Tôn vinh “Một hôm núi khóc” của cố thi sĩ Phạm Phú Hải
Ông đã đi xa ngay khi tác phẩm "Một hôm núi khóc" vừa được hoàn thành để gửi dự thi. Tại lễ trao giải, những người có mặt đã dành một phút để tưởng niệm nhà thơ quá cố. Càng xúc động hơn nữa khi tên của ông được xướng lên, là tác giả giành giải thưởng duy nhất 30 triệu đồng của Bách Việt.
Nhà thơ Phạm Phú Hải sinh năm 1950 tại Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng
ưThơ Phạm Phú Hải, như nhận xét của nhà thơ Ý Nhi, là đạt đến sự tự do tuyệt đối, vì ông "không mấy quan tâm đến hình thức. Ông chỉ cốt sao nói lên được điều mình muốn nói. Trong ngôi nhà cổ điển của thơ ngụ ngôn, thất ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú, ông đã bày ra thế giới Phạm Phú Hải - thế giới được phát sáng bởi chính tâm hồn ông".
Cả đời mình, thi sĩ Phạm Phú Hải chưa in một tập thơ nào. Ông cũng không tự lưu giữ được những bản thảo thơ của mình. Bạn bè ông gom lại thành 3 tập thơ đánh máy chữ. Tập "Một hôm núi khóc" được giải thưởng Bách Việt năm nay của Phạm Phú Hải cũng là do bạn bè tập hợp gửi dự thi. Hồn thơ Phạm Phú Hải là một hồn thơ u uất nhưng giàu nhạc điệu, giàu mỹ cảm.
Những câu thơ lúc nào cũng muốn bay lên, thoát khỏi cảnh trần gian tục lụy, hướng tới miền viên miễn của tự do, bay bổng. "Một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/ Không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm/ Tôi đang sống/ Trong mùa và phương không tên gọi đó".
Giống như người "gánh thời gian lên núi" tìm sự an nhiên, vĩnh hằng trong trời đất, Phạm Phú Hải có nhiều câu thơ khiến người đọc giật mình. "Những con bướm đã chết đang sự hãi/ Đã chết vào mùa thu/ Đang sợ hãi trong trí tưởng tượng của tôi/ Như thể tôi là con bướm/ Đã chết vào mùa thu...". Phạm Phú Hải mất ngày 6/5/2009 sau một cơn tai biến tại Quảng
Được phát động từ tháng 4 năm 2008, giải thơ Bách Việt 2009 đã nhận được 400 tác phẩm dự thi. Ban giám khảo gồm các nhà thơ Giáng Vân (Trưởng ban thẩm định - Hà Nội), Thi Hoàng (Hải Phòng), Nguyễn Bình Phương (Hà Nội), Ý Nhi (TP Hồ Chí Minh), Phùng Tấn Đông (Quảng Nam) đã lựa chọn được 5 gương mặt tiêu biểu ở những lứa tuổi khác nhau, với những phong cách khác nhau.
Nhận xét của nhà thơ Ý Nhi: "Sự day dứt thâm trầm của Tuệ Nguyên, sự mãnh liệt, bứt phá của Khánh Phương, nỗi chua xót nhẹ nhàng của Đồng Chuông Tử, vẻ tinh tế của Đỗ Trọng Khơi và trí tưởng tượng kỳ lạ của Phạm Phú Hải đã đem lại một giá trị đặc biệt cho giải thơ Bách Việt 2009".
Trong tình hình văn học nhiều trầm lắng, nhất là ở mảng thơ những năm qua, thì việc một công ty tư nhân như Bách Việt tham gia vào việc cổ vũ và vinh danh thơ và người làm thơ là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Sau 2 mùa trao giải, Bách Việt đang dần trở thành một thương hiệu giải thưởng có uy tín, là nơi để những người làm thơ cả nước có thể tin cậy trao gửi đứa con tinh thần của mình.
Với mục tiêu hướng đến những giá trị nhân bản và sáng tạo, ưu tiên những giọng thơ mới, phong cách mới, khám phá mới, Bách Việt đã phát hiện được một vài gương mặt thơ xuất sắc mà Phạm Phú Hải là một ví dụ. Năm ngoái giải thơ Bách Việt được trao cho tác giả Trần Tuấn (Đà Nẵng) với tập thơ "Ma thuật ngón".
Trong lễ trao giải thơ Bách Việt lần thứ 2, ông Nguyễn Thanh Huy, Giám đốc Công ty Bách Việt thông báo, giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ 3 sẽ kéo dài trong 2 năm 2010 và 2011. Thời gian nhận bản thảo bắt đầu từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 30/11/2011.
Ông Nguyễn Thanh Huy cũng bày tỏ rằng, giải thưởng Bách Việt sẽ luôn trung thành với tiêu chí ban đầu của mình, là làm "bà đỡ" cho các sáng tác mới của các tác giả, với một ban giám khảo làm việc nghiêm túc chỉ có một mục tiêu duy nhất là tôn vinh người làm thơ và thơ ca đích thực