Từ đội bóng Sinh viên Hàn Quốc nghĩ về vùng trắng bóng đá học đường Việt Nam
Thực ra thì chẳng phải đợi tới BTV Cup năm nay, cái tên SVHQ đã rất nhiều lần xuất hiện ở cúp bóng đá TP HCM trước đây, và ở những giải đấu đó, đội bóng này thường tạo ra vô số khó khăn cho cả ĐT U.23 Việt Nam lẫn ĐTVN. Theo tìm hiểu của các chuyên viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì thành phần ĐT SVHQ sang Việt Nam dự các giải đấu giao hữu cũng có 2, 3 cầu thủ thuộc các ĐT trẻ xứ Hàn, nhưng ngoài 2, 3 người này, phần còn lại đúng là sinh viên thật, sinh viên 100%. Đã có lần một cán bộ của phòng các ĐTQG ở VFF cất công tìm hiểu và biết rằng, ở Hàn Quốc, bóng đá học đường nói chung và bóng đá đại học nói riêng phát triển hết sức quy mô.
Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc đã kết hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để đưa phần “đào tạo bóng đá” vào các tiết học giáo dục thể chất, và nhờ đó, họ đã tìm kiếm rất nhiều tài năng bóng đá từ ghế nhà trường. Ngay cả HLV trưởng ĐT SVHQ sang dự BTV Cup năm nay, ông Lee Kyung Soo cũng từng trưởng thành từ bóng đá học đường, và từ cái bệ phóng đó, ông từng được gọi vào ĐT U.20, rồi U.23 Hàn Quốc. Theo lời ông Soo thì hằng năm, giải bóng đá giữa các trường đại học Hàn Quốc luôn là những giải đấu giàu chất lượng, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo fan hâm mộ.
Từ chuyện này chợt liên hệ đến những chuyện đã và đang diễn ra ở xứ mình: Nhiều năm qua, chúng ta cũng có những giải bóng đá quy mô giữa các trường đại học, và các trận đấu ở những giải đấu này thậm chí từng được nhà đài VTV tường thuật trực tiếp. Tuy nhiên đấy chỉ là những trận đấu bóng đá phong trào đúng nghĩa, những trận đấu mà nhiều lúc “cầu thủ” còn đeo kính cận, đi giày ba ta chạy trên sân Hàng Đẫy. Dĩ nhiên, không một nhà tuyển trạch nào của VFF lại mơ mộng viển vông tới mức tới sân xem các trận đấu này để tìm kiếm nhân tài cho các ĐT trẻ Việt Nam.
Cầu thủ SVHQ chơi bóng đặc biệt ấn tượng. Ảnh: H.M.
Tất cả bắt nguồn từ một thực tế: Ở Việt Nam nhiều năm qua, bóng đá học đường là một vùng trắng, một con số 0 đúng nghĩa. Từ trường phổ thông cho tới trường đại học, chúng ta có thể có những tiết học đá bóng, nhưng đó chỉ là những tiết học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Chúng ta cũng có thể có những em học sinh giàu năng khiếu đá bóng, nhưng trong từ trường giáo dục văn hóa nói chung, thứ năng khiếu ấy không được ưu tiên phát triển.
Cách đây vài tháng, khi VFF tổ chức hội thảo phát triển bóng đá Việt Nam, và đặt mục tiêu đến năm 2030, ĐTVN phải đứng top 10 châu Á thì đã có chuyên gia lắc đầu ngao ngán. Theo chuyên gia này thì chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu khi không có một chân đế bóng đá đủ mạnh trải rộng từ các trung tâm đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp đến các nhà trường tiểu học, phổ thông. Rất may là từ tháng 8/2013, ngành Giáo dục và Liên đoàn Bóng đá TP HCM đã phối hợp thực hiện đề án đưa bóng đá vào thí điểm ở 48 trường tiểu học, và sẽ mở rộng đến tất cả các trường trên địa bàn vào năm 2014.
Hy vọng là sau sự thí điểm bước đầu ở TP HCM – một địa phương bóng đá giàu truyền thống nhưng giờ đang thất thế trầm trọng trên bản đồ bóng đá nước nhà, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng không thờ ơ đến vấn đề hết sức quan trọng, thiết thực này.
Mỗi trường học một sân vận động? Ở các nước láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, bóng đá học đường phát triển khá tốt cả về mặt chiến lược, nhân sự đến điều kiện vật chất. Ở đó, mỗi trường tiểu học, trung học thường có ít nhất 1 sân bóng đá 7 người. Ở Việt Nam hiện nay, thực hiện mục tiêu “mỗi trường học một sân vận động” e là rất khó, bởi ngoại trừ những trường ở khu vực ngoại thành, nông thôn, phần lớn các trường ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đều đang trong tình trạng thiếu diện tích trầm trọng. Để giải quyết, tháo gỡ vấn đề này, nên chăng VFF cần phối hợp với các sở GD&ĐT tạo địa phương xây dựng những cụm sân đủ tiêu chuẩn để các cụm trường có thể mang học sinh của mình tới… thực hành bóng đá? Muốn phát triển bóng đá học đường, chúng ta không thể bắt đầu từ những lý thuyết đao to búa lớn, mà cần phải bắt đầu bằng những điều hết sức thực tiễn: Mỗi trường học một sân vận động, hoặc mỗi cụm trường học một sân vận động. Ngọc Anh |