Vươn tới những bộ phim chuẩn mực
Liên hoan phim truyền hình toàn quốc (LHP THTQ) lần thứ 27 đã kết thúc vào tối 13/1 với 44 giải vàng, 102 giải bạc, 192 Bằng khen, ở 11 thể loại được lựa chọn từ hơn 700 tác phẩm dự thi của 86 đơn vị truyền hình.
Ở thể loại phim truyện truyền hình - lĩnh vực luôn được quan tâm nhiều nhất, có 3 tác phẩm được trao Giải Vàng là: "Ma làng" (phim dài tập) và "Mùa hè rớt" (phim ngắn tập) đều của VFC và "Nữ bác sỹ" của Hãng TFS. Riêng NSƯT Phạm Thanh Phong ăn giải "đúp" khi vừa là tác giả kịch bản "Ma làng", vừa là đạo diễn của "Mùa hè rớt".
Theo các thành viên Ban giám khảo phim truyện, Liên hoan lần này đánh dấu bước thay đổi mạnh mẽ với phim truyện truyền hình khi đã có sự xác định rõ thế nào là phim truyền hình, phân biệt rạch ròi với điện ảnh. Và cán cân nghiêng về phim dài tập với số lượng dự thi nhiều và chất lượng tốt: 6 bộ phim dài tập với khoảng 100 tập và 10 phim ngắn.
Điều đặc biệt là tại Liên hoan, việc lựa chọn đề tài của các phim đều có sự bứt phá, ít né tránh sự thật, không tô hồng cuộc sống và đều dám nhảy vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, chứng tỏ sự thay đổi nhận thức của các nhà đài trong việc chấp nhận phát sóng. Mà, đề tài là yếu tố quan trọng trong thành công của một bộ phim.
Thành công của "Ma làng" (19 tập, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hoàng Lâm) là một minh chứng. Đã có nhiều phim nói về đề tài nông thôn, nhưng "Ma làng" không đi theo lối cũ, mà đi thẳng vào những sai lầm một thời trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Để chỉ ra vấn đề này không phải bây giờ mới có. Với nội dung gần gũi với đời thường, phim thỏa mãn được khát khao của người dân là được nói sự thật, chỉ ra những cái chưa được ở một địa phương.
Đây là một đề tài nhạy cảm, nhưng, trong khuôn khổ của luật pháp, "Ma làng" không chỉ chỉ ra những sai lầm làm bài học kinh nghiệm cho bước tiếp theo, mà với sự hướng thiện mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra rất lớn, lại được phản ánh chân thực, sinh động qua các nghệ sĩ có tay nghề, phim đã thu hút được một lượng khán giả đông đảo, và đương nhiên, gây chú ý của chính Ban tổ chức tại liên hoan.
"Nữ bác sĩ" (18 tập, đạo diễn Song Chi) cũng tạo được ấn tượng với người xem khi đưa ra câu chuyện đầy sự vật vã giữa nghề nghiệp và tình người của những nữ bác sĩ. 18 tập của Hãng TFS, phản ánh đời sống thành thị với những câu chuyện về ba cuộc đời khác nhau của ba nữ bác sĩ tại một bệnh viện phụ sản; Bước vào nghề, thầy thuốc trẻ đã phải tiếp xúc với nhiều câu chuyện ngoài mong đợi, gặp phải những cảnh ngang trái nhưng đã vững vàng vượt qua.
Khác với một số phim mang tính giải trí cao mà Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh từng làm, "Nữ bác sĩ" buộc khán giả phải suy ngẫm, trăn trở với những vấn đề bộ phim đặt ra là tình người, tình đời.
Có gốc từ một câu chuyện có thật mới xảy ra về trường hợp một vị lãnh đạo doanh nghiệp ở Hà Nội bị vợ tố cáo chuyện bồ bịch đến mất hết chức, quyền, "Mùa hè rớt" của đạo diễn Phạm Thanh Phong đã tạo được dấu ấn cả về kịch bản và đạo diễn.
Đề tài của phim khá sốc khi chạm đến vấn đề xã hội sâu sắc trong bối cảnh nhiều người, vì những quan niệm đạo đức khô cứng đã không dám bộc lộ mình: Sự yên ấm bề ngoài chỉ để cho mục đích thăng tiến, hay tình yêu đích thực mới là hạnh phúc? Trước một người phá vỡ hạnh phúc gia đình, không nên chỉ lên án, kết tội, mà cần truy căn hôn nhân là gì, hạnh phúc là gì?
"Mùa hè rớt" đưa ra quan niệm mới với cách lý giải ấm áp tính nhân văn: khi hôn nhân và hạnh phúc không đồng hành, thì con người cần được giải phóng để tìm đến hạnh phúc đích thực. Dẫu mất hết, nhưng nhân vật chính của "Mùa hè rớt" lại được sống cuộc sống của mình, được chăm sóc, thương yêu và được yêu thương. Bộ phim mong muốn cái nhìn mới của xã hội: vấn đề hôn nhân độc lập với công việc.
Nhìn nhận chung về phim truyện tại Liên hoan, NSND Khải Hưng cho rằng vẫn còn có những cái thiếu và yếu: Phim truyền hình là làm trong trường quay, thu thanh đồng bộ, nhưng ở đây vẫn là cách sản xuất cũ, không phải là phim truyền hình chuẩn mực. Việc lồng tiếng không thúc đẩy diễn xuất, mà còn tạo sự na ná giữa các phim khi vẫn chung nhóm lồng tiếng, gây cảm xúc nhàm chán. Lực lượng xã hội hóa tham gia làm phim đông, nhưng lại chưa được tham dự nên chưa thể có sự đánh giá đúng mức về khả năng của họ đến đâu.
Và như thế, Giải Vàng là quý trọng; nhưng hãy coi đó là những sự khởi đầu để vươn tới những bộ phim truyền hình chuẩn mực như lời của một thành viên Ban giám khảo