Vua” nhạc Boléro Vinh Sử bị nhạc sĩ Giao Tiên khiếu kiện

Thứ Tư, 12/07/2006, 08:12

Sau khi nhạc sĩ Vinh Sử cho ra mắt "Tuyển tập Vinh Sử - những tình khúc vàng", trong đó có một số bài hát do Giao Tiên sáng tác nhưng lại ghép tên hai người, nhạc sĩ Giao Tiên đã phản ứng quyết liệt. Dù tình thân đã mấy chục năm, thế nhưng Giao Tiên tuyên bố sẽ kiện Vinh Sử vì vi phạm quyền tác giả.

Vinh Sử không phải là một tên tuổi xa lạ trong giới âm nhạc. Dù rằng tác phẩm của ông có nhận được những ý kiến khen chê khác nhau nhưng, nói chung, nhạc của Vinh Sử vẫn được đông đảo tầng lớp bình dân yêu thích. Còn nhạc sĩ Giao Tiên tên thật là Dương Trung, hiện sống tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Tên tuổi của Giao Tiên tuy có kém hơn Vinh Sử, nhưng nhắc đến một số nhạc phẩm của ông trước năm 1975 như: "Cô Thắm về làng", "Quán gấm đầu làng", "Tình đẹp mùa chôm chôm" v.v… thì hẳn nhiều người biết.

Giữa Vinh Sử và Giao Tiên từng có mối thâm tình. Vào thời điểm khó khăn (những năm 1994 - 1996), ông Giao Tiên có viết giấy ủy quyền cho Vinh Sử được sử dụng những bài hát do ông sáng tác để thu thanh. Cũng cần nói thêm cho rõ, việc Giao Tiên ủy quyền cho Vinh Sử thực chất là một kiểu "bán lúa non". Việc Vinh Sử thu băng ra sao không biết, nhưng mỗi lần đưa bài hát là Giao Tiên được "ứng trước" tiền (50.000đ/bài). Đó là chưa kể những bài hát Giao Tiên hoàn toàn viết theo "đơn đặt hàng" của Vinh Sử.

Theo Vinh Sử thì ông làm những việc đó cũng là để cho bạn mình "kiếm chút đỉnh" chi tiêu trong cuộc sống. Hiện Vinh Sử giữ trong tay bản ủy quyền hằng trăm bài hát mà Giao Tiên sáng tác "cho Vinh Sử". Tất nhiên, không phải bài nào cũng hay, cũng sử dụng được. Nhưng lần nào có bài hát mới là Vinh Sử lại "ứng trước" cho bạn.

Mối thâm tình không chỉ được "xây dựng" trên vấn đề tiền bạc mà còn ở tình cảm anh em làm nghệ thuật. Chính Giao Tiên cũng đã nhiều lần viết thư cho Vinh Sử rằng: "Tôi biết Vinh Sử vốn có lòng với tôi lắm…". Và, cũng không ít lần Giao Tiên đề nghị: "Những nhạc phẩm do tôi sáng tác Vinh Sử được quyền ghép tên chung cho thắm tình bằng hữu".

Thế nhưng, sự việc bỗng trở nên nghiêm trọng khi nhạc sĩ Vinh Sử cho ra mắt "Tuyển tập Vinh Sử - những tình khúc vàng" (NXB Âm nhạc, phát hành tháng 4-2006). Nhạc sĩ Giao Tiên lập tức phản ứng quyết liệt. Ông cho rằng Vinh Sử đã "nhận vơ" tác phẩm của mình. Sự thật như thế nào?

Đúng là Vinh Sử đã tự ghép tên chung (đứng sau) với Giao Tiên (chứ không như một tờ báo viết tên Giao Tiên đã bị bỏ hẳn). Hỏi Vinh Sử rằng, tại sao ông lại ghép tên chung trong khi không phải đồng tác giả? Vinh Sử trả lời rất hồn nhiên: "Tôi có nghĩ gì đâu. Giao Tiên từng nói đứng tên chung cho vui. Nếu vì danh, tôi nghĩ riêng sáng tác của mình tôi cũng đã nổi tiếng. Tôi nghĩ, nếu tập nhạc này bán được thì anh em cũng có… chút cháo"(!).

Thư viết tay của Giao Tiên cho Vinh Sử.

"Tôi sẽ rút tên lại, nhưng…"

Thật ra việc Vinh Sử hay dùng bút hiệu bằng những tên ghép đã có từ trước năm 1975, chứ không phải mới đây. Nhiều người xem tập nhạc Vinh Sử thắc mắc không biết Cô Phượng, Hàn Ni, Cô Nguyệt… là ai? Đó là những "bóng hồng" trong đời Vinh Sử. Không chỉ "bóng hồng", Vinh Sử còn ghép tên chung với của con mình là Vinh Quang, Diễm Nhi… Cũng như thế, khi Giao Tiên đề nghị ghép tên cho "cho vui" thì có bài nhạc Vinh Sử ghép tên với Giao Tiên, có bài lại ghép tên con của hai người (Xuân Hậu, Diễm Đào, Dương Tiến Thu… là con của Giao Tiên). Nói rõ như vậy để thấy Vinh Sử không cố tình "đánh lận con đen" trong việc đứng tên chung.

Có một chi tiết để thấy rằng Vinh Sử khá "hồn nhiên" là: Các bài hát ghép tên với Giao Tiên - tên Vinh Sử đều đứng sau. Tập nhạc của mình mà tên mình lại đứng sau tên một nhạc sĩ khác, rõ ràng Vinh Sử hoàn toàn không cố ý phủ nhận vai trò sáng tác cũng như quyền đứng tên tác giả của Giao Tiên(!).

Tuy nhiên, việc Vinh Sử tự ghép tên mình (dù là đứng sau) trong những bài hát nổi tiếng trước năm 1975 của Giao Tiên, theo chúng tôi là không thỏa đáng. Cả một đời nhạc sĩ, chỉ có dăm tác phẩm "để đời" mà bị người khác nhận là của mình thì thử hỏi ai không phản ứng(?!).

Nhạc sĩ Vinh Sử thẳng thắn: "Trong chuyện này, dù biện hộ thế nào đi nữa, tôi cũng là người có lỗi. Từ nay, tôi xin rút tên ra khỏi những sáng tác của Giao Tiên, kể cả những bài không nổi tiếng, những bài tôi có sửa chữa trong đó. Tôi làm vậy vì muốn minh bạch, vì tình bạn giữa chúng tôi đã không còn. Nhưng, phải nói thêm, tiền tác quyền nhiều bài hát của Giao Tiên phải thuộc về tôi, vì Giao Tiên đã "bán đứt" cho tôi rồi!...".

Như vậy, sự việc vẫn chưa đến hồi kết thúc. Bài học cho riêng hai người trong cuộc thì hẳn mỗi người đã nhận thấy. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho những ai làm nghệ thuật nhưng quá "ngẫu hứng" trong việc tác quyền. Những kiểu "làm ăn" dù là làm văn nghệ cũng nên đặt trên nền tảng của sự chuyên nghiệp, với tinh thần sáng tạo và tôn trọng công chúng cao nhất. Nếu không, những chuyện rắc rối tương tự như thế này sẽ còn tiếp diễn

Việt Trần
.
.
.