Tiếp tục khẳng định đóng góp to lớn của đại thi hào Nguyễn Du

Thứ Tư, 29/07/2015, 10:12
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học mang tên “Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều”.

Đây là hội thảo thứ ba về Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam kết hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, hướng tới kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) vào tháng 11 tới.

Tại hội thảo, Giáo sư Phong Lê, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiều học Việt Nam nhấn mạnh: Việc khẳng định tư cách đại thi hào cho Nguyễn Du và kiệt tác cho “Truyện Kiều” tại hội thảo này là việc làm không mới nhưng nhưng vẫn rất cần thiết, bởi với Nguyễn Du, các giá trị mà ông để lại cho nhân dân theo thời gian càng ngày càng tỏa sáng.

Vào năm 1965, đúng dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du đã được Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh. Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 của UNESCO vào tháng 11/2013, đã chính thức ra nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.

Lễ vinh danh đại thi hào sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới vào năm nay, nhân dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh của ông.

Cùng với Nguyễn Trãi (năm 1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Nguyễn Du (năm 2015) là một trong 3 danh nhân văn hóa Việt được UNESCO tôn vinh. Năm 2015, dân tộc Việt Nam, công chúng Việt Nam, các giới sáng tác, nghiên cứu văn chương, học thuật Việt Nam lại cùng nhau tìm đến những giá trị chung có tính phổ quát của nhân loại và những giá trị riêng thuộc đỉnh cao trong sáng tác của thiên tài Nguyễn Du, để tiếp tục gìn giữ, bồi đắp các giá trị dân tộc của văn hóa, văn hiến Việt Nam.

"Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay đã có trên 30 bản dịch tác phẩm này ra khoảng 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc... Từ “Truyện Kiều” còn xuất hiện nhiều sản phẩm văn hóa Kiều: bói Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều...

PV
.
.
.