Uống rượu cùng người “bén duyên” với văn hóa Tây Nguyên

Thứ Tư, 05/11/2014, 10:23
Đã hẹn trước, một ngày cuối tháng 10/2014, tôi đến gặp “Nhà văn hóa của Kon Tum” Trương Công Thức. Anh đang loay hoay với tác phẩm điêu khắc gỗ dang dở ngay trước sân nhà (số 154 đường Lê Quí Đôn, TP Kon Tum).

Cụm từ “Nhà văn hóa của Kon Tum” là do tôi tự đặt, nhưng nghĩ lại cũng không sai. Bởi sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế năm 1979 (chuyên ngành điêu khắc), anh đã lên với Tây Nguyên, với Kon Tum và gắn bó với mảnh đất này, miệt mài hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cho đến nay đã tròn 35 năm có lẻ.

Khi nghe tôi đặt vấn đề muốn viết bài, anh đã thẳng thừng từ chối: "Có chi mô mà viết". Và một mực “lôi” tôi vào nhà để… mời rượu. Vì theo anh, anh uống rượu khi có “bạn hiền”! Đến khổ cái thân tôi, “đô rượu” thì hạng bét, mà để ông Thức này “mở miệng” tôi đành phải “hầu” đủ 3 lượt.

Quê anh thuộc làng Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1979 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc (Trường Mỹ thuật Huế), anh lên Pleiku dạy học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai - Kon Tum. Cuối năm 1991 chia tách tỉnh, anh được điều động về tỉnh Kon Tum, tham gia công tác rồi làm lãnh đạo tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Triển lãm tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh) cho đến tận bây giờ.

Anh bảo, mình công tác có rất nhiều thuận lợi vì trước mình là giáo viên. Nhiều học trò ngày đó bây giờ cũng làm quản lý nên đã giúp đỡ mình rất nhiều trong mối quan hệ công tác. Ví như Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang (nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Triển lãm tỉnh), hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam; Nguyễn Trung Thuận, nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nay sang làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum; Nguyễn Ngọc Tân, hiện là Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Kon Tum…

Có một câu chuyện mà đến bây giờ kể lại anh vẫn còn sởn da gà. Chuyện anh và Đoàn công tác của Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Triển lãm tỉnh bị Công an Biên phòng Campuchia bắt giữ vì nghi là… gián điệp(!). Đó là vào khoảng năm 1994 hay 1995 gì đó, anh Thức cùng Đoàn công tác của Trung tâm khoảng 8 người lên thăm, phục vụ văn nghệ và chúc Tết các đồn biên phòng của tỉnh theo thông lệ. Khi từ Đồn Biên phòng 711 sang Đồn Biên phòng 713, xe các anh lạc đường sang đất bạn. Và thế là bị Công an Biên phòng Campuchia “tóm gọn”. Các anh bị giữ tại đồn của bạn suốt buổi chiều hôm đó và phải tự khai lý lịch, chụp hình… để chờ trao đổi qua đường ngoại giao.

Để anh Thức tâm sự, tác giả phải "hầu" đủ 3 tuần rượu.

Tối đến, họ (lính biên phòng Campuchia) cấp gạo và thịt khô để tự nấu cơm ăn và khoảng 2 - 3h sáng thì lên xe chở đi (đi xe của họ, xe của mình chỉ chạy theo thôi). Ngồi trên xe, anh em rất lo lắng, không biết họ đưa mình đi đâu? Đến gần sáng thì xe đến một con suối. Nhìn ra thấy lính của họ nhảy xuống, nói rất to tiếng Campuchia, rồi họ bảo mọi người xuống xe, trong khi ôtô của đoàn thì được lệnh chạy sang bên kia suối. Thế là hết, chẳng lẽ đời mình lại kết thúc như thế này sao? Anh nghĩ và cố gắng giữ bình tĩnh nhảy xuống xe theo lệnh. Khi mọi người xuống đông đủ, họ bảo: Lội sang suối. Trời ạ, hai đầu gối như muốn quỵ không đi được. Nhưng vẫn phải cố bước. Vừa sang bờ bên kia suối, mọi người không tin vào mắt mình nữa. Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng của Việt Nam đã chạy ra đón mọi người… Thì ra con suối này là biên giới và là nơi giao trả người khi đã được cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh.

Hai vợ chồng anh cưới nhau vào đầu năm 1980. Vợ anh, chị Tôn Nữ Yến (thuộc dòng dõi tôn thất) công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người cùng quê Thừa thiên - Huế. Cuộc sống dẫu có rất nhiều khó khăn (có lúc con trai đầu của anh chị phải ra vỉa hè thị xã Kon Tum để bán giày dép cũ giúp thêm cho cha mẹ), thế nhưng, anh chị vẫn quyết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các con học hành đến nơi đến chốn. Ba người con của anh chị nay đã thành đạt. Cháu đầu Trương Công Tiễn (SN 1980), sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh được giữ lại trường giảng dạy; được học bổng Nhà nước đi tu nghiệp 4 năm tại Lyon (Pháp) trở về Việt Nam và tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (vợ của Tiễn là Thạc sỹ công tác tại Ngân hàng Tokyo Sài Gòn. Có hai cháu nội). Con gái thứ hai Trương Thị Thùy Trang (SN 1983) là Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ Môi trường, hiện công tác tại Công ty Xi Măng Hà Tiên – TP Hồ Chí Minh (chồng cũng là Thạc sỹ cùng chuyên ngành, công tác tại Công ty Cấp thoát nước Sài Gòn, có một cháu ngoại). Con trai út Trương Công Tiến (SN 1992), đang theo nghiệp cha, hiện là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Mỹ thuật Huế.

Hai anh em đang tâm sự thì họa sỹ Phùng Sơn (người Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế năm 1983), hiện công tác tại Tỉnh Đoàn Kon Tum ghé vào. Anh “bật mí” thêm, mặc dù làm lãnh đạo và chuyên ngành chính là điêu khắc, nhưng anh Thức vẫn đều đặn sáng tác những tác phẩm của riêng mình trên cả hai lĩnh vực điêu khắc và hội họa. Ví như trong lĩnh vực điêu khắc có tác phẩm điêu khắc trên gỗ với chủ đề “Tình mẫu tử” (sáng tác năm 2004) được Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng; trong lĩnh vực hội họa có tác phẩm “Mẹ tôi”, tranh sơn dầu được chọn giới thiệu tại Triển lãm Khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2014. Anh Phùng Sơn còn “khoe” thêm, anh Thức còn là một tay Nhị đẳng Thiếu lâm tự từ năm 21 tuổi. (Theo anh Phùng Sơn, ở Huế, ngày trước võ đường Vạn An phái – King được lập ra chỉ để chuyên dạy cho con cái của vua - quan). Sau này lên Tây Nguyên, anh Thức có tổ chức truyền dạy một thời gian, sau đó tạm nghỉ để tập trung cho chuyên môn.

Trong căn phòng anh ở, tôi ngầm đếm có đến hơn 40 hũ rượu. To có, vừa có, nhỏ có, bé tí tẹo cũng có. Hũ bằng nhựa có, bằng thủy tinh có, bằng đất nung có… Còn chất liệu rượu ngâm thì đủ loại: từ hà-nàm cọp con đến tắc kè hoa núi, sâm dây, chuối hạt, mắt mèo, hoa quỳnh… Thấy tôi cứ tròn xoe mắt, anh tủm tỉm giải thích: "Rượu nhiều nhưng hầu hết của anh em cho. Mỗi hũ rượu gắn liền một kỷ niệm trong suốt hơn 35 năm hoạt động văn hóa tại Kon Tum. Như hũ rượu ngâm cọp con ni đã 20 năm rồi, từ hồi mình lên thăm và giao lưu với một đồn biên phòng… Chừ tuy nước không còn màu nữa, nhưng mùi thơm vẫn còn". Anh cười buồn: "Một số người đôi lúc bắt gặp tôi ngồi một mình ngắm những hũ rượu cứ nghĩ tôi nghiện rượu. Họ đâu có biết ấy là lúc mình nghĩ về những kỷ niệm! Mình không bao giờ uống rượu một mình, còn đã uống thì phải có bạn – mà phải là bạn tri âm tri kỷ!". Thì ra là vậy, quả thật nếu không được nghe anh giải thích thì ngay cả tôi lúc đầu cũng nghĩ đây chính hiệu là “cây rượu nhân dân” rồi(!).

Rượu đã lâng lâng, anh chậm rãi nói: "Mình có ba điều ước là ước chi có kinh tế khá giả, tạo cơ ngơi để qui tụ anh em văn nghệ sỹ trao đổi sáng tác, học hỏi lẫn nhau. Rồi có một phòng tranh (Galary) để có nơi cho anh em giới thiệu những tác phẩm của mình. Rồi các tác phẩm của anh em văn nghệ sỹ làm ra có “đầu ra” để có điều kiện tái tạo sức lao động".

Anh Thức cứ nhắc đi nhắc lại: "Sống bằng nghệ thuật thì phải sống bằng cái tâm. Nếu không thì sẽ “chết” trong lòng công chúng!"

Nguyễn Phi Em
.
.
.