Vũ Trọng Hối và những giai điệu để đời xuyên Trường Sơn

Chủ Nhật, 25/12/2005, 08:39

Hồi đó, sau ngày khởi nghĩa hừng hực không khí cách mạng, có một người lính của Đệ tứ chiến khu ghé về công tác ở Hải Phòng quê hương. Sau khi rẽ thăm gia đình ở xóm Hàng Kênh, người lính thong thả theo đường Cầu Đất lên phố Tây ở trung tâm thành phố. Người lính lên phố không phải vì tò mò chốn đô hội phồn hoa mà vì một ước muốn rất riêng tư. Người lính ấy tên là Vũ Trọng Hối.

Vũ Trọng Hối xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Nam Định, lang bạt về Hải Phòng, giống như gia đình Văn Cao. Văn Cao thì sinh ở chân tháp nước Nhà máy Nước Hải Phòng, còn Vũ Trọng Hối thì sinh ra trong một căn nhà lụp xụp của xóm thợ Hàng Kênh ngày 15/6/1926. Tại căn nhà này, ngoài lời ru của mẹ từ thuở nằm nôi, cậu bé Hối lớn lên trong âm thanh các điệu chèo của các anh xẩm.

Nhà nghèo, Vũ Trọng Hối chỉ được học tới lớp ba là bắt đầu đời thợ. Từ đời thợ mà chàng thanh niên Vũ Trọng Hối đến với cách mạng. Là người lính của đội quân Hùm xám Nguyễn Bình, Vũ Trọng Hối đã nhẩm ra nhiều giai điệu mà đồng đội đã nhiệt tình hòa theo. Nhưng đấy vẫn chỉ là những bài hát truyền miệng. Tác giả Vũ Trọng Hối của nó, ngoài tình yêu âm nhạc thì không hề biết một chút sơ đẳng gì về kiến thức âm nhạc cả. Bởi vậy, ước muốn trong chuyến về công tác Hải Phòng hồi đó của Vũ Trọng Hối là tầm sư học đạo để những bài hát truyền miệng của mình được ghi thành nốt nhạc hẳn hoi.

Nhằm thực hiện ước muốn, Vũ Trọng Hối đã tìm đến một quán bar, nơi các nhạc công đất Cảng hay ngồi uống cà phê, tán gẫu. Dù là người lính với quân phục Vệ quốc đoàn oai vệ, Vũ Trọng Hối vẫn lí nhí, ấp úng đề đạt được ước muốn của mình trước đám nhạc công. Nhưng đề đạt ấy đã hóa thành trò cười cho đám nhạc công hợm mình, thích khinh rẻ và miệt thị người khác. Đấy là cú huých chí mạng vào thẳm sâu lòng tự ái của con người. Và từ lòng tự ái tột cùng đó, đã vụt đứng dậy một nhạc sĩ Vũ Trọng Hối với cá tính sáng tạo hết sức độc đáo trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Nhưng dù tự ái đến mấy, thì cũng không thể biến thành một phép thần để thay đổi từ một “Vũ Trọng Hối không biết nhạc” đến một “Vũ Trọng Hối nhạc sĩ” ngay lập tức. Quá trình miệt mài, cần mẫn học tập của Vũ Trọng Hối đã diễn ra suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hải Phòng, ở Liên khu III. Nhờ phát hiện của đồng chí Lê Quang Hòa mà Vũ Trọng Hối đã được giới thiệu lên Việt Bắc bồi dưỡng âm nhạc. Ở lớp bồi dưỡng, Vũ Trọng Hối đã được gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Song dù đã gặp được “người anh cả làng nhạc”, Vũ Trọng Hối vẫn chưa tin được rằng mình có thể theo đuổi con đường âm nhạc. Niềm phân vân ấy, mối hoài nghi ấy vẫn đeo đẳng nặng nề trong tâm can Vũ Trọng Hối ngay cả khi ông được vào Trường Âm nhạc Việt Nam để học tập năm 1960.

Lòng kiên nhẫn quả là một người thầy lớn. Ngay sau khi vào trường, Vũ Trọng Hối đã thực sự phát lộ một cá tính sáng tạo âm nhạc tràn đầy âm hưởng dân ca, mà chủ yếu là chèo. Ngày ấy, khi còn là một thiếu niên học cấp một, tôi đã thích và thuộc qua đài truyền thanh những giai điệu vui, gần gũi với ca từ giản dị như: “Ngọn cờ hồng múa trên quê ta/ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/  Lời ca mừng thiết tha hân hoan/ Bàn tay này xây dựng Điện Biên...”. Sau này mới biết đấy là những tác phẩm “Hát mừng đất nước”, “Ngọn cờ hồng” của Vũ Trọng Hối.

Sau sự kiện 5/8/1964, Vũ Trọng Hối tốt nghiệp Trường Âm Nhạc Việt Nam và về công tác tại Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Vẫn bằng chất liệu chèo, Vũ Trọng Hối đã đưa ra “Mùa chiến công nở rộ hai miền” vừa đằm thắm, vừa tự hào:

Khi mà đất nước đang tuổi hai mươi
Mùa xuân chiến công đang nở rộ hai miền
Toàn nhân dân chiến tranh đang nở rộ hai miền...

Bài hát có giai điệu thật đẹp, tiết tấu độc đáo đã thực sự khắc họa được không khí đất nước những ngày đầu chống Mỹ. Nó cũng khép lại một thời kỳ tích tụ và thể nghiệm một lối đi riêng trong âm nhạc của Vũ Trọng Hối kéo dài suốt hai thập niên và mở ra một thời kỳ mới rực rỡ khẳng định tên tuổi, vị trí nhạc sĩ Vũ Trọng Hối trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại.

Lần giở cuốn nhật ký Trường Sơn đã sờn cũ của Vũ Trọng Hối, có cảm giác những dòng chữ lít nhít kia là những lối mòn giao liên dẫn ta trở về với quá khứ, ký vãng và hồi ức mà người nhạc sĩ mặc áo lính này đã trải qua với bao nhọc nhằn cam go giữa mưa bom, bão đạn để tạo nên những tác phẩm bất hủ về một Trường-Sơn-chiến-tranh những ngày đầu dữ dội.

Trong nhật ký, Vũ Trọng Hối đã tự bạch: “Ngày 18/12/1965, khởi hành 15 giờ 15 phút. Chuyến đi nhiều thú vị. Cách đây độ khoảng 6-7 tháng, khi anh Xuân Diệu (không phải Xuân Diệu nhà thơ mà là Xuân Diệu ở Cục Tuyên Huấn) gọi sang phụ trách Đoàn Tổng cục thì có cái gì chưa an tâm cho nghề nghiệp. Được đi học sáng tác mà phân công phụ trách tổ chức. Nhưng vì lý do yêu cầu của tổ chức mà, còn dám nói chi. Tuy lúc đó đã làm được “Mùa chiến công nở rộ hai miền” trong tình trạng cầm chừng, nhưng khi đã phát lên đài thì thấy vui vì nhạc không đến nỗi tắc lắm. Cho nên sáng sớm (4 giờ 30 phút) về đến Hà Nội, chiều 25/11/1965 lúc báo cáo tổng kết, anh Hồng Cư (Cục phó Cục Tuyên huấn) nói rõ trên có ý định trao nhiệm vụ đi sáng tác thì thấy hạnh phúc quá. Mừng ơi là mừng, vì trên vẫn nhớ đến mình là người sáng tác”. Và Vũ Trọng Hối đã xốc balô lên vai ở tuổi 40, đã có vợ và hai con, đã 20 tuổi quân, để lại chịu đựng như một người lính mới khi ròng rã vượt qua đèo dốc Trường Sơn với ước vọng tìm ra giai điệu hào sảng “kiểu Vũ Trọng Hối” cho con đường kỳ tích này.

Xuất phát ngày 18/12/1965, gần một tháng sau 15/1/1966, Vũ Trọng Hối mới tới điểm đầu mối của trục giao liên Bắc - Nam. Ở đấy, ấn tượng về cuộc sống đàng hoàng của người giao liên Trường Sơn, nhất là ấn tượng tiếng cười thiếu nữ “thức tỉnh rừng xanh” đã gợi cho Vũ Trọng Hối âm hình chủ đạo về một bài hát Trường Sơn. Đầu xuân 1966, bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” đã ra đời. Nửa năm tiếp theo ở Trường Sơn là nửa năm Vũ Trọng Hối tự chứng nghiệm sức sống tác phẩm này trước những thính giả mà bài hát là viết về họ, dành cho họ. Bằng nét nhạc mở đầu như cánh chim vút bay và liệng chao giữa trời, tác giả đã tìm được lời tự sự giản dị và tha thiết:

Đời giao liên bước tôi đi dài theo, theo đất nước
Đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân giăng thành
Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương thống nhất
Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn…

Khi trở về Hà Nội, qua giọng hát Minh Nguyệt, bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối đã được tung lên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và đã bay cao, bay xa trong mọi người. Được ấn định bằng giọng vàng Bích Liên, “Đường tôi đi dài theo đất nước” đã trở thành bài hát thành công nhất trong top ten “Những bài hát Trường Sơn”.

Cũng những ngày đèo dốc Trường Sơn, Vũ Trọng Hối muốn viết một bản hành khúc về cả một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong nhật ký, ông từng tâm sự: “Hãy làm một bài hát ca ngợi người chiến sĩ Trường Sơn kiêu hãnh, lớn sừng sững như khí thế đi lên của dân tộc”. Thế là lại nung nấu. Thế là lại nghiền ngẫm. Thế là “lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Cho tới cuối tháng 4/1966, nét nhạc mới hình thành. Lần đầu tiên, Vũ Trọng Hối hát hành khúc này cho họa sĩ Phạm Việt nghe giữa rừng và được họa sĩ tán thưởng. Song phải đến khi gặp Tào Mạt (khi ấy lấy bí danh Nguyễn Đăng Thục) thì bản hành khúc mới có lời ca xứng với giai điệu.

Cũng trong nhật ký, ông đã ghi: “Sáng nay qua, Thục phác thảo cho xong lời bài hát “Chiến sĩ Trường Sơn”, mình có thu vén lại làm thêm đôi chút và tương đối hoàn chỉnh về lời. Thật ra mà nói, bài này đúng là qua một quá trình thâm nhập, tìm hiểu, suy nghĩ mới đẻ ra được nó. Tự mình thấy nó khá xinh xắn. Về tính tư tưởng mà nói, nó đạt được mặt thiết tha, tươi sáng. Bản thân mình cũng không muốn nó ồn ào làm chi. Cái vĩ đại không phải ở đâu ra mà ở chỗ giản dị, chịu đựng, lạc quan”. Bản hành khúc “Bước chân trên dải Trường Sơn” đúng là bản hành khúc “Xẻ dọc Trường Sơn”, là bản quân ca của người lính Trường Sơn vô danh và lớn lao:

Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn
Ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương…

Sau hai đỉnh cao “Đường tôi đi dài theo đất nước” và “Bước chân trên dải Trường Sơn” Vũ Trọng Hối lại bước tới một đỉnh cao trong địa hạt “nhạc hài hước” ở “Niềm vui anh quân bưu” và gọn ghẽ trong chân dung “Cô gái sông Ninh”. Ông thực sự là một nhạc sĩ của người lính có những giai điệu độc đáo vào loại bậc nhất thời chống Mỹ.

Những năm sau thống nhất, Vũ Trọng Hối lại đưa ra một hành khúc tràn đầy bi tráng “Lời tạm biệt lúc lên đường”. Nếu “Bước chân trên dải Trường Sơn” là bước chân kiên quyết của người lính ra đi đánh Mỹ, thì bước chân ở “Lời tạm biệt lúc lên đường” là bước chân trăn trở của người lính khi buộc phải nhìn nhận lại bạn, thù.

Từ một người lính yêu ca hát mà không biết nhạc đến một nhạc sĩ tầm cỡ như Vũ Trọng Hối với những năm tu nghiệp ở Nhạc viện Alma-Ata (Azerbaijan) điều kỳ diệu này chỉ có thể có ở Việt Nam. Từ những ca khúc, Vũ Trọng Hối đã vươn tới những tác phẩm khí nhạc như giao hưởng “Việt Nam chiến đấu”, “Biến tấu trên chủ đề dân ca Quảng Bình” viết cho flute, concerto cho trompette và dàn nhạc… Đấy là nghị lực phi thường và tài năng tiềm ẩn trong nhạc sĩ của người lính. Song chính cái sự nhạy cảm, hay đau đớn và suy ngẫm trước thời thế đã khiến ông bị mắc chứng xuất huyết não vào năm 1983. Ước muốn tột bậc có thời gian để viết ra những ca khúc ngắn, cô đọng cũng như tác phẩm khí nhạc hiện đại đã không thể thực hiện được nữa. Đại tá - nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đã ra đi ở tuổi 60

Nguyễn Thụy Kha
.
.
.