Tuân thủ và nhường nhịn

Thứ Hai, 06/12/2010, 10:40
Trong sự đi lại mỗi ngày người ta chỉ mong có được niềm vui. Nhưng hơn một lần, nhiều lần ta được nghe, được chứng kiến số người tai nạn giao thông cùng những hình ảnh ghê rợn về các hậu hoạ va quệt đã xảy ra. Có lẽ không ngày nào là ngày đất nước ta không có người chết, người bị thương vì tai nạn này.

Lâu nay, chuyện đi lại trên đường đã thành nỗi lo thường nhật của mỗi nhà, của toàn xã hội. Thậm chí nó đã trở thành vấn nạn. Có người còn lo, nếu không khéo thu xếp rất có thể nó sẽ trở thành quốc nạn.

Thật đáng ngại khi phải ra đường tại Hà Nội, TP HCM và một số đô thị đông dân khác vào giờ cao điểm. Trên đường mật độ xe máy là ken dày cho dù vỉa hè đã được người bên giao thông công chính xén hẹp lại. Những lúc như thế nhìn ra đường ta có cảm giác chóng mặt và tự hỏi liệu có nơi nào trên thế giới nhiều xe máy hơn nơi này. Lúc ấy lực lượng Cảnh sát giao thông phải huy động đến tối đa ở những điểm nóng, kể cả những nơi có đèn xanh, đèn đỏ chỉ đường. Cả lúc không phải giờ cao điểm có những phố cũng nghìn nghịt người và xe chen chúc qua lại vì hai bên đường đã có thêm những chiếc xe ôtô con đủ loại nối nhau chiếm chỗ.

Thật đáng sợ khi mỗi gia đình có người đi xe máy ra đường về nhà muộn hoặc về nhà không đúng giờ, đúng hẹn. Lúc ấy, người đợi như ngồi trên đống than đống lửa. Nỗi lo này bây giờ đã không của riêng ai. Đến cầu toàn như người đi bộ qua đường mà vẫn ngay ngáy nỗi sợ và không ít lần gặp họa. Làm sao để giảm được mật độ phương tiện ngày càng đông đặc trên đường.

Bài toán mang tầm vĩ mô này thuộc vào sự tính toán có tính chiến lược của các cơ quan hữu trách. Mọi người chờ đợi và sốt ruột! Đây là việc nóng bỏng không thể câu dầm. Càng không thể giải quyết theo cách ứng phó kiểu phát động phong trào lúc mau lúc thưa. Thiết nghĩ, tăng phương tiện công, giảm phương tiện tư một cách thuận lợi trên các tuyến phố tạo sự hợp lý trong đi lại với giá cả phải chăng và hấp dẫn người tham gia là điều nên làm ngay. Việc này, cho dù có lỗ về kinh phí nhưng sẽ rất lãi về văn minh đô thị. Đây là cách để lòng đường "có chỗ mà thở" và tai nạn có chỗ mà lùi.

Ta có nên nhập và sản xuất xe máy, xe ôtô một cách tràn lan khi mà đường sá không đủ sức gánh vác cái phần phát triển quá tải, quá nóng ấy? Việc xe máy hóa việc đi lại của toàn dân liệu có giúp gì cho sự văn minh của giao thông khi mà đường sá phát triển chậm và số mét vuông đường dành cho mỗi người ngày càng giảm.

Triệt để giải phóng lòng đường, vỉa hè không cho bất cứ một phương tiện nào lấn chiếm cũng là cách đề việc đi lại được lưu thông. Vỉa hè và lòng đường là chỗ để đi chứ không phải để đậu. Bài toán quả tình rất nan giải nhưng không nên kéo dài chuyện quá mù ra mưa này. Lòng đường vỉa hè đâu phải là vùng đất lưu không đặc quyền đặc lợi của ai đó với việc thả dàn để xe máy. Người có phương tiện và người cần có nơi để phương tiện phải cùng xã hội tháo gỡ khó khăn này. Tạo chỗ để tập trung, thu xếp để trong nhà, tôn trọng triệt để diện tích của công, tìm cách khắc phục cái khó trước mắt sẽ tránh được những hệ lụy lâu dài. Càng nấn ná chuyện này càng gây khó cho việc tháo gỡ. Đây là việc nên làm ngay.

Hơn lúc nào hết vấn nạn giao thông hiện nay của đất nước rất cần đến tinh thần công dân và trách nhiệm công dân của mỗi người tham gia giao thông. Nếu ai cũng như ai, khi đèn đỏ cho xe dừng lại, lúc đèn xanh mới từ từ vượt qua ngã tư, ngã ba; ai cũng như ai, khi xe máy dừng trước đèn đỏ mới thong thả bước qua đường… Nếu tất cả đều được như vậy thì chật mấy, đông đặc đến mấy ta cũng có thể thu xếp được.

Vậy mà vẫn luôn có ai đó phóng nhanh vượt ẩu khi vắng mặt Cảnh sát giao thông. Thói vội vã bản năng, sự ích kỷ vô thức tuy không là nhiều nhưng gây phản cảm và phiền nhiễu đối với người đi lại. Người điều khiển phương tiện giao thông không ai là không nắm được cái cách đi lại sơ đẳng nhất. Người mù luật bây giờ đã là số ít. Nhà nước, các cơ quan hữu trách, đài báo... không hôm nào là không nhắc nhở chuyện này.

Không còn sớm nữa nếu không muốn nói là muộn về những hệ lụy trước những điều này. Ta nên có cuộc "tổng vệ sinh" các thành phần gây "ô nhiễm giao thông". Việc làm nên quyết liệt, trường kỳ. Pháp luật về sự đi lại phải thật sự ra uy để người muốn vi phạm không dám coi nhờn

Nhật Văn
.
.
.