Văn hào Andersen: Tình yêu không phải là cổ tích

Thứ Bảy, 03/12/2005, 13:52

Năm nay cả thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Hans Cristian Andersen (1805-2005). Những truyện cổ tích của ông đã vượt qua thời gian và không gian. Văn học là nàng thơ, là vợ, là tình nhân của ông. Ông không bao giờ lấy vợ, không có nhà và tổ ấm gia đình, ông đi chu du nhiều nơi. Có bao giờ ông bị hắt hủi trong tình yêu không?

Andersen từ giã thành phố quê hương Odens vào năm 14 tuổi để đi tìm hạnh phúc, và trở về sau 50 năm, vào năm 1869, khi đã trở thành một nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng thế giới. Thành phố Odens đã trang trí đèn để chào mừng ông. Tất cả diễn ra đúng như một bà bói đã bói cho ông thuở thiếu thời: sự nổi tiếng, danh vọng, được hàng triệu người thừa nhận... Còn tình yêu của một người con gái chung thủy  nữa? Nàng ở đâu?

Ông gặp cô gái khả ái này năm 26 tuổi. Ở thành phố Fobort có một anh chàng tên là Cristian Voyt, anh ta thường kể cho gia đình mình nghe về một anh bạn - nhà thơ. Nhưng bố anh ta chỉ mỉm cười đáp lại rằng ông không thể hiểu nổi làm sao có thể sống bằng nghề viết văn mà không có một đồng xu dính túi. Còn cô em gái Cristiana Riberg thì ngược lại, rất quan tâm tới chuyến viếng thăm của anh bạn trẻ, thậm chí cô còn đọc cả tập thơ của anh ta. Nàng tìm thấy trong đó nhiều cảm  xúc mà chính nàng đã trải qua. Nói chung cuộc gặp gỡ đã khiến nàng cảm động: Chàng trai hóa ra là một người rất cao, hấp dẫn, cởi mở và nhẹ nhàng. Họ gặp nhau gần như hàng ngày trong các cuộc dạo chơi, và Hans cảm thấy mỗi cử chỉ của nàng đều khiến anh bồi hồi, còn giọng nói của nàng gieo vào lòng anh một nỗi buồn êm ái. Điều này làm anh vừa vui sướng vừa hoảng sợ. Đã bao lần anh thấy mình hạnh phúc trong những giấc mơ tình yêu. Còn bây giờ là phải đối mặt với hiện thực.

“Anh biết hai vì sao - sáng hơn những vì sao trên bầu trời/ Anh  thấy hai bông hồng tuyệt vời hơn những bông hồng trên mặt đất...” - Riberg đọc thuộc lòng thơ của anh... và chờ đợi. Còn anh vẫn không hề chạm vào đôi môi nóng hổi của nàng. Riberg trêu chọc anh, bỏ đi, rồi quay trở lại, hai tay ôm đầu và dịu dàng vuốt má anh.

Một lần chính Riberg đã đưa anh trở lại thực tế. Nàng nói rằng có lẽ đối với các thi sĩ trong cuộc đời không có gì ngoài những vì sao và hoa hồng. Vốn có một trái tim dễ bị tổn thương, anh bỗng nhớ tới sự nghèo khổ của mình. Quả thật, anh có thể đem lại gì cho người mình yêu? Lấy gì để nuôi sống gia đình? Những ý nghĩ này đã làm nguội lạnh bầu nhiệt huyết của một người mơ mộng vĩnh cửu. Bởi chính cuộc mưu sinh có thể trở thành vật cản trên con đường sáng tạo của anh…

Và anh quyết định ra đi. Lúc chia tay Riberg đã tặng anh một bó hoa hồng tươi mà anh rất thích... Trong xa cách người yêu, Andersen đã viết nên những dòng thơ: "Ôi, nếu có sức mạnh mê li/ trong những bông hồng em tặng/ Có lẽ anh đã chữa khỏi bệnh/ Nhưng trong đó là thuốc độc/ và nó như ngọn lửa thiêu đốt vết thương lòng của anh”.

Anh hiểu - người phụ nữ anh yêu quý không thể sống trong nghèo khổ, sớm hay muộn cuộc sống gia đình sẽ trở thành một chuỗi trách cứ. Nhưng tình yêu không hề lắng dịu, khi thì anh tìm cách quay trở lại Fobort để cầu hôn nàng, khi thì muốn trốn chạy tình cảm của mình. Nhưng chạy đi đâu? Anh vẫn chưa biết được rằng người ta không thể chạy trốn bản thân mình. Lại chìm đắm vào thơ ca và truyện cổ tích, và những nhân vật mới được ra đời trong cơn lốc của tình yêu đã đưa anh ngày càng đi xa Riberg. Từ lâu anh đã say mê công việc viết văn. Và anh quyết định trông chờ vào số phận. Đợi mãi không thấy anh ngỏ lời, Riberg đã lấy con trai của một chủ hiệu thuốc từ lâu quen biết. Cuộc sống lại sắp đặt tất cả vào đúng vị trí của mình.

Nhiều năm sau quay trở lại thành phố Fobort, Andersen đã đến thăm gia đình cô, chơi đùa với các con cô. Và sau đấy anh còn âm thầm đau khổ mãi, không tìm thấy chỗ đứng của mình. Anh mang theo mối tình đầu của mình suốt cuộc đời. Bức thư duy nhất của nàng được anh giữ trên túi ngực cho đến lúc chết, vẫn không kịp đốt đi để sau đó không ai đọc được. Bức thư tình đã làm mê hoặc nhà phù thủy. Có thể nó vẫn in dấu những giọt nước  mắt tuy hiếm hoi nhưng nóng bỏng của một con người rất cô độc...

Andersen qua đời tại một biệt thự của bạn mình ngày 4 tháng 8 năm 1875. Trên đời ông yêu nhất là hoa. Bà chủ biệt thự mỗi buổi sáng mang đến cho ông một bông hồng tươi. Ông ngắm nhìn nó. Một lần ông mơ thấy mình  đang bay trong lúc chết, từ thi thể ông nở ra những bông hồng. Và ở tuổi 70 ông đã chết như vậy trong mơ với bông hồng tươi thắm trong tay

Trần Hậu
.
.
.