Thu tiền bản quyền nhạc trực tuyến: Người sử dụng cũng được lợi

Thứ Sáu, 24/08/2012, 13:46
1.000 đồng cho 1 bài hát, con số thực nhỏ bé so với nhu cầu được thưởng thức một tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa dài lâu. Việc bắt tay cam kết thực hiện chống xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực ghi âm sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng.
>> Người tải nhạc trực tuyến hết “xài chùa”?

Theo công bố thỏa thuận của MV Corp, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) với 5 đơn vị phân phối nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay: Zing, Nhacuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info, từ ngày 1/11/2012 sẽ đồng loạt tiến hành thu phí người tải nhạc với mức dự kiến 1.000 đồng/bài hoặc thu thuê bao theo tháng. Đây là bước khởi đầu thắng lợi cho cuộc chiến chống hành vi xâm phạm bản quyền. Nhưng, chớ vội cả mừng, đặc biệt là người sử dụng...

Thực tế, cũng như câu chuyện ồn ào từng gây tốn khá nhiều giấy mực trước đây không lâu về quyền tác giả, việc phải trả tiền cho đơn vị, cá nhân có bản quyền về ghi âm các tác phẩm là chuyện đương nhiên song đã, đang bị các website và đơn vị dịch vụ nhạc trực tuyến phớt lờ. Số tiền lẽ ra buộc phải chi trả thực không nhỏ, nhất là với các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm được yêu thích song ngại đụng chạm, “yên phận thủ thường” lâu nay.

Bắt tay cam kết thực hiện chống xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực ghi âm sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng.

Thử làm một phép tính nho nhỏ như nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp sẽ thấy. Nữ nhạc sĩ cho biết chị có khoảng 400 tác phẩm. Ở các đài phát thanh, truyền hình chỉ trả vài trăm đồng cho mỗi lần phát sóng. Các nơi khác cũng tương tự. Nhưng, “góp gió thành bão”, đến nay, mỗi tháng chị được chi trả khoảng 10 triệu đồng. Nay, bản quyền ghi âm tiếp tục được chi trả, những người bỏ công sức, tiền của đầu tư cho tác phẩm như chị không thể không mừng. Nữ nhạc sĩ là một trong số các hội viên đã ủy quyền cho RIAV, đương nhiên được MV Corp trả tiền như cam kết từ nay đến hết 3 năm tới.

Việc các website và đơn vị dịch vụ âm nhạc trực tuyến thu tiền của người tham gia tải nhạc là tất nhiên. Thế nhưng, thử lướt qua một loạt các website sẽ thấy, những tác phẩm nằm ngoài danh mục 43.000 tác phẩm nói trên, các tác phẩm âm nhạc nước ngoài vẫn chiếm phần nhiều. Nếu thu phí 1.000đồng/1 lần tải thì số tiền này rơi vào túi ai? Có thực sự được chi trả cho người lẽ ra phải được hưởng?

Với các sản phẩm âm nhạc phi thẩm mĩ, thuộc dạng “nhạc thảm họa”, nói theo cách của nhạc sĩ Trần Long Ẩn là “rác âm nhạc” vẫn xuất hiện nhan nhản trên các website lâu nay thì quản lý ra sao? Cũng cần phải nói thêm rằng, theo số liệu của ngành nhạc số Việt Nam, hiện nay, có đến 25 triệu người nghe nhạc trên Internet, 6.000 người nghe nhạc trên điện thoại di động. Và, không phải tất cả số người sử dụng dịch vụ đã, đang chiếm hơn 1/3 lượng dân số Việt Nam hiện nay đều là những người trưởng thành, trả phí sử dụng bằng tiền do chính họ lao động, nếu không muốn nói hàng triệu người sử dụng trong số đó là những cô, cậu hoàn toàn sử dụng tiền của cha mẹ với 1.000 đồng/1 lần tải nhạc.

Con số thực nhỏ bé so với nhu cầu được thưởng thức một tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa dài lâu. Sẽ thật có ý nghĩa nếu người sử dụng trả phí để được thụ hưởng những sản phẩm tốt hơn. Nhưng sẽ thật vô nghĩa và phi lý nếu việc thu phí đánh đồng tác phẩm âm nhạc thực thụ với “rác âm nhạc”, thứ sản phẩm vốn chỉ là chiêu trò để trục lợi, làm nổi tên tuổi, phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận trong xã hội song không phải không đủ sức “dụ” những thượng đế nhí móc hầu bao của các phụ huynh mà chi trả

PV
.
.
.