Vấn đề bảo vệ quyền tác giả: Mỗi nơi làm một kiểu

Thứ Bảy, 09/08/2014, 09:34
Ngay trước khi bắt đầu đêm nhạc của ca sĩ Khánh Ly tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội cách đây ít ngày, một cuộc họp ngắn đã phải diễn ra giữa đại diện Ban tổ chức chương trình (Công ty Giải Trí Đồng Dao) và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Kết quả là một văn bản thỏa thuận chi trả bản quyền tác giả đêm diễn đã được ký kết ngay trong cuộc họp với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là, nếu như không có sự quyết liệt của VCPMC, thì số tiền 200 triệu đồng tác quyền ấy đã không tự dưng mà đến. Và “ngó” sang các lĩnh vực khác, tình trạng vi phạm và quyền lợi của các tác giả vẫn còn là một vấn đề hết sức nan giải.
>> Vi phạm bản quyền âm nhạc tiếp tục "gây sốt" dư luận

Nếu như 10 năm trước, lĩnh vực âm nhạc đã thành lập được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho mình và hoạt động tương đối chuyên nghiệp, quyết liệt, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình thì đến tận bây giờ, lĩnh vực điện ảnh – một trong những lĩnh vực nghệ thuật sôi động, hấp dẫn nhất vẫn chưa thành lập được một Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cho mình. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã thu về cho các tác giả trong lĩnh vực của mình hơn 40 tỉ đồng tiền bản quyền bằng việc không ngừng đấu tranh với các công ty âm nhạc; các website âm nhạc – một con số “khổng lồ” mà một tổ chức ở Việt Nam đã thu về được bằng công việc bảo vệ tác quyền của tác giả ủy quyền.

Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, trong hàng chục năm qua (khi ngành này hiện nay vẫn chưa có một trung tâm bảo vệ quyền tác giả), thì họ đã mất đi bao nhiêu tỷ đồng cho bản quyền công sức, sáng tạo của các tác giả (lưu ý, bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh cao hơn nhiều so với bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc) khi sự xâm phạm về quyền bản quyền đang diễn ra từng ngày, từng giờ (trên internet, băng đĩa lậu)?

“Đừng đốt” là một bộ phim nổi tiếng nhưng chưa đến được với đông đảo bạn xem truyền hình do tranh cãi về vấn đề bản quyền.

Theo ông Đào Việt Dũng, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển an ninh công nghệ cao, thì Internet là một trong những phương tiện làm nguyên nhân chính cho việc vi phạm bản quyền gia tăng. Cũng theo ông Dũng, nếu như số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam vào thời điểm năm 2003 mới chỉ có khoảng 3 triệu người, thì con số này ở thời điểm năm 2013 là khoảng 33 triệu người (chiếm hơn 35% dân số cả nước), đứng thứ 18 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Và, cũng nếu như ở thời điểm năm 2004, doanh thu từ Internet ở Việt Nam mới chỉ được 70 tỷ đồng; năm 2009 là 2.600 tỷ đồng, thì năm 2013 đã lên đến con số 20.400 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xem video nói chung trên Internet chiếm khoảng 90% nhu cầu xem video của khán giả (bao gồm cả việc xem phim, điện ảnh).

Mở rộng thêm về vấn đề vi phạm bản quyền, vị đạo diễn gạo cội, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, các văn bản luật và nghị định cần phải làm sáng tỏ và quy định chặt chẽ hơn nữa về vai trò và quyền hạn giữa tác giả (gọi là quyền tác giả) và bên phía chủ đầu tư sản xuất (gọi là quyền tài sản) trong việc truyền đạt và phổ biến tác phẩm đến với công chúng. Ông lấy ví dụ cụ thể, như bộ phim “Đừng đốt” (bộ phim làm về Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm) do chính tay ông làm đạo diễn. Sau khi bộ phim điện ảnh này được công chiếu ở một số nơi (phim chiếu rạp), nó được giới điện ảnh và đông đảo người xem đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi chính bản thân ông, êkip làm phim, đặc biệt là gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mong muốn bộ phim ấy được công chiếu rộng rãi lên sóng của các đài truyền hình để đông đảo người dân trong cả nước có thể dễ dàng tiếp cận với bộ phim này, thì bên phía Công ty BHD – bên sở hữu bản quyền của bộ phim lại đưa ra một cái giá “cắt cổ” khiến cho các nhà đài không thể đáp ứng được yêu cầu. Vậy tại sao, một đơn vị như BHD lại có thể muốn hét giá lên đến mức nào thì hét? Như vậy, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, thì quyền công bố sản phẩm của phía tác giả nằm ở đâu? Và phải chăng, bên phía Công ty BHD đã vi phạm quyền truyền đạt, phổ biến tác phẩm đến công chúng?

Văn học được xem là lĩnh vực bị vi phạm bản quyền "rất nhiều nhưng âm thầm nhất" (lời nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam) trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, vì thế rất khó khăn cho việc thu tiền bản quyền. Nhà thơ Đỗ Hàn cho biết: "Hiện nay, trung tâm có 8 người thì đến 6 người là thuộc các cơ quan khác, làm theo kiểu kiêm nhiệm. Chỉ có 2 người thường xuyên ở trụ sở để thực hiện các công việc". Với quy mô như vậy, VLCC đặt mục tiêu nhận quyền ủy thác và bảo vệ quyền tác giả của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và những nhà văn ngoài hội trong quy mô cả nước.

Về doanh thu, nhà thơ Đỗ Hàn chia sẻ, có năm chỉ thu được 15 triệu đồng. Đó là số tiền thu được từ một nhà xuất bản (NXB) in sách tổng tập nhân 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi trung tâm tìm đến, NXB trả cho mỗi truyện ngắn 40.000 đồng, mỗi bài thơ 15.000 đồng. Tổng cộng, số tiền phải trả cho toàn bộ tuyển tập là 15 triệu đồng. Đó là khoản thu duy nhất trong năm đó.

Theo số liệu mà ông Lê Tánh – Tổng Giám đốc Công ty VNPay, đơn vị hợp tác với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trong việc số hóa và bán các sản phẩm văn học bằng hình thức thanh toán điện tử, thì có những tháng, thậm chí có những quý, tổng số tiền bản quyền mà đơn vị này thu về cho các hội viên của VLCC cũng chỉ được trên dưới 2 triệu đồng

Cảnh Vũ
.
.
.