Từ vụ 11 cầu thủ cá độ ở Ninh Bình: Thổi phạt ai? Thổi phạt thế nào?

Thứ Năm, 17/04/2014, 09:34
"CLB Ninh Bình dừng thi đấu tại V.League và Cúp Quốc gia, tiếp tục tham dự AFC Cup" - đó là thông báo chính thức được phát đi từ VFF sau khi vụ 11 cầu thủ Ninh Bình cá độ bóng đá được phanh phui. Nhìn ở nhiều góc độ thì đấy là một thông báo đầy nghịch lý.

1. Nghịch lý thứ nhất nằm ở chỗ, vụ 11 cầu thủ Ninh Bình cá độ bóng đá được xác định là đã diễn ra ở đấu trường AFC Cup, chứ không hoặc chí ít là chưa được phát hiện là diễn ra ở V.League và Cúp QG, tính đến thời điểm này. Thế thì hà cớ gì Ninh Bình lại được rút chân  ở V.League và Cúp Quốc gia?

Nghịch lý thứ hai là ở bóng đá Việt Nam xưa nay chỉ có chuyện một đội bóng rút chân khỏi đấu trường châu lục để dồn sức đá ở đấu trường trong nước (trường hợp của Sông Lam Nghệ An năm 2001), chứ chưa từng diễn ra chuyện ngược lại.

Nghịch lý thứ ba là trước thềm mùa giải năm nay, cùng với nhiều đội bóng dự V.League khác, CLB Ninh Bình đã có những cam kết cả ở góc độ tinh thần, tư tưởng lẫn góc độ tài chính về việc phải tham gia giải đấu đến cùng. Thế mà bây giờ thì Ninh Bình lại có thể rút nhẹ như không.

Vấn đề là tại sao VFF lại dễ dàng chấp nhận tất cả những nghịch lý này? Không khó "ngửi" ra rằng nếu Ninh Bình rút nốt ở AFC Cup thì bóng đá Việt Nam sẽ bị phạt nặng và sẽ mất uy tín nghiêm trong trên trường quốc tế. Nhưng đã có ai đặt ra câu hỏi: Các quan chức AFC sẽ thực bụng nghĩ gì về chúng ta, về những nhà quản lý phải nài nỉ một đội bóng đi đá AFC Cup để "cứu một bàn thua" cho mình, nhưng lại đồng ý cho đội bóng ấy dễ dàng rút lui ở một giải đấu do mình tổ chức?

Mọi thứ rất dễ dẫn người ta đến cái suy nghĩ rằng một giải đấu qui củ, và có tầm quốc tế như AFC Cup thì ai cũng sợ, và cũng phải "cố đá" trong bất luận hoàn cảnh nào, còn V.League là "giải đấu trong nhà", nên muốn ra sao cũng được?

Rút lui khỏi V.League nhưng cầu thủ Ninh Bình vẫn ra sân tập để đá nốt ở đấu trường AFC Cup. Ảnh: H.M.

2. Mấy hôm nay người ta cứ đổ xô vào chuyện 11 cầu thủ Ninh Bình đã làm độ, và tiếp tục chờ đợi về việc sẽ có những cầu thủ làm độ khác bị phanh phui. Điều này không khó hiểu, vì sau hàng loạt những trận cầu khả nghi và những tỷ số khả nghi, lâu quá rồi chúng ta mới tìm được những bằng chứng đầu tiên để có thể đưa tất cả ra ánh sáng. Nhưng phải thấy là tại sao những chuyện như thế này lại thường xuyên diễn ra ở Ninh Bình hay những đội bóng kiểu Ninh Bình, như Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn năm ngoái, chứ không phải những đội bóng khác, như Đồng Tâm Long An chẳng hạn?

Có lần tâm sự với cầu thủ Phan Văn Tài Em của Đồng Tâm Long An, được nghe Tài Em nói nhiều đến việc ở đây, từ ông cựu bầu Võ Quốc Thắng đến cựu HLV trưởng Calisto đều rất quyết tâm xây dựng một đội bóng sạch - một môi trường sạch. Tài Em cho biết, chính nhờ một môi trường như vậy mà anh đã trở thành một cầu thủ ngay thẳng, và đã dám  đứng lên tố cáo nhóm 7 cầu thủ bán độ ở ĐT U.23 Quốc gia tại SEA Games 23. Tài Em cũng cho biết là chính ở môi trường ấy mà nhiều cầu thủ từng lầm lỡ đã được phục thiện, và sau này đã có những đóng góp quan trọng cho ĐTQG, mà Việt Thắng là một cái tên điển hình.

Khác hẳn với môi trường sạch sẽ, nền nếp của Đồng Tâm Long An, những đội bóng như Ninh Bình hay Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn (đã giải thể) lại là những môi trường nổi tiếng về sự luộm thuộm. Sự luộm thuộm mà ở đó, các HLV cứ bị thay đổi như thay áo; một ông cò cầu thủ cũng có thể được trưng dụng làm HLV, rồi sẵn sàng biến đội bóng của mình thành một cái chợ cầu thủ phục vụ cho những phi vụ mua bán; rồi chuyện ăn ở, sinh hoạt của các cầu thủ cũng bị buông lỏng một cách có hệ thống. Ở một môi trường như thế, các cầu thủ không "chết", không "nhúng chàm" mới là chuyện bất ngờ.

Ở đây chúng tôi không có ý bênh vực cho nhóm 11 "tội đồ" ở Ninh Bình, vì với bất luận lý do nào thì họ cũng đáng bị trừng phạt. Nhưng nếu chỉ dừng mọi thứ ở họ, mà không "sờ" đến những người đã tạo ra cái môi trường đầy bệnh tật rồi thả họ vào môi trường ấy thì e là bất ổn.

3. Khi một nhà lãnh đạo quản quân lỏng lẻo đến mức quân mình đã bị tình nghi hết lần này đến lần khác, và khi phát hiện những dấu hiệu "nhúng chàm" đầu tiên lại ngang nhiên tuyên bố "dừng chơi" thì ông ta cần phải bị thổi phạt.

Nhưng thổi phạt thế nào khi mà chính VFF đã phải năn nỉ ông ta "cố đá nốt AFC Cup" để cứu thể diện của mình và của cả nền bóng đá do mình cai quản?

Ninh Bình rút khỏi V.League, An Giang bỗng thấy ánh sáng cuối đường hầm

Sáng qua, VPF đã tổ chức một cuộc họp với đại diện các CLB dự V.League và Cúp Quốc gia năm nay để thảo luận các phương án xử lý liên quan đến việc CLB Ninh Bình rút lui khỏi hai giải đấu này. Theo ý kiến của phần lớn các CLB thì mặc dù V.League năm nay chỉ có một đội phải xuống hạng thì cũng không thể đánh đồng suất xuống hạng duy nhất ấy với sự rút lui của Ninh Bình.

Theo TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn thì sau khi thảo luận và biểu quyết, tất cả các CLB đều thống nhất phương án đội đứng cuối bảng xếp hạng V.League sẽ đá Play Off với đội đứng thứ 3 giải hạng Nhất để quyết định một suất lên/xuống hạng ở mùa giải này. Với quyết định này thì đội đứng cuối V.League hiện nay là HV.An Giang đã bất ngờ tìm được ánh sáng cuối đường hầm. Với chỉ 1 điểm duy nhất sau 12 loạt đấu, An Giang tưởng như cầm chắc một suất xuống hạng giờ sẽ có cơ hội ở lại V.League nếu giành được chiến thắng trong trận Play Off cuối mùa.

VPF cũng đặt ra tình huống giải quyết nếu sau Ninh Bình sẽ tiếp tục có đội rút khỏi V.League, và tất cả cũng thống nhất là trong tình huống này đội đứng cuối V.League vẫn đá Play Off với đội đứng thứ 3 giải hạng Nhất để quyết định một suất lên/xuống hạng. Trong trường hợp này thì V.League 2015 sẽ chỉ có 13 đội, thay vì 14 đội như kế hoạch ban đầu.

Ở đấu trường Cúp Quốc gia, sự rút lui của Ninh Bình sẽ giúp CLB Quảng Nam sẽ giành quyền vào chơi vòng tứ kết.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.