Vì sao giới trẻ “sính” võ ngoại, quên võ cổ truyền?
Taekwondo (Hàn Quốc), Karatedo, Judo (Nhật Bản), Wushu (Trung Quốc) … là những môn võ đang được giới trẻ ưa chuộng với mục đích rèn luyện sức khoẻ, phòng vệ và cả mong muốn được đi thi đấu quốc tế. Trong khi đó, các sàn tập võ cổ truyền lại rơi vào cảnh vắng lặng đìu hiu.
Theo Thạc sĩ Hồ Tường - võ sư võ cổ truyền ở Tp.HCM, nguyên nhân chính là do gần đây, những võ sĩ Việt Nam trên đấu trường quốc tế đã gặt hái được nhiều thành công. Từ đó, không ít thanh niên đã chọn lựa các môn võ ngoại nhập, tập luyện với ước mơ được ra nước ngoài thi đấu mang vinh quang về cho nước nhà và cho cả bản thân.
Lý do nữa là vì mức độ phổ biến rộng rãi của những môn võ này. Ngành Thể dục thể thao luôn ưu tiên phát triển nó để đủ lực vươn tới thành tích trên đấu trường quốc tế, còn võ cổ truyền gần như tự lực phát triển.
Vì những điều này mà trong giới võ thuật đã phát sinh nhiều nghịch lý. Ở nước ngoài, số võ sinh là người nước ngoài theo học và yêu thích môn võ cổ truyền Việt
Võ sư Hoàng Tùng, người nắm giữ trọn 18 môn binh khí cổ truyền Tây Sơn - Bình Định có lần đã lắc đầu khi nghe hỏi "Sao anh không mở võ đường?" - "Các em bây giờ thích học Thái Cực Đạo, Judo hơn là học võ cổ truyền. Tôi cũng đã mở lớp rồi nhưng có mấy người đăng ký đâu".
Luyện võ "ngoại” hay võ "nội" đều có chung mục đích tích cực là rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giúp thanh, thiếu niên có sân chơi lành mạnh... Song vì mê võ của "người" mà quên võ của ta lại là điều không nên. Bởi cho dù võ ngoại có hấp dẫn mấy, dễ tạo thành tích khi giao lưu với nước ngoài đến mấy thì chúng ta vẫn phải có vốn riêng, có niềm tự hào riêng của mình, đó là võ cổ truyền - truyền thống của dân tộc. Giữ gìn và phát huy được môn võ này mới là niềm tự hào đích thực.
Nhìn sang Hàn Quốc, có thể thấy khi môn Taekwondo của họ chưa trở thành môn thi đấu quốc tế, Hàn Quốc vẫn ưu tiên phát triển môn này vì đó là "quốc hồn quốc túy" của dân tộc họ; Thái Lan luôn ưu tiên phát triển môn Muay Thái và Thai Boxing dù hai môn này không nằm trong chương trình thi đấu quốc tế vì đó cũng chính là bản sắc dân tộc họ.
Trước hiện tượng giới trẻ lao vào luyện võ ngoại, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ vì sự chọn lựa ấy. Và cũng khó trách khi giới trẻ cứ đến nhà văn hóa này, câu lạc bộ khác thấy chương trình tuyển võ sinh đa số là những môn võ du nhập từ nước ngoài. Hiếm khi có lớp chiêu sinh "đệ tử" võ cổ truyền, có chăng cũng chỉ là những lò võ tư nhân, tự phát do những võ sư gắn bó máu thịt với võ cổ truyền đứng ra truyền dạy.
Và nguyên nhân nữa, chính là sự thiếu định hướng và quan tâm của ngànhThể dục thể thao, của những người quản lý phụ trách võ thuật. Cần phải có một hoạch định, hướng cho giới trẻ cách lựa chọn hợp lý, hoà nhập nhưng không quên bản sắc. Khoảng cách đầu tư, chăm chút cho võ ngoại đã vượt quá xa võ cổ truyền, một môn võ đáng ra phải được nâng niu lại đang bị lãng quên và có nguy cơ trở thành một môn võ chỉ được trình bày trên giấy phục vụ cho việc nghiên cứu bảo tồn