Vui nhộn trò chơi dân gian của người Cơ Tu

Thứ Năm, 09/04/2015, 23:35
Trong kho tàng văn hóa, văn nghệ của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hùng vỹ không chỉ có tiếng trống, tiếng chiêng, điệu múa..., mà còn lưu giữ khá nhiều trò chơi dân gian mang đậm hơi thở của núi rừng, thông qua các trò chơi này, không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái trong những ngày lễ, xuân mà còn mang đến sức mạnh, sự dẻo dai và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây…

Những ngày lễ, Tết, hay sự kiện quan trọng, tại làng Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, những trò chơi dân gian vui nhộn được tái diễn nhằm lưu giữ những nét riêng của người bản địa. Trở lại vùng cao này trong những ngày cả nước chuẩn bị chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), chúng tôi được các già làng cho hay, đồng bào Cơ Tu cũng đang chuẩn bị đón mừng ngày trọng đại này. Và, các trò chơi dân gian cũng sẽ được tái hiện…

Những trò chơi dân gian vui nhộn của người Cơ Tu.

Theo các gia làng, thường mở đầu cho các trò chơi dân gian, nam nữ thanh niên làng PơNing chơi trò chơi nhảy vòng (tiếng Cơ Tu gọi là Chơh padhieer). Hình thức của trò chơi này là cột một vòng tròn bằng dây mây trên một thanh cây thẳng đứng. Hai thiếu nữ Cơ Tu đứng giữ hai bên vòng tròn và lần lượt các thanh niên trong làng phải nhảy lọt vào vòng tròn đó, làm sao không bị vướng và vòng tròn không bị ngã đổ.

Trò chơi nhảy vòng này vừa mang lại niềm vui, tiếng cười sảng khoái; đồng thời cũng nhằm mục đích rèn luyện cho các thanh niên sự dẻo dai, tinh tế, nhanh nhẹn và sự chính xác cao độ. Đó cũng được coi là những bản lĩnh cần có của mỗi người thanh niên Cơ Tu trong cuộc sống nương rẫy hằng ngày.

Để tham gia trò chơi này, các thanh niên trong làng phải tập luyện dưới sự hướng dẫn của các già làng rất lâu. Song không phải ai cũng có thể hoàn thành phần nhảy vòng của mình. Có nhiều thanh niên không thể hoàn thành việc nhảy vòng và đành chịu thua cuộc. Nhưng không sao, miễn vui là được.

Anh Cơlâu Cao Nguyên vui vẻ cho biết: “Để có thể nhanh nhẹn trong quá trình chơi trò Chơh padhieer, thanh niên chúng tôi phải tập thường xuyên nhiều ngày và được các nghệ nhân, già làng, ông nội, ông ngoại bày cho”…

Anh Cơlâu Nghề cho chúng tôi biết thêm một trò chơi nữa là Tak Pơ Ching, hiểu nôm na là một cuộc đi săn thú rừng. Những chiếc vòng tròn nhỏ bện bằng dây mây được ném qua, ném lại tượng trưng cho con thú trong rừng bỏ chạy khi bị truy đuổi. Người nào dùng gậy chọc trúng vòng tròn cũng có nghĩa là chọc trúng con thú và sẽ trở thành người thắng cuộc.

Đây là một trò chơi cổ truyền, mang đậm tính cộng đồng của người Cơ Tu, bởi trò chơi này cả nam và nữ đều tham gia và đều có thể trở thành những nam thiện xạ, hay nữ xạ thủ Cơ Tu. Tak Pơ Ching giúp cho thanh niên tập phản xạ nhanh, đi vào trong rừng gặp thú chạy thì mình có thể đâm cho chính xác và hạ gục con thú…

Sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam luôn gắn bó mật thiết với rừng. Vì thế, trong những trò chơi dân gian mà họ còn lưu giữ luôn thể hiện được sự khéo léo, nhanh nhẹn như con sóc và khỏe mạnh như con hổ trong rừng. Và, để những trò chơi dân gian của tộc người Cơ Tu trường tồn mãi theo thời gian, vai trò của các già làng, trưởng bản là hết sức quan trọng. Chính họ đã đứng ra tổ chức, khôi phục và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ ngày nay và còn gắn kết phát triển du lịch địa phương.

Già làng Cơlâu Nâm, Anh hùng LLVTND xã Lăng, tâm sự: “Mình già rồi nên nhiều trò chơi dân gian của người Cơ Tu mình còn biết phải truyền lại cho lớp trẻ, để mỗi khi lễ hội, hay các sự kiện quan trọng, các cháu còn biết chơi trò chơi dân gian, vừa vui vừa nâng cao sức khỏe, vừa cho đời sống văn hóa thêm tốt đẹp hơn”.

Theo ông Pơloong PơLênh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch huyện Tây Giang: Để phát triển du lịch Tây Giang thì yếu tố môi trường rừng, về văn hóa người Cơ Tu rất quan trọng, nhất là du lịch cộng đồng, trong đó các trò chơi dân gian, rồi một số nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm… là những nét đặc trưng rất hay để bạn bè du khách, nhất là du khách quốc tế khi đặt chân đến đất rừng Tây Giang, am hiểu sâu sắc hơn về con người ở đây...

Tấn Sỹ - An Khang
.
.
.