôi chút, ông mới gặp chị Tuất, vợ nhà văn Phùng Khắc Bắc. Ông bảo chị tìm xem trong chồng giấy tờ, bản thảo của Bắc có còn gì không? Chị Tuất đưa ra một chồng dày giấy kẻ học sinh. Rồi một tập những bài thơ chưa kịp đặt đầu đề. Nhà văn Xuân Thiều mang về nhà, đọc mải miết. Thấy thơ Bắc riêng và hay. Ông mừng lắm. Tiểu thuyết của Bắc, ông bảo để lo sau. Trước mắt, ông mời nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ Trần Nhương cùng đọc và tuyển chọn, bài nào chưa có tên thì đặt tên rồi thống nhất lấy tên sách là "Một chấm xanh".

Tập thơ in ra đã được bạn đọc hưởng ứng, đón nhận. Năm sau, được trao giải thưởng Hội Nhà văn. Còn tiểu thuyết của Bắc, ông luôn nhắc tôi biên tập. Tôi khất ông, tôi đang mải viết, để thư thư. Trước mắt để em in tập truyện "Chiều xuân nắng hanh" của Bắc đã.

Mấy năm sau, các cháu con anh Phùng Khắc Bắc đã lớn vổng lên. Chúng học máy tính và việc đầu tiên là đánh bản thảo của bố. Quyển sách dày dặn tới bốn trăm trang. Chị Tuất đưa cho nhà văn Văn Chinh, người cùng học với Phùng Khắc Bắc khóa II, Trường Viết văn Nguyễn Du đọc hộ. Văn Chinh khen hú lên, bảo nếu dự thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm ấy thì nhất định được giải. Nhà văn Xuân Thiều vốn cẩn trọng. Ông bảo chị Tuất đưa cho ông đọc.

Ông sang gặp tôi bảo: "Cậu thu xếp công việc giúp Bắc đi. Mình nói với cô Tuất rồi. Không qua cậu biên tập, in còn khó nữa là giải thưởng". Tôi biên tập xong đưa duyệt. Đồng chí Tổng Biên tập Nhà xuất bản (QĐND) đọc xong, trả lại tôi bản thảo. Ông yêu cầu tôi chữa tiếp, cắt tiếp. Tôi biên tập lần thứ hai, Tổng Biên tập vẫn không chịu. Tôi chạy sang nhà văn Xuân Thiều. Hai anh em ngồi một buổi chiều, giở từng trang Tổng Biên tập (XBQĐ) đánh dấu bút chì ra bàn. Chỗ nào phải cắt bỏ, chỗ nào nên thuyết phục lãnh đạo (NXB) giữ lại. Hai anh em thống nhất, mời chị Tuất sang Nhà Xuất bản làm việc với Ban lãnh đạo. Tôi nói rõ với chị Tuất:

- Chị có tin cậy trao hẳn bản thảo cho (NXB) biên tập, cắt xén, sửa chữa câu chữ để sách in được và có khả năng được giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn không?

- Tại sao anh lại nói thế?

 Tôi bảo:

- Tôi rất quý trọng anh Bắc bạn thân của tôi nhưng nếu chị không đồng ý thì chúng tôi không dám in. Hơn nữa, tôi còn sợ chị oán trách chúng tôi là đao phủ thẳng tay chém chặt bản thảo của anh Bắc.

Chị Tuất hỏi:

- Liệu sách của anh Bắc có được giải thưởng không?

Tôi bảo:

- Có khả năng.

Chị Tuất tiếp luôn:

- Anh Văn Chinh nói như đinh đóng cột là nhất định được mà.

- Bởi thế, Ban giám đốc đã cử tôi trao đổi với nhà văn Xuân Thiều và mời chị sang nhà xuất bản làm việc.

Chị Tuất nghĩ ngợi một lát mới nói:

- Thế ra anh đã gặp bác Thiều. Thôi thì tùy các anh. Miễn sao sách của anh Bắc em đến tay độc giả càng sớm càng tốt.

Tôi không ngờ nhà văn Xuân Thiều rất nóng lòng mong chờ tin tức buổi họp đó. Chị Tuất vừa về được một lát, nhà văn Xuân Thiều đã sang Nhà xuất bản gặp tôi. Ông hỏi luôn:

- Thế nào?

Tôi thưa:

- Ổn rồi ạ.

Thế rồi ông về luôn. Tôi tiễn ông ra cổng. Ông bảo:

- Mình sợ nhất những người không có trách nhiệm nó cứ làm rối lên. Thế là mình và cậu đã trọn vẹn với Bắc rồi.

Đọc xong cuốn tiểu thuyết, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, nhà thơ Hữu Thỉnh bảo tôi:

- Tôi biết bác và bác Xuân Thiều bỏ khá nhiều công sức vào cuốn sách của Phùng Khắc Bắc. Nhưng đọc vẫn thấy nó rờn rợn ma quái lắm. Mà cái nhân vật tôi cũng chả ra thế nào.

Tôi bảo:

- Đó là cái riêng của Phùng Khắc Bắc. Ông thuyết phục Ban chung khảo cứ trao giải thưởng đi. Đây là nghĩa cử với người đã mất, với đồng đội cánh ta.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cười tủm tỉm, mắt chăm chăm nhìn tôi.

Cuốn tiểu thuyết "Đời thường" quả nhiên được giải thưởng chính thức cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Xuân Thiều phấn khởi như sách của chính ông được giải thưởng vậy. Công lao bồi dưỡng, dìu dắt chân tình của nhà văn Xuân Thiều với các cây bút mới trong và ngoài quân đội, không kể sao cho xiết, tôi chỉ xin kể vài trường hợp.

Trong văn nghiệp, nhà văn Xuân Thiều không có cái may mắn như các nhà văn cùng trang lứa như Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Xuân Thiều xuất hiện trên văn đàn từ lúc ông 20 tuổi, nhưng tác phẩm của ông ở thời kỳ này chưa được bạn đọc đánh giá cao. Anh em văn nghệ thường ví ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế, trụ sở (TC VNQĐ) như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy là cỗ xe tứ mã vì có 4 con ngựa kéo, nó chạy phăm phăm không đèo dốc nào, không khó khăn gian khổ nào nó không thể vượt qua. Do vậy mấy ông chủ xe ngựa là Thanh Tịnh, Vũ Cao rất nhàn nhã.

Nhà thơ Vũ Cao bảo, quản lý một đội ngũ nhà văn hùng mạnh mà như không phải quản gì cả. Bốn ông ngựa tơ cực khỏe ấy là Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Xuân Thiều. Bởi cả bốn ông đều sinh năm Canh Ngọ (1930). Trong bốn ông ngựa ấy thì xem ra lúc đầu ông ngựa Xuân Thiều sự nghiệp có vẻ gầy hơn. Lúc về Tạp chí (VNQĐ) ông ngựa Xuân Thiều mới có truyện ngắn "Giọt máu" và "Tâm sự người quản tượng" là hơn cả.

Thế nhưng ông ngựa Xuân Thiều đâu có chịu đuối sức chồn chân. Ông nhẫn nại và lao động hết mình khi gõ móng đi nước kiệu lúc phi nước đại vượt lên. Do vậy, đến cuối chặng đường ông ngựa Xuân Thiều đã có những thành tựu thật đáng nể trọng. Nhà văn Xuân Thiều quan niệm rất rạch ròi. Anh yêu Đảng, yêu nước thì trước hết anh hãy yêu cái gia đình nhỏ của anh, yêu làng xóm, yêu đồng chí, đồng đội, yêu bạn bè và thủy chung với họ trước đã. Ông không bao giờ tin những kẻ không yêu vợ thương con lại có thể yêu nước, yêu Đảng, yêu con người. Đó là lẽ sống của ông.

Theo tôi, nhà văn Xuân Thiều là một trong những nhà văn đổi mới sớm nhất viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông quan niệm viết về chiến tranh rất táo bạo. Theo ông viết về chiến tranh nhưng xin đừng cổ xúy cho chiến tranh. Bởi chiến tranh là mang đến cho con người sự oan khuất, sự bất hạnh và sự hủy diệt. Do vậy, nhà văn phải có trí tuệ minh triết để nhìn nhận chiến tranh, phải luôn luôn tỉnh táo, phải có lòng nhân với con người. Con người ở đây là con người cả hai phía ta địch, thắng thua.

Trước năm 1985, ông đã viết truyện ngắn "Truyền thuyết Quán Tiên". Truyện ngắn này ông để dành mãi sau được Tạp chí VNQĐ chọn đăng. Nhưng vẫn là quá sớm. Do vậy "Truyền thuyết Quán Tiên" bị bóc ra. Và sau ba bốn năm nữa, nó mới được trình làng trên Báo Văn nghệ. Cũng thời đó, nhà văn Xuân Thiều viết tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ". Tiểu thuyết này ra đời cũng gây rắc rối cho ông. Ông vẫn vững vàng đi tiếp con đường đã chọn. Ông bảo, nhà văn phải có tư tưởng vững vàng, chỗ đứng vững chắc là vì thế.

Và Xuân Thiều vẫn kiên định con đường đổi mới văn học mà ông đã táo bạo lựa chọn, dẫu vẫn là mảnh đất ấy, con người ấy. Đó là mảnh đất, con người Bình Trị Thiên mà ông đã gắn bó đã yêu thương từ khi tuổi trẻ, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng loạt truyện ngắn xuất sắc để đời của ông vẫn ra đời: "Xin đừng gõ cửa", "Gió từ miền cát", "Người mẹ tội lỗi", "Đêm ngưng chiến" và tiểu thuyết "Tư Thiên", nối tiếp mạch "Huế mùa mai đỏ".

Ở bốn ông ngựa kéo cỗ xe tứ mã số 4 Lý Nam Đế ấy, mỗi người một vẻ đều để lại một số lượng, chất lượng tác phẩm thật đáng kính nể.

Ông ngựa Hồ Phương 18 tuổi có truyện ngắn "Thư nhà", một tác phẩm đặt nền xây móng cho văn học cách mạng trong khi đồng nghiệp vẫn còn đang loay hoay nhận đường.

Ông ngựa Nguyễn Khải thông minh và sắc sảo. Văn ông như đạn bắn thẳng. Ông nhìn vào chỗ nào cũng có truyện, nhìn người nào cũng có thể là nhân vật. Chung quy vẫn là ông phân thân nên nhân vật của ông thường là sắc sảo, thông minh, rạch ròi, khôn lớn rồi khôn vặt.

Ông ngựa Nguyễn Minh Châu lại khác. Vấn đề của truyện bao giờ cũng được ông nghiền ngẫm kỹ lưỡng rồi mới đi tìm vùng đất, tìm con người để chuyển tải. Do vậy tác phẩm nào nhân vật đuổi kịp, hòa nhập được tư tưởng của ông thì trở nên nhuần nhuyễn, xuất sắc, nổi trội như: "Cửa sông", "Dấu chân người lính" (tiểu thuyết), "Khách ở quê ra", "Mẹ con chị Hằng", "Con thuyền ngoài xa..." (truyện ngắn). Còn nếu nhân vật không theo kịp, không hòa nhập tư tưởng của ông thì tác phẩm dễ trở nên khiên cưỡng, áp đặt.

Ngựa ông Xuân Thiều lại chỉ viết về vùng đất quen thuộc, con người quen thuộc, vùng đất và con người ông đã trải nghiệm, lăn lộn, gắn bó gần như suốt cả cuộc đời. Ông nghiền ngẫm, lật đi lật lại vấn đề qua cách nghĩ táo bạo, mới mẻ về chiến tranh. Do vậy văn ông thời kỳ này thật nhuần nhuyễn, nhân hậu, đằm thắm thấm đẫm tình người.

Ông ngựa Xuân Thiều không chỉ viết văn xuôi như ba ông ngựa cùng kéo cỗ xe tứ mã với mình mà ông còn làm thơ (“Tre xanh”, “Và nỗi nhớ”), viết lý luận phê bình (“Tiếng nói của cảm xúc”). Riêng làm câu đối ông ký bút danh Tú Hói.

Lúc nào tư chất ngựa ông Xuân Thiều cũng thư thái, ung dung, không đua tranh, hờn giận. Ông sống thanh thản như ông đồ xứ Bắc Hà. Phải chăng đó là cốt cách của nhà văn Xuân Thiều.

Sầm Sơn, 26/10/2009

Dương Duy Ngữ
.
.
.