Vẫn cần thêm bệ đỡ hiệu quả cho tài năng nghệ thuật

Thứ Ba, 03/11/2020, 06:48
Được tổ chức ở cấp quy mô toàn quốc, các cuộc thi tài năng không chỉ nhằm phát hiện nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ lao động sáng tạo nghệ thuật mà còn được kỳ vọng là những bệ phóng để giúp các tài năng được tỏa sáng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những bệ phóng này chưa hẳn được phát huy như mong muốn.


Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm, hàng loạt cuộc thi tài năng chuyên nghiệp toàn quốc đã được tổ chức thành công. Nghệ sĩ múa có cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa – 2020”. Nghệ sĩ sân khấu chèo có cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2020. Nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc có cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020...

Với khán giả mộ điệu cải lương và nghệ sĩ cải lương thì việc tổ chức cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” trên quy mô toàn quốc là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, giải Trần Hữu Trang vốn là giải thưởng danh giá, uy tín của giới cải lương nhiều chục năm trước. Đây cũng là giải thưởng chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của nghệ thuật cải lương.

Sau một thời gian dài gián đoạn, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức trở lại, trên cơ sở kế thừa thành quả từ “Giải thưởng Trần Hữu Trang” của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng quy mô ra toàn quốc. Việc này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ thành danh của bộ môn nghệ thuật đặc biệt này như các NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSND Lệ Thủy, NSƯT Nam Hùng…

Sau vinh quang từ các cuộc thi trở về, nghệ sĩ trẻ vẫn chưa có được những bệ phóng như kỳ vọng để tài năng tỏa sáng.

Không chỉ nhiều về số lượng, rộng về quy mô, các cuộc thi còn được công chúng theo dõi, biết đến rộng rãi hơn khi Ban tổ chức còn thực hiện ghi hình và phát trực tiếp tất cả các chương trình, tiết mục của các đơn vị tham gia dự thi trên kênh Youtube. Tại cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, Ban tổ chức cho biết, đã có gần 60.000 lượt truy cập.

Đây là một con số thực sự ấn tượng. Bởi lẽ, các cuộc thi trước đây, dù có truyền thông quảng bá tốt đến như thế nào, Ban tổ chức cũng khó thu hút thêm được một lượng người theo dõi đến như thế. Ngoài việc tạo thêm sức lan tỏa của cuộc thi thì việc phát trực tiếp, công khai, rộng rãi các kịch mục dự thi còn góp phần minh bạch hơn kết quả làm việc của Ban giám khảo, Ban tổ chức.

Mới đây nhất, sau 7 ngày tranh tài quyết liệt của các thí sinh, cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc đã khép lại thành công vào đêm 29-10. Cuộc thi ghi dấu nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có sự tỏa sáng của nhiều gương mặt trẻ. Điều này ít nhiều cho thấy nghệ thuật truyền thống vẫn có một sức sống bền bỉ.

Hành trình lao động sáng tạo, tham gia giao lưu và tranh tài tại cuộc thi tạo thêm một bước trải nghiệm cho những nghệ sĩ trẻ chưa thành công, qua đó tạo nền tảng, động lực thôi thúc họ vươn tới những sáng tạo mới. Ngay NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của cuộc thi cũng cho hay, cuộc thi lần này cũng cho thấy một số nhà hát đã chăm lo rất tốt trong công tác bồi dưỡng các tài năng trẻ.

Vì vậy, họ không những có số lượng diễn viên trẻ tham gia đông, đồng thời đã giành “bội thu” tại cuộc thi lần này. Bất ngờ nhất là trong tổng số 12 diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam dự thi thì có tới 11 diễn viên thuộc lứa học sinh mới tốt nghiệp ra trường được 2 năm, mới được vào biên chế tại Nhà hát từ tháng 8 - 2020. Ở độ tuổi rất trẻ nhưng các diễn viên đã thể hiện rất rõ tài năng, không hề có một hạt sạn nào trong phong cách biểu diễn và tiếp cận sân khấu truyền thống.

Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, lớp diễn viên trẻ tài năng hôm nay không chỉ nắm chắc về các kỹ thuật hát, múa, diễn xuất cơ bản mà còn thẩm thấu được tình cảm của từng nhân vật trong các trích đoạn. Điều này thể hiện rất rõ, họ không những được các thầy chỉ bảo tận tình, kỹ lưỡng mà còn trang bị cho mình một vốn kiến thức văn hóa nhất định.

“Tôi tin chắc rằng những nghệ sĩ đoạt giải thưởng tại cuộc thi lần này có đủ khả năng để thể hiện những vai diễn khó của sân khấu truyền thống nếu họ được giao vai. Khi xem các nghệ sĩ trẻ biểu diễn tại cuộc thi, tôi cảm thấy rất yên tâm vì sân khấu tuồng và dân ca kịch đã có lớp người trẻ đầy bản lĩnh và tự tin để giữ gìn và phát triển hai loại hình nghệ thuật tuồng và ca kịch bước vào thời kì mới. Đồng thời, cũng yên tâm với một số đơn vị đã có ý thức đào tạo các nghệ sĩ trẻ để kế thừa gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.

Tuy nhiên, ông cũng ngậm ngùi vì sau các cuộc thi, các nghệ sĩ được vinh danh chưa thực sự có được chế độ đặc biệt cần thiết để nuôi dưỡng và phát huy tài năng như cần phải có. “Việc sân khấu giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề vẫn là bài toán vô cùng nan giải.  Bởi, sau vinh quang từ các cuộc thi, trở về với đời sống, các tài năng trẻ lại phải lao vào cuộc mưu sinh. Nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên “đỏ đèn”.

Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu NSND, NSƯT cũng khó có thể chuyên tâm được với nghề. Khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được một nguồn thu khả dĩ để an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết.

Thậm chí, ngay cả khi các đơn vị nghệ thuật “đỏ đèn” thì với khung bồi dưỡng hiện thời - khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn dài 2 đến 3 tiếng đồng hồ, hoạt động biểu diễn của nhà hát cũng không đáp ứng chi trả cho mọi chi phí hàng ngày, chưa nói là sự tích luỹ lao động. Vì vậy, hầu hết các tài năng này lại quay về việc đi làm thêm như hát tại các quán, hát đám, hát hầu, hát đám cưới, thôi nôi… Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy tài năng sẽ bị mai một đi”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.

Hoa Nguyễn
.
.
.