Thùy Giang - Niềm thơ khắc khoải
Tôi biết Thùy Giang từ hơn 20 năm trước, khi chúng tôi cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ Văn học Trẻ Hà Nội. Giang khi đó là một nữ sinh Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ, đang độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Giang khiến tôi ngưỡng mộ với những bài thơ, truyện ngắn đăng báo, đạt Giải ba thơ Tuổi Xanh năm 1994 và Giải nhất truyện ngắn tạp chí Sinh Viên (Hoa Học Trò) năm 1995. Khi Giang xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Tầm xuân nở muộn” (NXB Trẻ, năm 1998), tôi cứ tiêng tiếc sao bạn không đầu tư cho thơ?
Hai tác giả Thùy Giang và Tác Anh trong lễ ra mắt "Tình thơ cho người" tại Hà Nội. |
Bẵng đi một thời gian, khi tình cờ tôi đọc thơ của Thùy Giang trên mạng, tôi lại lặng lẽ theo em. Vẫn thấy thơ em đan xen những cảm xúc, khi mãnh liệt, khi dằn vặt, giằng xé. Và khi đọc “Tình thơ cho người”, tập thơ của Giang với ảnh của Tác Anh, do NXB Văn học ấn hành tháng 1-2015, những suy nghĩ về thơ Giang trong tôi như được kiểm nghiệm sâu sắc hơn.
Dễ thấy thơ Thùy Giang luôn chuyển động, không muốn đứng yên. “Tình thơ cho người”, ghi dấu những địa danh trải dọc dài đất nước, từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội, đến TP Hồ Chí Minh, ra tới Côn Đảo... Nhưng sự chuyển động như sự chủ đạo của thơ Giang là chuyển mùa, chuyển từ trong ký ức, từ lòng người:
“Anh đi rồi Hà Nội vẫn còn thu
Hoa sữa thổi vào lòng em hương nhớ
Em một mình lang thang nơi ngõ nhỏ
Heo may buồn tha thiết nhớ người dưng”
(Hà Nội bây giờ)
Thơ Thùy Giang đằm thắm, gợi nhiều về ký ức, và ký ức của Giang cũng không thụ động:
Em nhớ mùa thu dạo những phố đêm
Heo may lùa thiết tha trong tóc
Nhớ người dưng, em len lén khóc
Nào đã kịp hò hẹn gì đâu
(Hà Nội bây giờ)
... Tháng Bảy em trốn mưa ngâu
Trốn em những ngày hoài nhớ
Vẫn nghe như là hơi thở
Nồng nàn, ấm áp vành tai
(Tháng bảy)
Cũng như những nhà thơ nữ, trái tim Thùy Giang nhạy cảm, trước mùa, trước sự đổi thay. Đó vốn là thế mạnh của phụ nữ, và Giang đã phát huy hiệu quả thế mạnh đó:
Buồn vui gì em cũng khóc
Nhưng mà thương nhớ nhiều hơn
(Đêm)
Vẫn biết một điều dưới thăm thẳm biển sâu
Là muôn vàn con sóng ngầm cuộn chảy.
(Em đừng khóc)
Đọc những bài thơ với những tiêu đề “Ru anh”, “Nhạy cảm”, Hờn giận, Bối rối, Tháng chín tự tình, Đêm... dễ nhận thấy những tâm tình, những nghĩa suy rất Thùy Giang, mà cũng chung như bao phụ nữ.
Đông đảo bạn đọc tới dự lễ ra mắt tập thơ tình của hai người đang yêu |
Thùy Giang viết nhiều về mùa thu, mùa dễ làm lòng người xao xuyến. Nhưng mỗi lần nhắc đến mùa thu là mỗi lần khác, là những tâm trạng giằng níu, khắc khoải, tiếc nuối, buồn đau, nhưng Giang không tự lòng buông xuôi.
Hay nhẹ như một hơi thở
Mưa thu rả rích rơi buồn?!
(Nhớ)
Em có giận hờn hay trách móc gì đâu
Bởi dù có thế nào thì mùa thu vẫn nồng nàn hoa cúc
Bởi ngày mai thế nào làm sao ai biết được
Gió heo may vẫn xao xác đường về.
... Giữ mãi mùa thu nồng nàn hoa sữa
Cũng chẳng còn chờ một ngày người gõ cửa
Mặc kệ hiên nhà em vàng lá thu về.
(Lời cuối)
- Em tự hỏi anh ở đâu trong vạt nắng vàng kia?
Lá héo úa bởi mùa thu đã hết?
Gió vô tình chênh chao trên bậu cửa ...
Em cứ ngẩn ngơ chờ một tiếng bước chân…
(Em yêu anh)
Có hai mùa được nhắc đến nhiều trong “Tình thơ cho người”. Nếu như hình ảnh mùa Thu đậm nét, thì mùa Đông trong Giang cũng sâu sắc lắm:
Cứ đợi chờ đi em rồi đông cũng sẽ qua
Cây cựa mình đâm chồi nảy lộc mới
Những đắng cay bỗng hoá lời dịu ngọt
Em tự ru mình trên nửa đoạn đường sau
(Mùa đông về phố)
Viết thơ tình, “dành cho người đã từng đi qua đời em” như tác giả thổ lộ, nhưng Thùy Giang vẫn gửi vào thơ những trải nghiệm sống. Giang cho rằng, cuộc đời, hạnh phúc như người đi lên chuyến xe cuối cùng:
Hãy lên chuyến xe cuối cùng nhau để ngày thôi
không dài lê thê
Đêm ngắn lại trong tay nhau ấm áp
Mắt đã chân chim, tóc đã đốm bạc
Và yêu thương chẳng cần nói thành lời
Bỏ lại sau lưng những ngày tháng rong chơi
Bao chuyến xe qua, bao sân ga đã đến
Mà chưa từng để lại lời ước hẹn
Mình vẫn bên nhau ở cuối con đường…
(Chuyến xe cuối)
Chiêm nghiệm, nhưng tâm sự của Giang qua thơ đầy nữ tính:
Có một mùa đi qua phố
Chảy rơi những giọt nắng vàng
Em qua nắng lùa trong tóc
Thương người dưng đến nhói lòng.
...Em giờ về thương lá cỏ
Chênh chao dưới nắng chiều tàn.
(Với mùa...)
Trải qua những nỗi đau, sự tan vỡ, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình, song thơ Thùy Giang vẫn chan chứa sự bao dung:
Về đi anh, kẻo trời đang tối mau
Nhớ quàng khăn vì trời trở gió
Em chẳng trách cứ đâu khi mình không duyên nợ
Mùa đông đến rồi, nhớ mặc ấm nhé anh.
(Mùa đông về phố)
Và sự khát khao, dù đó là rất giản dị:
Muốn được nắm tay anh qua những ngày thật êm
Chỉ là ánh mắt dịu dàng tìm nhau mỗi sáng
Chỉ là những vòng tay chợt siết thêm nhè nhẹ
Bình dị qua ngày- bình dị có nhau…
(Muốn)
... Ngủ đi anh
Sẽ bình minh
Và em sẽ đợi
Ngày mình nắm tay
Mắt môi rồi sẽ đắm say
Mình dắt nhau giữa ngất ngây
Trọn tình…
(Ru anh)
Và:
Em chỉ ước mơ hạnh phúc giản dị thôi
Được nắm tay anh mỗi chiều mỗi sáng
Được ngồi bên nhau dưới bóng chiều sắp rạn
Nghe tim mình chầm chậm gõ nhịp vui
(Em ước)
Và thấy trong thơ Thùy Giang là sự khắc khoải:
Em đợi chờ gì ở phía cuối mùa thu?
Khi chiếc lá cuối cùng sắp rụng
Lá có mang được tình em sâu nặng
Theo gió bay về cuối phương trời?
(Đợi)
... Tháng 4- người về hư không
Bỏ em đôi bờ thương nhớ.
(Tháng tư)
"Tình thơ cho người" được đánh giá là tập thơ giàu cảm xúc và nhiều trăn trở của một thế hệ đã trưởng thành nhưng không già nua. |
Đọc “Tình thơ cho người”, tôi nghĩ có nhiều người thích. Ở đó, người đọc nhận thấy sự chú ý sáng tạo của Giang:
Thương em môi mắt nát nhàu
Chờ người
Về những ngày sau
Héo gầy
Thương em
Lá đổ chân mây
Thương em
Thương một đời dài
Chờ ai…
(Đợi người)
Hay:
Yêu như là mắt nắng
Rạng rỡ giữa trưa hè
Thêm một lần thắp lửa
Trái tim bớt lạnh chưa?
(Mơ hoa)
Đọc những câu thơ thế này, chỉ có thể mỉm cười:
Thu giấu em vào những sợi tóc mây
Nỗi nhớ giấu em vào chiều nhạt nắng
Em giấu người dưng vào tim thầm lặng
Chỉ em và thu Hà Nội biết thôi.
(Anh về đi)
Gần 70 bài thơ trong tập, dù không đề thời gian, nhưng tôi biết là sự tập hợp những sáng tác của Giang gần 30 năm qua, nên những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vì thế, dễ hiểu có những bài chưa thật chín, tứ thơ, câu thơ trùng lặp, nên hạn chế sự lan tỏa cho “Tình thơ cho người”. Song tôi tin rằng, Thùy Giang sẽ đi tiếp trên con đường thơ, như sự mong đợi thành công của tôi, của bạn đọc về Thùy Giang.