Từ vụ "Lẩu sữa mẹ" - giật mình chuyện quảng cáo phản cảm
Sự bức xúc này càng trở nên có lý do hơn khi biển quảng cáo được tung ra đúng dịp Quốc tế phụ nữ 8-3. Bầu sữa mẹ thiêng liêng và ngọt ngào với con trẻ tuy nhiên đã bị chủ nhà hàng lợi dụng để đặt tên cho một món lẩu với mục đích câu khách.
Câu chuyện về tấm biển quảng cáo phản cảm trên khiến nhiều người giật mình nhìn lại tình trạng này. Trên đường phố Hà Nội người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp đủ các loại pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền. Băng rôn, khẩu hiệu được treo nhằm mục đích tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên có một thực tế là có không ít nơi băng rôn, khẩu hiệu được treo bừa bãi, không đúng nơi, đúng chỗ, nội dung khẩu hiệu không phù hợp với địa chỉ treo. Nhiều khẩu hiệu rất trang trọng nhưng lại được treo những địa chỉ không phù hợp nên trông cực kỳ phản cảm, phản tác dụng.
Tình trạng băng rôn treo chồng lên nhau ở các ngã ba, ngã tư, cột điện hay chăng mắc trên đường phố là hình ảnh thường gặp. Từ băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cho các đợt phát động, các chiến dịch, đến những pa nô, áp phích quảng cáo chương trình nghệ thuật… Nhiều trường hợp do để lâu ngày bị rách nát tả tơi, mất dấu, mất hình ảnh… trông rất thảm hại.
Tình trạng loạn biển quảng cáo, loạn nội dung quảng cáo cũng đang là một thực tế. Mỗi tấm quảng cáo là một kích cỡ khác nhau, một kiểu dáng khác nhau. Với tấm lý “muốn hơn người”, tạo sự chú ý đối với người đi đường nên nhiều cửa hàng, cửa hiệu thi nhau cho ra đời các loại biển quảng cáo lạ đời. Càng lạ, càng sốc càng tốt. Hàng loạt các cụm từ như “gia truyền”, “ngon nhất”, “xịn nhất”, “chính hãng”… bị lạm dụng. Tình trạng sai lỗi chính tả xuất hiện nhiều nhan nhản từ các quán hàng ăn như: “mỳ sào” “nem dán” “cơm xuất”… đến các dịch vụ khác như “sửa xe, vá xăm”, “lấy dáy tai”, “tẩm quất thư rãn”…
Từ năm 2009, thành phố Hà Nội cũng đã có ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo. Văn bản này cũng đã quy định khá cụ thể các vấn đề liên quan đến hoạt động này từ nội dung đến hình thức… Tuy nhiên trên thực tế thì tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan và rất ít khi thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, lập lại trật tự trên lĩnh vực này để trả lại mỹ quan đô thị và sự trong sáng của tiếng Việt trên đường phố Thủ đô đang là vấn đề cấp thiết cần phải được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội thực hiện