Từ chuyện người ôm “xác vợ” đến bong bóng truyền thông

Thứ Ba, 01/12/2009, 11:10
Chuyện của ông Lê Vân, hay chuyện “dấu chân thú lạ” hoặc chuyện “người đàn ông đi biển” đều có vẻ từa tựa nhau. Tự nhiên, từ một chuyện chẳng đâu vô đâu, truyền thông lại nhào vào biến nó thành một sự kiện gần như… trọng đại.
>> Lúng túng trong xử lý vụ “ngủ với hài cốt vợ”

Đột nhiên ngoài mong đợi, hoặc giả có mong đợi nhưng kết quả của sự mong đợi ấy là rất khủng khiếp, ông Lê Vân (55 tuổi, ngụ tại Thị trấn Hà Lam, Thăng Bình (Quảng Nam)) bỗng trở thành người được giới truyền thông ưu ái hơn mọi sự kiện khác trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến những ngày đầu tháng 12/2009 này.

Cận cảnh người đàn ông ôm "xác vợ".

Chuyện chẳng có gì. Khởi đầu là một trang báo mạng cho in bài kể về chuyện của ông Lê Vân - người đàn ông nhiều năm liền nhét hài cốt của vợ vào một pho tượng thạch cao rỗng ruột để đêm đêm… ôm ngủ.

Ngay ngày hôm sau, hàng loạt các tờ nhật báo bắt đầu “băm lại” đề tài mà theo họ rất hấp dẫn này. Các vị tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu về y học và tâm thần cũng nhảy vào cuộc với những bài bình luận, phân tích cho rằng ông Lê Vân mắc phải hội chứng “Ái tử thi”, tức yêu hoặc si mê thây người chết. Lập tức, một nữ văn sĩ nổi tiếng của nhảy vào cuộc để “chửi” lại các luận điểm khoa học kia và cho rằng, tình yêu của ông Lê Vân dành cho vợ là một tình yêu trường tồn, một tình yêu đậm chất thi ca và văn chương đích thực…

Một bộ phận xã hội cứ loạn cả lên với cái chuyện “người đàn ông thoạt trong có vẻ không bình thường, xác tín rằng khi vợ ông chôn được 20 tháng thì ông lén ra mộ, đào hài cốt lên, bỏ vào tượng thạch cao để vác về nhà… ôm ngủ”.

Thậm chí, có một tờ báo còn viện cả chuyện hình luật ra để quy cho ông Lê Vân đang… vi phạm pháp luật. Phóng viên của một tờ báo khác còn xui bác sĩ hay kỹ thuật viên gì đó của một bệnh viện, vác cả máy chụp XQ đến nhà ông Lê Vân để chụp tượng thạch cao nhằm xem bên trong có gì (Dĩ nhiên, là xem qua phim). Và cuối cùng, phóng viên này kết luận phía bên trong tượng thạch cao ấy có xương được sắp lộn xộn.

Thông tin này nhanh chóng gây chấn động, bởi dư luận vẫn đang hồ nghi chuyện liệu ông Lê Vân có bịa ra chi tiết giấu xương vợ trong pho tượng thạch cao hay không? Đồng nghiệp của tôi từ Quảng Nam, gọi điện thoại vào khẳng định rằng trong pho tượng thạch cao không có xương, chỉ có vài thanh sắt và những tấm giẻ rách… Tình hình rất chi là sôi sục!

Khổ thay, nhiều anh bạn khác đã có gia đình, sáng nào cũng ngồi than khổ rằng nhiều ngày qua, đêm nào vợ cũng cật vấn “Liệu em chết, anh có như ông Lê Vân sẽ bỏ hài cốt em vào tượng thạch cao để đêm đêm ôm ngủ không?”. Trả lời, “Anh không ngu” thì không dám nói. Mà trả lời “Chắc chắn anh sẽ làm”, thì hóa ra nói xạo. Thiệt là không có cái khổ nào như cái khổ nào.

Vụ việc ông Lê Vân khiến tôi nhớ đến chuyện “Dấu chân thú lạ” xuất hiện ở bãi Đông Khương, thôn An Bình, Thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên (Quảng Nam) vào cuối tháng 12/2007. Truyền thông nước mình khi đó cũng suy đoán đây có thể là dấu chân hổ, yêu cầu các cơ quan kiểm lâm và công an vào cuộc để bảo vệ tính mạng của người dân khu vực này.

Một ông kiểm lâm chắc do…. say thông tin mà truyền thông mang lại nên cũng cả quyết “Người dân nên tranh thủ đi làm đồng trễ và về sớm để tránh hổ. Nếu ai không nghe lời tui thì… chết ráng chịu”. Một không khí hồ nghi và bất an bao phủ lên toàn bộ đời sống của người dân tại khu vực này.

Truyền thông ngày ngày cứ ra rả về chuyện các đoàn này, cơ quan nọ đang kiểm tra dấu chân thú dữ… Cuối cùng, cơ quan chức năng cũng có kết luận về dấu chân thú lạ ấy chính là dấu chân của…. con chó bẹc-giê mà một hộ gia đình nằm trên bãi Đông Khương nuôi.

Truyền thông Việt Nam đợt ấy  “hố” rất nặng. Còn “hố” nặng hơn cả chuyện kể về người đàn ông có sức sống mãnh liệt, lênh đênh trên biển nhiều ngày liền sau khi bị bão đánh lật thuyền ở miền Trung.

Hình ảnh về người đàn ông “ham sống” ấy được miêu tả như một vị anh hùng trong tiểu thuyết… Để rồi, vài ngày sau người đàn ông này thú nhận mình không có đi biển, nên không hề bị ảnh hưởng của cơn bão gì đó. Chẳng qua là anh đi “léng phéng” về, thấy mấy anh nhà báo bu vô hỏi khiếp quá nên bịa đại chuyện gì đó để kể.

Chuyện của ông Lê Vân, hay chuyện dấu chân thú lạ hoặc chuyện người đàn ông đi biển đều có vẻ từa tựa nhau. Tự nhiên, từ một chuyện chẳng đâu vô đâu, truyền thông lại nhào vào biến nó thành một sự kiện gần như… trọng đại. Rồi không khéo, sẽ có chuyện báo này “choảng” báo kia trối chết vì cho rằng mình đúng(!?).

Tất cả những chuyện này, đều liên quan đến… một người đàn ông mà thoạt nhìn, có vẻ không được bình thường(!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.