Tràng An hay Trường Yên trong hai câu ca dao cổ?

Thứ Sáu, 08/08/2008, 17:12
Tôi thấy thú vị khi đọc bài Thêm một cách hiểu hai câu ca dao về Hà Nội của tác giả Hồng Thái in trên Báo CAND. Bài báo đưa ra một giả thuyết và luận giải để minh chứng cho giả thuyết đó của mình. Hai câu ca dao cổ về Hà Nội trở nên đa nghĩa hơn và có hoàn cảnh khác hơn với cách hiểu thông thường.

>> Thêm một cách hiểu hai câu ca dao về Hà Nội

Tác giả viết bài này đã đặt vấn đề khác đi về xuất xứ của hai câu ca dao cổ mà lâu nay ai cũng bảo là của Hà Nội và nói về người Hà Nội:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Theo tác giả thì giả thuyết cho rằng: Khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long dẫn theo cả triều đình và một bộ phận dân cư tinh tuý nhất từ Hoa Lư chạm vào đất Đại La, ngay từ đầu đã gặp sự quan sát, so sánh, đánh giá của cư dân Thăng Long.

Rất có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng như không "hào hoa", không "thanh lịch" chẳng hạn. Vì thế mà rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng lại bằng câu: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Tràng An ở đây hiểu theo từ đồng nghĩa là Trường Yên.

Xưa nay đô chủ bao giờ cũng là nơi tụ hội của những tinh hoa, hào kiệt. Các bậc trị vì từ muôn đời nay bao giờ cũng mong muốn hai chữ bình yên làm nguồn hưng thịnh đầu tiên cho cơ nghiệp của mình. Tôi nghĩ người từ Hoa Lư theo vua ra Đại La lúc ấy khi đô cũ đã đổi tên thì cái tên ấy nghiễm nhiên thành tên gọi miền gốc gác của họ khi họ đặt bước chân đầu tiên lên phố phường mới.

Cũng rất có thể trong con mắt của người Đại La lúc ấy khi nhìn người Trường Yên ra với nhãn quan một vùng phố thị có thâm niên để nhìn nhận, cân đo người vừa xứ núi mới về chăng? Điều này cũng rất có thể. Trường Yên là đô cũ của ba triều vua thật nhưng bề dày của đô thị đâu bằng được Đại La nơi có phẩm chất phố cách đó hàng bao nhiêu năm. Đây là cách suy ra theo tâm lý đời thường dễ hiểu tuy không có văn tự để soi chiếu.

Nếu giả thuyết này có lý thì đây là cách người Trường Yên đã  tự hào rằng mình từng là thần dân nơi đô chủ của ba triều vua ở Trường Yên, cũng hoa nhài như thể hoa nhài và thanh lịch như thể người thanh lịch.

Một sự đối lý, đối tình nhã nhặn và có phần đáo để. Và hai câu ca dao kia có thể là của người Trường Yên Hoa Lư nói với người Thăng Long Đại La lắm chứ. Tôi lại thử hỏi thêm cái tên Trường Yên hay Trường An ấy là Hoa Lư có trước hay Thăng Long có trước. Tìm được câu trả lời này ta sẽ thêm một lần rõ hơn về xuất xứ của hai câu ca dao cổ mà lâu nay mọi người mặc nhiên coi là sản phẩm tinh thần mang tính dân gian đúc kết của người Thăng Long - Hà Nội.

Còn nói hai câu ca dao ấy là của người Tràng An cũng là một dĩ nhiên mà ai cũng thừa nhận. Lâu nay hai câu ca dao cổ ấy đã thuộc nằm lòng người Hà Nội khi tự giới thiệu về mình. Hai câu ca dao giàu nhân cách và đầy niềm kiêu hãnh. Hoa nhài đồng nghĩa với hương thơm, với vẻ đẹp của con người. Tràng An nơi trung tâm của trời đất một quốc gia đồng nghĩa với hào hoa Thanh Lịch. Những công dân của đô chủ một nước phải là thế và phải như thế để xứng danh là  nơi tinh hoa tụ hội của quốc gia.

Tôi nghĩ hai câu ca dao này có thể hiểu theo giả thuyết của tác giả bài báo cũng có thể hiểu theo cách nghĩ phổ thông của người Thăng Long Hà Nội lâu nay. Cái hay là ở đây. Sự ý nghĩa của nó cũng là ở đây. Tràng An hay Trường Yên chỉ là một. Sự yên bình dài lâu của một vùng đất, nhất là khi vùng đất ấy lại thuộc vào đất Kinh đô, bao giờ cũng là ước vọng của những nhà lập pháp và hành pháp. Phẩm chất hoa nhài trong cốt cách thanh lịch của con người là hai giá trị tạo nên vẻ đẹp của một vùng đất.

Người Trường Yên có thể có câu ca dao đó, nên có và người Tràng An hôm qua và hôm nay, cả mai sau nữa lại càng xứng đáng là chủ nhân của sản phẩm tinh thần cao quý đó khi  mà nghìn năm nay nơi này đã là kinh đô bậc nhất của đất nước

Phan Quế
.
.
.