Một bài nghiên cứu văn học Việt Nam của Tiến sĩ N.I.Nikulin:

Vũ Trọng Phụng và sự phê phán "âu hóa"

Thứ Năm, 11/08/2005, 07:00
Trong số các tiểu thuyết của Việt Nam những năm 30 thế kỷ XX, Vũ Trọng Phụng là nhà văn có thế giới quan phức tạp hơn cả. Hơn nữa, ông lại đi tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề quan trọng ngay từ trong hiện thực của xã hội Việt Nam thực dân nửa phong kiến đang biến đổi nhanh chóng lúc bấy giờ.

Ví như việc Âu hoá hay Tây hoá mang đặc tính hời hợt được nảy sinh từ sự xuống dốc của đạo đức, được áp đặt bởi bọn thực dân chứ không phải là kết quả của việc tự lựa chọn, chính vì vậy mà đã tạo ra sự phản ứng dữ dội. Điều đó đã được nói tới, ví dụ, trong vở kịch Ông Tây An Nam của Nam Xương (1930) và trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Cái chính sách mà nói theo kiểu hoa mỹ của bọn thực dân là đi "khai hoá văn minh" cho các thuộc địa đã phá hoại những nền tảng truyền thống, phá vỡ tính thuần nhất của văn hoá Việt Nam, là thứ "chủ nghĩa tự do trong đạo đức", kéo theo sự sụp đổ của nó, điều mà Vũ Trọng Phụng đã phản kháng quyết liệt trong cuốn Số đỏ của mình.

Cần phải nói rằng, thời cận đại và hiện đại ở các nước phương Đông, cũng như ở Nga - đất nước có cả Âu và Á, như một quy luật tất yếu, cùng một lúc xuất hiện cả loại người Âu hóa và loại người bảo lưu truyền thống (xét trong quan hệ với nền văn hóa của dân tộc mình, trong tính thuần nhất của nền văn hóa đó và nếp sống truyền thống). Trong khi đó, theo quan điểm chính trị, những người "Âu hóa" và "thủ cựu" có thể gần gũi nhau trong một mức độ nào đó và cũng có thể rất xa nhau.

Rõ ràng là vào những năm 20-30 thế kỷ XX, tình trạng cổ hủ khư khư bảo vệ những nguyên tắc và nếp sống cũ trong xã hội Việt Nam đã trở nên quá mức và các nhà văn thì rất thích thú với việc vạch trần, châm biếm, mỉa mai chua chát tình trạng này: như hình tượng cử Lân - một kẻ lố bịch trong Ông Tây An Nam hay Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ - một tác phẩm trào phúng chua cay.

Nhưng trong những cuộc bút chiến nóng bỏng nhằm nhạo báng và lật đổ ấy, như chúng ta thấy chúng được diễn ra trong một thời gian dài, đôi khi lại bị sa vào chỗ không đáng như thế. Nhìn bằng con mắt ngày nay, chúng ta thấy thật đáng ngờ quan điểm xã hội tán dương một cách vô điều kiện những cuộc công kích, châm biếm nhằm vào chiếc áo dài của các cô tân thời hoặc những thứ y phục mới của nữ giới. Nhưng Vũ Trọng Phụng cần không phải là sự bảo vệ mà là sự thấu hiểu.

Thực ra, ông cười nhạo một cách cay độc không phải là cái kiểu cách cụ thể của chiếc áo dài mà là hiện tượng mới được thu nhập từ phương Tây - mốt quần áo: thứ mốt học đòi tư bản. Cái mốt mà nhà viết kịch vĩ đại Bernard Shaw với một thái độ hài hước chua cay gọi là một thứ dịch bệnh có điều khiển. Vũ Trọng Phụng trong việc châm biếm mốt đã xuất phát từ những quan điểm truyền thống về người phụ nữ - với tư cách là người vợ, vị nội tướng trong gia đình. Quần áo của họ là thể hiện của sự lệ thuộc, nhẫn nại, khiêm tốn. Điều đó đã được nói đến, ví dụ, trong tác phẩm vô danh thế kỷ XIX Huấn nữ diễn ca.

Áo quần đừng chuộng lượt là,

Dẫu mà giàu cũng nâu pha mùi sồng

Vũ Trọng Phụng không hề nuôi ảo tưởng cho việc Âu hóa ở Việt Nam theo cái cách mà chúng được tạo ra ở các nước thuộc địa đang bị ngoại bang nô dịch. Văn minh - đó là một thứ then chốt trong Số đỏ. Khái niệm văn minh xuất hiện vào thế kỷ XIX, sau thế kỷ Ánh sáng, mang đặc tính dân tộc. Nhưng trong học thuyết đạo đức giả của các nhà thực dân, khái niệm này đã được thu hẹp lại và lại được nổi rõ trong biến thể quái gở là văn minh Âu - Mỹ ở các nước thuộc địa lúc đó.

...Vũ Trọng Phụng là một người thành phố chính cống. Thành phố là cuộc sống của ông, số phận của ông, nó thôi thúc ông phải viết. "Tình yêu, thiên nhiên, những rung động trữ tình không nằm trong cảm hứng sáng tác của Vũ Trọng Phụng" - nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Kỵ đã nhận xét một cách đúng đắn. Chắc rằng, Vũ Trọng Phụng chỉ miêu tả thiên nhiên ở những nét riêng biệt với tư cách là địa điểm hành động của nhân vật, còn tình yêu không tồn tại ở Vũ Trọng Phụng với một nội dung trữ tình cao cả mà chỉ như một thứ ngòi nổ dây chuyền chuyển động trong nhiều tác phẩm của ông...

Vũ Trọng Phụng cảm nhận một cách sắc sảo mâu thuẫn trong nhận thức của những người cùng thời với mình. Trong truyện ngắn Đoạn tuyệt được in ngay sau cái chết của nhà văn, thì chàng rể - kẻ đại bịp, để khước từ đám cưới thua thiệt, đã biện luận trước cuộc thử nghiệm đang diễn ra với sự đồng cảm của những người nghe y về sự nguy hại của hôn nhân vì tình yêu. Nghịch lý ở đây thể hiện ở chỗ: nhà nho già thì không hủ lậu, còn chàng trai trẻ đại diện cho thế hệ mới đang bảo vệ cho những nguyên tắc đã trở nên quá lỗi thời chính trong thời điểm khi mà anh ta bảo vệ chúng một cách có lợi, còn cụ già - người bảo vệ cái cũ, như người ta nói, thì trở nên cứng họng...

Vũ Trọng Phụng có thái độ phê phán kịch liệt với vấn đề Âu hóa, bởi ông nhìn thấy những di sản tiêu cực của quá trình này, và ông lại biết giữ niềm kính trọng đối với những nếp sống và những tôn giáo truyền thống của dân tộc (trừ Phật giáo). Do đó, ông đã mô tả trong tiểu thuyết Dông tố hình ảnh một người tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam - nếu suy xét một cách bóng gió thì rõ ràng đó là người Cộng sản - ở đây lại được miêu tả như một nhân vật nho sĩ quen thuộc của Việt Nam, biết thuật xem số tay, có khả năng tiên tri và bói toán. Thứ ngôn ngữ cầu kỳ, lịch thiệp của nhân vật này là thứ ngôn ngữ kiểu cách của nhà nho. Chính với những đặc tính dân tộc truyền thống của mình, Vũ Trọng Phụng đã đối lập với nhân vật Dũng - một nhân vật nổi tiếng thời gian đó trong các tiểu thuyết của Nhất Linh. Việc thể hiện những đặc điểm dân tộc của nhân vật này đúng là chưa thật rõ ràng lắm.

Nhìn chung lại, Vũ Trọng Phụng đã chống lại những thứ chủ nghĩa "gia trưởng" mà bọn thực dân và tay sai người Việt đã du nhập vào Việt Nam, thứ chủ nghĩa đã gạt bỏ những nề nếp của dân tộc, học đòi một cách hình thức nền văn hóa phương Tây... Vũ Trọng Phụng chủ trương gìn giữ sự thuần nhất của dân tộc, muốn để người Việt Nam giữ nguyên những gì của chính mình, chỉ tiếp nhận từ bên ngoài những cái gì có lợi theo quan điểm của nhà văn

Trích theo bản dịch của Vũ Thanh
.
.
.