Tri ân với xứ sở Bạch Dương

Thứ Ba, 19/01/2010, 10:30
Dẫu năm tháng trôi qua, rất nhiều học trò năm xưa đã trở thành những người lãnh đạo trong các cơ quan ở Việt Nam, nhưng nhắc tới các giáo viên Nga, họ vẫn trân trọng với 2 chữ "thầy, cô" bằng cả tình cảm kính yêu.

20h cuộc giao lưu mới bắt đầu, nhưng từ 18h, sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã đông kín. Gần 4.000 người đại diện cho hơn 52.000 người Việt Nam từng được xứ sở Bạch Dương bao bọc, thuộc mọi lứa tuổi, từ khắp đất nước tụ về.

Dẫu năm tháng trôi qua, rất nhiều học trò năm xưa đã trở thành những người lãnh đạo trong các cơ quan ở Việt Nam, nhưng nhắc tới các giáo viên Nga, họ vẫn trân trọng với 2 chữ "thầy, cô" bằng cả tình cảm kính yêu.

Các thầy, cô giáo Nga có quyền tự hào, khi các lứa học sinh họ đào tạo, đều đã trưởng thành, như nụ cười mãn nguyện của thầy Iasin nổi tiếng ở Khoa Báo chí Trường MGU, khi nhắc tới những cái tên Đinh Thế Huynh - TBT Báo Nhân dân, Đỗ Quí Doãn - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trần Đăng Tuấn - Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam v.v…

Cô giáo Alla Nicolaievna và "các cậu bé" của mình.

Sau hơn nửa thế kỷ, tình cảm sâu nặng mà cô bảo mẫu Nina Anatolievna Iratova đã dành cho 100 thiếu nhi Việt Nam đầu tiên sang Nga (1954) vẫn được nhớ mãi. Với niềm cảm thông sâu sắc, bà đã yêu thương những đứa trẻ đến từ Việt Nam xa xôi như con đẻ và dành sự quan tâm đặc biệt tới các con liệt sĩ. Thậm chí, bà vẫn dõi theo mỗi học sinh sau khi đã ra trường, với trái tim của một người mẹ…

GS. Sivokobulenko Vitali Phedorovic (Trường Tổng hợp kỹ thuật Donhet) là một trong những kỹ sư đã giúp xây dựng nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam năm 1964. Ông đã khiến mọi người phải cảm động vì tấm lòng với học trò, khi ông vượt hơn 10.000km để đến Hà Nội, gặp các học sinh cũ, mang theo cuốn sổ lưu giữ mấy chục năm qua, nhắc tên từng học sinh với tình cảm yêu thương vô bờ.

Ông cũng còn bức ảnh chụp các cựu học sinh của mình, trong đó có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ông nói: "Tôi thật vui khi các sinh viên của mình thành đạt và có nhiều đóng góp quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống hôm nay".

Một trong những học trò Việt Nam yêu quý của cô giáo Sophia và Emma là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Vì thế, dẫu tuổi cao, 2 cô vẫn muốn sang Việt Nam, để được gặp lại những học sinh cũ. Chẳng riêng các thầy, cô giữ vẹn nguyên tình cảm sâu nặng với học sinh, các lưu học sinh Việt Nam ngày ấy cũng luôn mang trong lòng niềm kính yêu và biết ơn sâu sắc với quá khứ Nga đã góp phần làm nên nhân cách và tài năng của họ.

Niềm xúc động của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã truyền đến mọi người: "Cô đã dắt tay chúng tôi vào thế giới mênh mông của tiếng Nga. Cô cũng cầm tay chúng tôi dắt vào thế giới văn hóa Nga phong phú, nhờ đó, chúng tôi đã biết Puskin, Lev Tolstoi, Dostoievski... Các cô đã truyền cho chúng tôi tâm hồn Nga, để đồng hành với chúng tôi suốt cuộc đời…".

Được xem đoạn băng về cô giáo Nina với những hình ảnh thân thuộc ở Trường viết văn Gorki, tình cảm chân thành, sâu nặng với lời nhắn gửi bà sẽ chờ cho đến khi nào cậu học trò cũ trở lại Nga, "thần đồng" Trần Đăng Khoa đã phải liên tục lau nước mắt và nói rằng, anh đang có một giấc mơ giữa lúc tỉnh.

Chắc hẳn nơi xa, bà Nina cũng đang trào dâng niềm hạnh phúc, khi biết rằng, cậu học trò nhỏ năm nào cũng luôn dành một cõi nhớ về bà với niềm trân trọng: "Cô là nhà văn hoá tuyệt vời của nước Nga". Ký ức đẹp nhất về bà của tác giả "Hạt gạo làng ta", chính là bà đã dạy anh những bài học sâu sắc làm người, nhất là người cầm bút, là phải luôn quan tâm đến những số phận…

Cuộc tái ngộ bất ngờ.

Những kỷ niệm ân tình về vợ chồng cô Zubes Doia Petrovna ở Donhet (Ukraine) với 19 nữ sinh Việt Nam tưởng chỉ là hồi ức, thì sự xuất hiện của cô đã khiến không khí hạnh phúc như vỡ òa. Cô giáo Alla Nicolaievna ở St.Peterburg cũng bất ngờ xuất hiện với niềm vui không thể nói hết cho các học trò bộ đội. Ở ngoài sảnh, cô vẫn ôm lấy các anh, vẫn gọi họ thân mật là "các cậu bé", dù cả cô và trò đều đã ở tuổi 68.

Con gái GS. NGND Nhiculin, người đã dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần không nhỏ để đưa văn học Việt Nam đến với nước Nga bằng các công trình nghiên cứu, quảng bá văn học Việt Nam ở Nga, đã làm lay động trái tim khán giả Việt Nam bằng những ký ức rất đẹp của cha mẹ về Việt Nam, nhất là khi cô kể về ý nguyện của mẹ mình muốn được chôn cất tại Việt Nam khi bà qua đời.

Câu chuyện về GS Valeri Bilianovic Kurbanov, người thầy của đạo diễn, NSƯT Lê Chức và Tú Mai bất chợt làm người xem lắng lại, khi thầy đã không kịp chờ đến cuộc tái ngộ đã vội ra đi…

Thanh Hằng
.
.
.