Trở lại Đền Đô lịch sử

Thứ Tư, 13/02/2008, 16:51
Những ngày đầu xuân, có một điểm đến của du khách thập phương nằm lặng lẽ giữa vùng văn hóa Kinh Bắc, mang trong mình những tinh hoa của cả một triều đại nhà Lý thịnh trị, đền Đô (nằm trên đất Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nơi mà thế hệ trẻ và tất cả những ai muốn tìm về lịch sử, tìm về cội nguồn đất nước mỗi dịp xuân về.

Ngày mùng 5 Tết âm lịch, từng đoàn xe nối đuôi nhau tìm về Đền Đô dường như đông hơn những năm trước. Khu vực để xe bên trong sân đền đã không còn chỗ chứa mà phải lập một bãi trông xe phía ngoài khuôn viên. Không có cảnh chen lấn xô đẩy, không có cảnh thương mại hoá cổng đền như ở nhiều di tích, danh thắng khác, du khách đến với Đền Đô với một tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng hiếm có ở nơi đền chùa, hội hè đầu năm.

Quần thể Đền Đô cách trung tâm Hà Nội 16km, cách TP Bắc Ninh 14km là một khu di tích khang trang, bề thế, trên một khu đất cao, rộng và bằng phẳng, nổi bật trên cánh đồng rộng lớn. Đền Đô nguyên là "Thái miếu nhà Lý" do Lý Thái Tổ khởi dựng. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) là người Cổ Pháp (vùng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay).

Tháng 2/1010, nhà vua về thăm quê nhà Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Thái hậu và đo mươi dặm đất làm cấm địa thuộc Sơn Lăng (Thọ Lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý ngày nay). Nơi đây được gọi là cung kinh thành và cũng được hiểu là kinh đô nơi các vua đã tạ thế "đang ngự".

Đền Đô còn có tên gọi là Cổ Pháp Điện, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý trên đất Lý hương Cổ Pháp nên cũng có tên gọi là đền Lý Bát Đế: Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông. Riêng Lý Chiêu Hoàng được thờ ở đền Rồng, cách đền Đô chừng 1,5 km về phía Tây.

Đền Đô gồm 21 hạng mục công trình xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo với tổng diện tích 31.250m2, được chia làm hai khu nội thành và ngoại thành có nhà Hậu cung, nhà Chuyển bồng, nhà Tiền tế, nhà Bia, nhà Văn chỉ, Võ chỉ, nhà Thuỷ đình nằm giữa hồ... trong khuôn viên rộng lớn.

Du khách đến với những vị vua triều Lý như thấy lòng mình trải rộng cùng đất trời, cây cỏ ở nơi mang đậm chất Kinh Bắc. Mới chỉ bước vào cổng đền, không gian thoáng đạt và những giá trị lịch sử nơi đây khiến du khách có cảm giác mọi ồn ào phố xá và những bon chen đời thường được rũ bỏ hoàn toàn.

Khác hẳn với những khu di tích lịch sử văn hoá hoặc đền chùa khác, Đền Đô gây thiện cảm với du khách từ những bước chân đầu tiên bởi sự thanh khiết và không gian trầm lắng, yên tĩnh. Giữa vùng quê giàu truyền thống văn hoá này, con người nơi đây cũng thật thà, chất phác đáng quý. Không có những hình ảnh của thương mại hoá từ cổng đền như những nơi mà người ta thường gặp như chèo kéo khách, dịch vụ mê tín dị đoan hay hàng hóa các loại tràn ngập lối vào...

Bên ngoài cổng đền chỉ có vài hàng quán sơ sài cho du khách tạm dừng chân và mua thẻ hương làm lễ. Trong đền, thứ hàng duy nhất mà khách có thể tìm mua và mang về làm kỷ niệm cho chuyến du ngoạn chính là sách và chữ. Chữ, tất nhiên là những chữ thánh hiền dạy ta điều hay, lẽ phải. Còn sách bán trong sân đền rồng cũng là những cuốn sách có chọn lọc từ các nhà xuất bản mang đậm nét giáo dục truyền thống lịch sử và tâm linh.

Du khách đến đây còn có dịp được gặp một hướng dẫn viên du lịch đặc biệt trong Ban quản lý di tích đền Đô chính là Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn -  người con của quê hương Đình Bảng. Từng đoàn du khách như cuốn theo dòng lịch sử qua lời của vị giáo già khả kính.

Ông kể lại cho thế hệ sau về đền Đô, về nhà Lý, về những danh nhân được thờ ở đền Đô: Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, về nền văn hiến Kinh Bắc và cả sự hiển linh của rồng vàng trên nóc đền Đô mà những người có cơ duyên đã lưu giữ được. Phải chăng vì thế mà đền Đô ngày càng lôi cuốn khách thập phương tìm đến

Việt Hà
.
.
.