Văn hóa dân gian góp phần quan trọng vào thành công lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa
Tại đây, ngoài hàng ngàn du khách trong nước, lượng du khách nước ngoài cũng chiếm rất đông, gồm cả du khách Âu, Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Đến bất cứ đâu, du khách cũng đều hào hứng với những cảnh sắc và nét độc đáo trong văn hóa dân gian như thổ cẩm dệt tay, đồ bạc, đồ đá do nghệ nhân bản địa chế tác, say sưa với những điệu múa, lời ca của bà con trong ngày lễ hội.
Hưởng ứng chương trình “Khám phá di sản văn hóa các dân tộc” do UBND huyện Sa Pa phát động, các điểm du lịch: Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn và khu du lịch Hàm Rồng... đã đồng thời diễn ra các lễ hội truyền thống của dân tộc mình như người Dao Tả Phìn có tục hái lượm, chế biến và sử dụng lá thuốc chữa bệnh, lễ cấp sắc; người Giáy, Tày Tả Van, Bản Hồ có tục múa hát giao duyên, làm bánh Dày, tục cưới hỏi; đặc biệt đồng bào Mông Lao Chải trình diễn tục “cướp vợ”. Đây là một phong tục lâu đời của đồng bào thiểu số vùng cao, mới nghe tưởng tập tục lạc hậu, nhưng khi được nghệ nhân Giàng Seo Gà giải thích: Khi hai gia đình đã nhất trí, đôi trai gái đã ưng thuận, thì bên trai tổ chức “cướp” để người con gái không bị mang tiếng là tự về nhà người con trai, đâu là một nét văn hóa tốt của đồng bào vùng cao.
TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, văn hóa dân gian là một kho văn hóa tiềm tàng đa sắc màu, nếu chịu khó tìm hiểu và biết vận dụng, phục dựng nó thì đây thực sự là nguồn tài nguyên nhân văn trong phát triển kinh tế du lịch