Tranh Bùi Xuân Phái đã bị làm giả từ trong nước

Thứ Tư, 26/11/2008, 10:15
Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: Nhiều gallery trong nước lẳng lặng làm tranh giả... Trong giới hội họa, một điều mà hầu như ai cũng biết, là đã có những người làm giả tranh của cụ Phái để bán ra nước ngoài.

Thông tin họa sỹ Bùi Thanh Phương tuyên bố khởi kiện nhà đấu giá Sotheby's bán tranh giả của cha mình, danh họa Bùi Xuân Phái - một lần nữa làm dư luận dấy lên những bức xúc tồn tại đã nhiều chục năm qua về nạn tranh giả, tranh nhái.

Dưới góc độ một nhà quản lý, lại tạo dựng được tên tuổi trong nền hội họa Việt Nam đương đại, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao đổi với PV Báo CAND về những bất cập quanh câu chuyện chưa có hồi kết này.

PV: Thưa họa sỹ Lương Xuân Đoàn, nạn tranh giả, tranh nhái đã mặc nhiên tồn tại từ lâu, tạo ra những hệ lụy rất phức tạp. Vậy tại sao các cơ quan quản lý nhà nước lại không thể kiểm soát được vấn đề luôn gây bức xúc này?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Đúng là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ở trong nước, những tín hiệu tranh giả bắt đầu được nhìn nhận tới. Lỗi này một phần tại hệ thống gallery. Khi người nước ngoài quan tâm tới mỹ thuật Việt Nam, cũng tức là góp phần tạo nên một thị trường hội họa.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hội nhập với trị trường tranh thế giới, vì lẽ: Hoạt động của các gallery không chuyên nghiệp. Bản thân chủ gallery chưa am hiểu hết về nghệ thuật, không có con mắt xanh phát hiện họa sĩ, thiếu năng lực thẩm mỹ nhất định... Nhiều gallery đặt yếu tố thương mại lên trên hết. Điều này không xấu, nhưng đôi khi, vì lợi nhuận, chính các họa sỹ đã chủ động làm hàng chợ, hàng giả, nhái lại chính mình theo yêu cầu của chủ gellery.

Một điều lập lờ, nhập nhèm nữa, ngay Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia cũng công khai treo tranh phiên bản mà không có chú thích. Trưng bày tranh phiên bản, dị bản là điều bình thường. Nhiều bảo tàng trên thế giới cũng làm thế. Vấn đề là, họ luôn kèm theo chú thích. Nghệ thuật cần phải rành mạch, không thể lẫn lộn.

PV: Vậy theo ông, nạn tranh giả đã được manh nha từ hệ thống gallery nghệ thuật đang ngày một nhiều lên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Cũng có thể nói như thế. Lâu nay chúng ta đã không có được sự sòng phẳng từ ngay chính Bảo tàng, nên chuyện làm tranh giả bên ngoài thị trường không có cách gì cứu vãn được. Bây giờ Việt Nam đã có thị trường hội họa. Tiếc rằng chúng ta chưa quản lý được hệ thống gallery, hệ thống này đang bị thả nổi.

Từ kẽ hở đấy, nhiều gallery lẳng lặng làm tranh giả không những của tác giả được tôn vinh danh họa, mà còn làm giả cả tranh của các họa sĩ đương đại đang ăn khách. Đây có thể coi là bi kịch của nền hội họa Việt Nam thời kỳ mở cửa.

PV: Thưa ông, điều này có làm ảnh hưởng đến giá trị của hội họa Việt Nam trên thị trường quốc tế? Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến  thời gian qua, tranh của các họa sỹ trong nước đã bị mất giá trầm trọng trên các sàn đấu giá quốc tế?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Chắc chắn rồi. Nạn tranh giả đã phản tác dụng. Điều đó làm hỏng hình ảnh, làm mất đi sự thiện cảm của quốc tế đối với hội họa Việt Nam. Nhiều người ngại mua tranh Việt Nam, vì họ luôn nhận được cảnh báo tranh giả. Nhiều người ưa thích hội họa muốn sưu tầm tranh Việt Nam cũng e ngại vì không biết lấy ai ra bảo đảm rằng tranh họ mua là tác phẩm nguyên bản duy nhất.

Có một số họa sĩ trẻ vẽ được một bức tranh tâm đắc, thấy đắt khách, lại vẽ lại thêm 4-5 bức nữa giống y hệt, rồi gửi bán tại nhiều gallery khác nhau. Vì thế, tranh Việt Nam ngày một mất giá trên thị trường quốc tế là lẽ đương nhiên. Ngay tại cuộc triển lãm ở Singapore gần đây, tranh của Việt Nam cũng đã bị đẩy ra ngoài.

PV: Thưa ông, việc phân biệt tranh thật, tranh giả là khó đối với công chúng thông thường, kể cả du khách nước ngoài yêu mến hội họa Việt Nam. Nhưng ông có thể lý giải, tại sao một hãng đấu giá uy tín bậc nhất như Sotheby's với đội ngũ chuyên gia thẩm định có trình độ lại vẫn bị lọt tranh giả như thường? Đây là chúng tôi muốn nói đến trường hợp họa sỹ Bùi Thanh Phương đang có ý định phát đơn kiện Sotheby's vì đã có cuộc đấu giá bán tranh giả của cha mình, danh họa Bùi Xuân Phái?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Ngay từ những năm 1980, tôi đã cảnh báo về hiện tượng làm giả tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Trong giới hội họa, một điều mà hầu như ai cũng biết, là đã có những người làm giả tranh của cụ Phái để bán ra nước ngoài. Tranh giả còn xuất hiện nhiều ở cả trong những quyển sách mỹ thuật về cụ Phái. Truyền hình cũng giới thiệu tranh giả của Bùi Xuân Phái. Mình đã chủ động làm tranh giả để bán cho người nước ngoài rồi, nên có thể họ tin nên không thẩm định nữa.

PV: Vậy theo ông, nếu có được bằng chứng về chuyện chủ động làm tranh giả bán ra thị trường của một số cá nhân ở trong nước, phía nước ngoài có thể kiện ngược lại mình?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Họ hoàn toàn có thể thực hiện điều đó.

PV: Biết được đã mua phải tranh giả sẽ là một sự xúc phạm lớn đối với các nhà sưu tầm nước ngoài?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Chắc chắn đó sẽ là sự xúc phạm lớn. Việc họ có kiện và đòi lại tiền hay không là quyền của họ. Họ có quyền làm như vậy. 

PV: Tức khởi kiện Sotheby's không hẳn đã là một điều hay?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Theo tôi mọi người cần phải cân nhắc vì sự việc không chỉ đơn giản thế. Nó có thể sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, mà mình không tiên lượng được.

PV: Làm tranh giả cũng cần phải được xếp vào tội sản xuất hàng giả và có những chế tài xử lý nghiêm khắc, thưa ông?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Còn trầm trọng hơn tội làm hàng giả nhiều chứ. Ví như một cuốn sách của danh họa Bùi Xuân Phái mà có nhiều tranh giả, sau này con cháu thưởng thức, sẽ bị ảnh hưởng, vì chúng không có thể phân biệt, so sánh, đối chiếu.

Cái mỹ cảm đầu đời của trẻ em đã bị ô nhiễm bởi nghệ thuật giả. Đáng nhẽ trước những sự việc như thế này, các nghệ sỹ phải tự giày vò, dù sách có in đẹp đến đâu, nhưng bên trong tranh giả thì phải biết buồn, biết tủi hổ. Điều này không thể được phép, nó đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

PV: Thưa ông, thị trường hội họa mới thực sự phát triển rầm rộ trong gần 20 năm trở lại đây. Vậy từ đó đến nay tại sao các cơ quan quản lý nhà nước không phối hợp trong việc xử lý nạn tranh giả, tranh nhái?

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Tôi nghĩ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có đi kiểm tra nhiều. Nhưng đâu lại vào đấy, vì chúng ta chưa được hỗ trợ bởi công cụ pháp luật cụ thể. Hơn nữa, cũng chưa xử lý được vụ việc nào động trời, động đất về vấn nạn làm tranh giả, nên chưa có sức răn đe dù là điều ai cũng biết.

PV: Trân trọng cảm ơn họa sỹ Lương Xuân Đoàn

H. Sen - T. Huyền (thực hiện)
.
.
.