Lễ trao giải thưởng văn học 2010:

Văn xuôi được mùa, thơ thêm một lần thất bát

Thứ Hai, 24/01/2011, 14:00
Như thường lệ, Lễ trao giải thưởng văn học thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức bên thềm Tết Nguyên đán, đã diễn ra vào ngày 23/1. Đây còn là Lễ kết nạp hội viên mới và là cuộc gặp gỡ cuối năm của các nhà văn phía Bắc, nên thu hút rất đông các nhà văn, nhà thơ đến dự.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Lọt vào vòng chung kết giải thưởng năm nay có 9 tác phẩm văn xuôi, 2 tác phẩm thơ, 1 tác phẩm lý luận phê bình và 2 cuốn dịch thuật.

Quá trình xét thưởng văn học năm nay có nhiều nét mới: Ban chung khảo chỉ gồm 5 Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam và 4 Chủ tịch Hội đồng chuyên môn mới bổ nhiệm. Đây là bước đầu tiên để hằng năm, Hội đồng chung khảo sẽ thay đổi các thành viên, nhằm tạo sự phong phú trong cách nhìn cũng như nâng cao trách nhiệm với các Ủy viên BCH Hội.

Sau 4 cuộc họp, Ban chung khảo đã bỏ phiếu kín và kết quả đều tập trung vào "Dị hương" của nhà văn Sương Nguyệt Minh và tiểu thuyết "Triệu phú ổ chuột" của dịch giả trẻ Nguyễn Bích Lan. BCH cũng quyết định tặng Bằng khen cho 3 tác phẩm: Tiểu thuyết "Thế giới xô lệch" của Bích Ngân, "Quà của Chúa" của Lê Bá Thự và tản văn "Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm" của Y Phương.

Việc xét giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay có nhiều nét mới: số lượng tác phẩm ở các thể loại đưa vào chung khảo ít hơn năm trước, thể hiện cả tính chuyên nghiệp lẫn tinh thần trách nhiệm. Tới đây, BCH Hội sẽ có qui chế qui định số lượng tác phẩm nhất định vào chung khảo ở mỗi thể loại, nhằm tạo ra quyền lực cũng như trách nhiệm nhiều hơn cho các Hội đồng chuyên môn đối với giải thưởng văn học hằng năm.

Năm 2010 là năm thứ 3 liên tiếp không có giải thưởng cho thơ. Mặc dù Hội đồng chung khảo đã dành nhiều thời gian tranh luận về 2 tập thơ lọt vào chung khảo của 2 tác giả đã nổi tiếng là "Bơ vơ đông đảo" của Việt Phương và "Metro"- trường ca của Thanh Thảo, song, cả 2 tác phẩm này đều không có sự đột phá trong sự nghiệp sáng tạo thơ ca của chính họ, cũng như trong mặt bằng thơ 2009.

Vì thế, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là trao cho tác phẩm xuất sắc thuộc một thể loại hoặc tất cả các thể loại văn học, chứ không bắt buộc phải trao cho đủ các thể loại văn học. Chính vì vậy, việc gây áp lực của dư luận đối với việc không có giải thưởng thơ 3 năm liền, chỉ có thể là đòi hỏi của bạn đọc với các nhà thơ, chứ không phải là những vấn đề của việc xét giải.

Giải thưởng văn học năm nay là lần đầu tiên, số lượng tác phẩm tạp văn, tản văn lọt vào chung khảo nhiều nhất, để rồi, tạp văn của Y Phương đã được nhận Bằng khen, đã cho thấy chất lượng chứ không phải là thể loại là vấn đề quan trọng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho nhà văn Sương Nguyệt Minh và dịch giả Nguyễn Bích Lan.

 Từng có tên trong danh sách giải thưởng, nhưng tại lễ trao giải, "Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh" của Quế Hương chính thức bị bỏ khỏi danh sách đoạt giải. Điều này, được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải thích: Đã có sơ suất trong quá trình xét giải, khi để tác phẩm "Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh" lọt vào vòng chung khảo, trong khi tác phẩm này chưa đủ yếu tố để xét giải.

Điều này đòi hỏi những năm tới, Ban chung khảo và các Hội đồng chuyên môn cần kiểm tra cẩn trọng, không để các tác phẩm và tác giả phạm qui trước khi tiến hành thảo luận và bỏ phiếu.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, nói rõ quan điểm để "Dị hương" của nhà văn Sương Nguyệt Minh chiến thắng tuyệt đối trong cuộc "vượt vũ môn" của các anh tài: Tác phẩm của Sương Nguyệt Minh vừa đậm chất thời sự, vừa có chiều sâu ý tưởng và mỗi truyện đều có sự làm mới cả về nội dung và hình thức của tác giả.

Sương Nguyệt Minh không phải là người viết trẻ, mà đã viết nhiều, in nhiều và cũng nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhưng phải đến "Dị hương" mới thấy Sương Nguyệt Minh thực sự chín về nghề, có tư duy nghệ thuật độc lập, vững chắc. Sương Nguyệt Minh đã viết lên một câu chuyện vừa thực, vừa ảo, khiến người đọc bâng khuâng, bùi ngùi. Nhiều truyện của anh có chất sex mạnh, nhưng không rơi vào tình dục tầm thường, mà qua đấy, để nói cái đẹp hơn, nhân văn hơn. Các truyện đều thấp thoáng một "nụ cười U-mua", khiến câu chuyện có duyên và lôi cuốn.

Tiểu thuyết "Thế giới xô lệch" của Bích Ngân được viết bình tĩnh, có truyện, có văn, giữ được tâm thế cân bằng với cái nhìn nhân ái, nhưng còn thiếu những chương xuất sắc để làm sáng bừng của quyển sách, thiếu những tình huống để nhân vật được cọ xát, tự bộc lộ hết mình ở những góc cạnh, những tính cách, để đi tới kết  cục cho số phận của nó, khiến người đọc bị cuốn theo, nhập theo.

Nhiều ý kiến ở Ban chung khảo cho rằng, nếu đặt "Thế giới xô lệch" trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam vừa rồi, thì chưa phải xuất sắc, vì thế, số phiếu dành cho tác phẩm này ở mức khiêm tốn. Dù sao, đây cũng là một bước tiến mới của cây bút Bích Ngân.

Có lẽ, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay là một trong những lần hiếm hoi không gây những ì xèo "hậu giải thưởng". Đây là điều đáng mừng, cho thấy sự cải tiến của BCH mới trong việc xét giải, để giải thưởng xứng với uy tín của một hội chuyên ngành từng được coi như thánh đường của văn học. Cùng trong buổi lễ, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kết nạp 26 hội viên mới, được lựa chọn từ 596 hồ sơ xin vào Hội, theo tiêu chí "góp phần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của Hội".

Tuy nhiên, để Lễ trao giải thưởng văn học thường niên đúng với ý nghĩa là "phát hiện và tôn vinh những giá trị mới của nền văn học" như tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra, đồng thời, lại là buổi lễ đón nhận những thành viên mới vào ngôi nhà chung của Hội, thiết nghĩ, khâu tổ chức nên được chú ý bài bản, chuyên nghiệp hơn, để đạt tới sự sang trọng, trang nghiêm cần có của một buổi lễ nhiều ý nghĩa, thay vì chiếc micro quá rè, trong khi loa lại nhỏ, nên không át nổi tiếng hàn huyên, trò chuyện của các nhà văn cuối hội trường và ngoài sảnh, vốn đã là chuyện diễn ra từ năm ngoái

Thanh Hằng
.
.
.