Chuyện chưa biết về một số báo đặc biệt ra đúng ngày 2/9/1945
Vì chỉ còn một bản gốc của tờ báo đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nên chúng tôi rất khó khăn mới tiếp cận được ấn phẩm đặc biệt này. Vốn quen với nền báo chí công nghệ hiện đại, khi được cầm trên tay số báo đặc biệt đó, quả thật khiến chúng tôi có nhiều cảm xúc.
Sau 70 năm, tờ báo đã trở thành một phần ký ức lịch sử, khi nhìn vào đó, người ta không chỉ thấy được những thông tin về ngày lễ trọng đại này ra sao, mà còn thấy được một phần diện mạo của báo chí, kể cả ngôn ngữ Việt Nam trong ngày đầu nước nhà độc lập.
Theo một số chuyên gia, thời đó, có 2 tờ báo lớn phát hành cả nước là Đông Phát và Tin Mới. Tên ban đầu của tờ Đông Phát là Đông Pháp, nhưng từ khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, tờ báo đổi tên là Đông Phát, do ông Ngô Văn Phú, một chủ đồn điền ở Thái Bình, làm chủ nhiệm.
Từ ngày 2/9/1945, tờ Đông Phát một lần nữa lại thông báo đổi tên là Gia Bao “để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ và để kỷ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới”.
Tờ báo Đông Phát ra đúng ngày 2/9/1945. |
Tờ Đông Phát khổ nhỏ, được in ấn khá thô sơ, nhuốm màu thời gian trên nền giấy đen ố vàng và chữ in lito nhỏ, đã mờ. Trên tờ báo ghi “Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập” đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử của dân tộc. Có thể thấy rõ, Ban Tổ chức đã rất chi tiết từ việc tuyên truyền để vận động người dân tham gia mít tinh, đến việc lường trước các tình huống khi người dân đi dự lễ, giới thiệu các cổng vào nơi mít tinh, tỉ mỉ từ giờ giấc đến vị trí của các thành phần tham dự, kể cả trong trường hợp người đi muộn thì xử lý thế nào.
70 năm trôi qua, nhưng những người nghiên cứu về sự kiện lịch sử ấy có thể tìm hiểu ở tờ Đông Phát “Chương trình chính thức cuộc mít tinh và biểu tình tại Hà Nội” được công khai sau nhiều lần sửa đổi. Theo đó, lễ mít tinh ngày 2-9-1945 được mở đầu với màn bắn súng đón Chính phủ Lâm thời, trước khi chào cờ và hát bài “Tiến quân ca”. Sau khi Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa, rồi Người mới đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Tờ báo giúp chúng ta sau 70 năm vẫn hình dung ra mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bình đẳng giữa Chính phủ Lâm thời với quốc dân đồng bào ngay trong thời kỳ trứng nước như thế nào và đây phải chăng cũng là một bài học của những người đi trước để lại.
Sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập vang vọng trên Quảng trường Ba Đình, Chính phủ Lâm thời đã trịnh trọng tuyên thệ trước Quốc dân đồng bào lời “Thề Độc lập”: “Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.
Lời thề của quốc dân cũng xuất hiện bên cạnh lời “Thề Độc lập” của Chính phủ Lâm thời, nguyện sát cánh với giữ quyền độc lập cho Tổ quốc.
Có thể nhận ra việc Chính phủ Lâm thời đánh giá tầm quan trọng của việc có đông người dự lễ mít tinh, nhằm khẳng định sức mạnh của toàn dân qua thông báo: “2 giờ chiều hôm nay, toàn thể dân chúng phải tới dự lễ độc lập”, cùng dòng chữ in đậm chạy dọc chân trang báo: “Dự cuộc biểu tình “Ngày Độc lập” là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam”.
Cách tuyên truyền về buổi lễ mít tinh cho đồng bào cũng thật giản dị, dễ hiểu: “Đồng bào nhớ rõ: Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là “Ngày Độc lập”, tức là một ngày lễ, một buổi họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc để huy động toàn dân kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự “Ngày Độc lập” để đấu tranh lấy sự sống còn ấy – dù mới chỉ là một cuộc đấu quyết liệt bằng tinh thần”.
Những qui định khi đến dự ngày lễ đặc biệt còn được lưu ở tờ báo mang dấu ấn của lịch sử này: “Các đoàn thể đến họp ở vườn hoa Ba Đình trước 13h, để Ban trật tự xếp chỗ. Đoàn thể nào đến sau lúc khai mạc sẽ bị giữ lại dọc đường. Dân chúng mỗi phố dự biểu tình phải xếp đặt theo thứ tự: nhi đồng, các cụ, phụ nữ, thanh niên và bắt buộc phải có đội tự vệ đi kèm cho trật tự lúc nào cũng được hòa hảo”.
Không chỉ thông tin chi tiết về nội dung buổi lễ, tờ Đông Phát còn đăng bản đồ ghi rõ chỗ dành riêng cho các giới cũng như các lối vào vườn hoa Ba Đình. Thậm chí, Chính phủ Lâm thời còn thông báo rõ cả giờ thiết quân luật tại Hà Nội từ 23h đêm đến 5h sáng với lời nhấn mạnh “theo giờ Việt Nam độc lập”, cùng giờ làm việc tại các công sở của chính quyền mới từ ngày 3/9/1945.
Với những thông tin được cô đúc trên một tờ báo ra đời đúng vào ngày diễn ra sự kiện lịch sử, sau 70 năm, chúng ta vẫn có thể nhận được từ đây những bài học quý giá của tiền nhân. Đó là bài học coi trọng vai trò của nhân dân và đánh giá cao công tác tuyên truyền cho nhân dân.