Ước muốn bảo tồn âm nhạc truyền thống

Thứ Ba, 07/12/2010, 16:47
Ông có thể chơi được tất cả những nhạc cụ truyền thống dân tộc từ đàn nhị, nguyệt… đến trống, sáo. Ông chính là nghệ nhân Châu Diễn (tên thật là Lê Văn Trợ), ở xã Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Giờ đây, tuy tuổi đã xế chiều nhưng nghệ nhân Châu Diễn vẫn âm thầm, miệt mài gìn giữ vốn âm nhạc của dân tộc qua những nhạc cụ truyền thống.

Nghệ nhân Châu Diễn xuất thân trong một gia đình có truyền thống với nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Vì vậy đã sớm hun đúc cho ông một niềm say mê hiếm có với nghệ thuật này. Vừa tròn 15 tuổi, ông đã quyết tâm theo học nghề đàn trống. Tuy nhiên, sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, ông Trợ đã sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, lên đường đi theo tiếng gọi của quê hương. Lúc đó là năm 1965, ông bắt đầu đi theo cách mạng để chiến đấu, nhưng vì có khiếu văn nghệ, lại chơi được nhiều loại đàn trống nên được gia nhập vào đoàn tuyên truyền lưu động ở vùng chiến khu Bình Trị Thiên. Không bao lâu, do chơi nhạc quá hay, ông được trên quân khu đưa lên để gia nhập vào đoàn văn công đi phục vụ ở mặt trận.

Trong những ngày tháng hoạt động cách mạng, niềm đam mê nghệ thuật âm nhạc trong ông càng được dung dưỡng, phát triển. Theo nghệ nhân thì người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời nghệ thuật của ông chính là NSND quá cố Châu Loan, đó vừa là người thầy, người chị mà ông rất kính trọng. Chính nghệ sĩ Châu Loan đã truyền đạt niềm đam mê cùng những kỹ năng âm nhạc truyền thống cho ông.

Đến bây giờ, mặc dù đã bước vào độ tuổi thất thập nhưng dường như cái máu nghệ thuật trong nghệ sĩ Châu Diễn vẫn còn nguyên vẹn. Đã gần 20 năm miệt mài theo cái nghiệp trống đàn ở ban nhạc lễ phục vụ ở những lễ khánh thành, đám ma... nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy mặc cảm với nghề nghiệp của mình, bởi theo nghệ nhân, nó đã giúp ông giữ được niềm đam mê được chơi nhạc. Chính từ những nghệ nhân dân gian như nghệ nhân Châu Diễn đã góp phần gìn giữ được vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Đoàn cựu chiến binh văn công quân giải phóng Trị Thiên Huế gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp đoàn ra thăm Hà Nội (nghệ nhân Châu Diễn đứng thứ 5 từ phải sang).

Tại Festival 2008, để phục vụ lễ hội, Ban tổ chức đã làm một cây đàn nhị "quá cỡ" để trình diễn trong lễ hội truyền thống ở cầu Ngói Thanh Toàn, không có ai có thể đàn được ngoài nghệ nhân Châu Diễn. "Nói thật là lúc đầu tôi tưởng không thể nào chơi được, nhưng vì đó là lễ hội của quê hương mình nên phải cố gắng thể hiện hết năng lực của mình thôi, không ngờ lại được du khách rất thích thú" - nghệ nhân cho biết. 

Nghệ nhân Châu Diễn đã nhận nhiều học trò để truyền đạt nghề để phần nào gìn giữ vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ mai một dần. Khi nhắc đến điều này, ông trầm ngâm nói: "Tôi rất khắt khe trong việc tuyển dạy học trò. Tôi chỉ dạy cho những em nào có năng khiếu, yêu nghề thật sự. Nếu chỉ xem việc học nghề này chỉ để kiếm tiền thì không bao giờ thành tài được. Tôi luôn khuyên bảo học trò cần phải có sự đam mê, sự chân thành thật sự với nghệ thuật, đó là một phần của truyền thống văn hóa, âm nhạc của dân tộc".

Theo nghệ nhân thì cho đến nay ông nhận rất ít học trò bởi để cảm thụ được, chơi được nhạc cụ truyền thống là vô cùng khó. Nếu ai có năng khiếu, học nhanh lắm cũng phải mất 3 năm mới chơi được đàn nhị. Có người phải mất gần 13 năm mới chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Có thể nói ở đây là nghề chọn người, chơi nhạc truyền thống và để cảm thụ được tất cả sự tinh túy, cái hồn của nó là cả một quá trình lâu dài, vì vậy ngoài năng khiếu, còn cần phải có sự đam mê và kiên trì. Chính sự khó khăn này, nên hiện nay có rất ít người có thể chơi thành thạo nhạc cụ truyền thống

Gia Long
.
.
.