Truy thu phí sử dụng tác quyền âm nhạc: Con dao hai lưỡi

Thứ Ba, 13/01/2009, 10:40
Tăng tổng số tiền thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc về cho các tác giả cao hơn 3 lần so với năm 2007, với nhiều nhạc sĩ, lượng thu nhập mang về đã thực sự trở thành nguồn kinh tế để trang trải cuộc sống.

Việc thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc "rục rịch" được mở rộng triển khai trên quy mô quốc tế. Nhạc sĩ được đảm bảo hơn về mặt quyền lợi nhưng cũng phải chịu những ràng buộc nhất định và nếu không cẩn thận, "lỡ" vi phạm cũng rất có thể gặp rắc rối. Riêng đơn vị sử dụng tác phẩm, nếu không thực hiện chi trả phí nghiêm túc theo quy định thì cũng có thể bị tổ chức quốc tế "thổi còi".

Nhạc sĩ bội thu

Theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (TTBVTQÂNVN), tính đến thời điểm này đã có trên 1.300 tác giả Việt Nam và trên 2,5 triệu tác giả quốc tế ủy thác thu phí tác phẩm cho TTBVTQÂNVN.

Năm 2008, Trung tâm cũng đã tiến hành thu về cho các tác giả trên 15 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu từ lĩnh vực phát thanh, truyền hình tăng gấp 16 lần, lĩnh vực Internet tăng 14 lần...

Tiền thu về từ tác quyền âm nhạc đối với các nhạc sĩ đã không còn mang tính tượng trưng như trước đây nữa. Đã có khoảng trên 20 nhạc sĩ được chi trả trên 100 triệu đồng. Người được chi trả cao nhất lên đến 197 triệu đồng...

Nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ: Người sáng tác bây giờ thật vui bởi dù được nhận ít hay nhiều thì họ cũng vẫn có thêm "chút đỉnh" để gặp gỡ bạn bè uống nước, hàn huyên. Số tiền này không chỉ mang giá trị kinh tế đơn thuần nữa. Đối với người nhạc sĩ, số tiền được chi trả từ "đứa con tinh thần" của mình còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn...

Đồng ý kiến với nhạc sĩ Thế Hiển nhưng nhạc sĩ Trương Quang Lục lại vẫn chưa hết băn khoăn bởi hiện nay, ngoài việc có thêm "đồng ra đồng vào" đưa "bà xã" đi chợ thì nhạc sĩ ít khi biết tác phẩm của mình khi đến với công chúng "tròn méo" ra sao, ca sĩ xử lý có đúng theo ý mình không.

Nhạc sĩ đề nghị Trung tâm và các đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc nên có băng, đĩa, sách trở lại để tác giả có cơ hội "nhận diện" được "đứa con" của mình...

Nhưng không cẩn thận sẽ bị kiện ngược trở lại?

Cũng theo TTBVTQÂNVN, hiện nay, đã có hàng vạn tác phẩm âm nhạc trong nước được quản lý và lưu trữ.

Bên cạnh việc tích cực "truy thu" tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các nhạc sĩ tại trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, TTBVTQÂNVN đã lắp đặt cả phần mềm lưu trữ tác giả, tác phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, trở thành thành viên của Liên minh Quốc tế các hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể không tuân thủ các quy định của quốc tế: phải trả tiền khi sử dụng các ca khúc nước ngoài...

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc TTBVTQÂNVN thì không phải đơn vị nào cũng ý thức và thực hiện nghiêm túc việc chi trả phí sử dụng tác quyền âm nhạc.

Sau sự kiện hơn 400 nhạc sĩ trong nước đồng lòng ký văn bản gửi đến các nhà đài, cơ quan Chính phủ đề nghị thực hiện chi trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, việc thực hiện thu tiền tác quyền âm nhạc đã có những bước chuyển biến đáng kể, song vẫn không ít các đơn vị né tránh, tiếp tục gian lận. Có trang web chỉ ký hợp đồng sử dụng 300 tác phẩm, song thực tế lại sử dụng lên đến trên 4.000 tác phẩm.

Với lĩnh vực karaoke gia đình (đưa tác phẩm âm nhạc vào hát karaoke) thì vẫn chưa có đơn vị nào chịu "hợp tác" với Trung tâm...

Trong khi đó, ngay nhiều nhạc sĩ của chúng ta cũng phạm luật chỉ vì không hiểu luật: đã ủy quyền cho TTBVTQÂNVN, nhưng vẫn trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị sử dụng dẫn đến việc thu tác quyền bị chồng chéo lên nhau.

Nhiều người ký hợp đồng độc quyền sử dụng tác phẩm nhưng không ghi cụ thể thời gian độc quyền trong bao lâu, nhiều đơn vị đã hết hạn hợp đồng mà vẫn tiếp tục sử dụng mà không chịu đóng phí...

Thực tế, cho đến thời điểm này, hầu hết việc xử lý về quanh lĩnh vực chi trả tiền tác quyền tác phẩm âm nhạc vẫn chỉ theo kiểu "đóng cửa bảo nhau". Thế nhưng, sang năm 2009, khi Việt Nam đã chính thức tham gia thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài tại Việt Nam và tác phẩm âm nhạc của tác giả người Việt được thu phí sử dụng ở nước ngoài, nếu tình trạng "nhầm lẫn" kể trên vẫn tiếp tục thì không ngoại trừ khả năng nhạc sĩ bị kiện ngược lại và đơn vị có sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng sẽ bị tổ chức nước ngoài "thổi còi" nếu tiếp tục "xài chùa"

Hoa Nguyễn
.
.
.