Thời khắc lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945: Mảnh đất phong phú cho văn học, nghệ thuật sáng tạo
Hình tượng Hồ Chí Minh với sự hy sinh vô bờ cho dân tộc đã đi vào điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và văn học v.v... khá nhiều. Trên sân khấu, đã có vở kịch "Đêm trắng" (tác giả Lưu Quang Hà), vở chèo "Những vần thơ thép" (Trần Đình Ngôn), mới đây là tác phẩm âm nhạc "Lời Người lời của nước non" v.v… và đều giành được các giải thưởng. Trong âm nhạc cũng có hàng trăm ca khúc về Người: "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (Văn Cao), "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (Lưu Hữu Phước), "Người là niềm tin tất thắng" (Chu Minh). Ở mảng hội họa, đã có rất nhiều bức vẽ về Bác và đã có ít nhất bốn bức vẽ bằng máu về Người.
Trong điện ảnh, cũng đã có một số phim truyện khai thác hình ảnh Bác Hồ: “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân) kể về thời gian Bác Hồ cùng gia đình sống và học tập ở Huế, rồi vào Sài Gòn tìm cách ra nước ngoài tìm đường cứu nước. “Hà Nội Mùa Đông 1946" (đạo diễn Đặng Nhật Minh) lại chú trọng vào thời khắc quan trọng trong lịch sử Hà Nội là những ngày cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Trước những nhân nhượng của chính phủ Việt Nam, Pháp vẫn quyết dùng vũ lực, để rồi, kết quả là 9 năm chiến tranh với biết bao nhiêu xương máu của cả 2 bên.
Phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi - Viên Thế Kỷ) kể về một trong hai vụ án điển hình của phong trào cộng sản quốc tế thời kỳ 1930-1940: thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc, giao cho thực dân Pháp ở Ðông Dương xét xử.
“Vượt qua bến Thượng Hải” (đạo diễn: Triệu Tuấn - Phạm Đông Vũ) là câu chuyện tiếp nối cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông đến Thượng Hải để tìm đường sang Liên Xô.
Cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”. |
“Nhìn ra biển cả” (đạo diễn: Vũ Châu) là chuyện về Nguyễn Tất Thành khi từ một học sinh Quốc học Huế, do tham gia biểu tình chống sưu cao thuế nặng, đã bị buộc thôi học và bắt đầu dấn thân vào một cuộc sống mới.
Có thể nói, nhiều giai đoạn trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được văn học, nghệ thuật soi rọi, làm sáng lên những phẩm chất cao quí ở vị lãnh tụ. Tuy nhiên, thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, cũng như những năm tháng Người hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thì hầu như chưa được văn học, nghệ thuật tập trung khai thác.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, nổi bật mới có bức tranh Bác Hồ viết Tuyên ngôn Ðộc lập của họa sĩ Hoàng Hoa Mai - một trong những nghệ sĩ đã có nhiều sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2012, bức "Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình" của nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh (xã Liên Bão, Bắc Ninh) đã ra đời sau 20 năm ấp ủ ý tưởng. Bức chân dung có kích thước 1,93m x 1,38m, được chế tác từ hơn 300 mảnh trai, ốc và đồng này lập tức đã được công chúng hào hứng đón nhận v.v…
Còn trong điện ảnh, đây cũng là một đề tài hay, nhưng mới có bộ phim tài liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn, ra đời năm 1975. Trong phim có 5 phút phim tư liệu vô cùng quý giá ghi lại giây phút tuyên bố độc lập của Hồ Chủ tịch trong không khí sôi động của buổi lễ đặc biệt này tại Quảng trường Ba Đình. Nhưng cho đến nay, tác giả của những thước phim này vẫn là điều bí ẩn.
Theo nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam - đang là nơi sản xuất nhiều nhất phim về Bác Hồ, cho biết: Thời gian trước, tiếp cận các tài liệu về buổi lễ lịch sử này không dễ. Hơn nữa, để dựng lại buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập với hàng nghìn người dự như hôm 2/9/1945, là một điều không dễ dàng. Những yếu tố khách quan đó khiến chưa nhà làm phim nào đi sâu về vấn đề này, dù ai cũng hiểu, khai thác thời khắc mang ý nghĩa lịch sử đối với vận mệnh cả dân tộc sẽ có nhiều điều lý thú và hấp dẫn, đặc biệt là những điều Người khẳng định trong Tuyên ngôn.
Song, chính vì sự hiếm hoi đặc biệt đó mà tới đây, Hãng phim Hội Nhà văn dự kiến sẽ dàn dựng bộ phim “Ý chí độc lập” (tác giả Nguyễn Xuân Hưng) về đề tài này. Đây cũng là kịch bản đã được nhận giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí xuất sắc đợt 1 năm 2013 về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo TW.
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, một cây bút có nhiều tác phẩm viết về Hồ Chủ tịch, trong đó, có tiểu thuyết “Cha và con” từng giành nhiều giải thưởng, chia sẻ: Để có dấu mốc lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, có nhiều sự kiện liên quan, đã được ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, kể lại: Từ ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 30/8, Người mời một số đồng chí ở TW Đảng đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 31/8, Hồ Chủ tịch bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập, đồng thời, hỏi Ban tổ chức về tình hình chuẩn bị ngày Lễ Độc lập. Vì thế, khai thác vấn đề này sẽ rất hấp dẫn. Nhưng cho đến nay, chưa có tác phẩm văn học nào chuyên sâu về thời khắc trọng đại này của Bác, kể cả nhà văn Hồ Phương với các cuốn sách “Những cánh rừng lá đỏ”, “Điện Biên phủ” có đề cập đến mối quan hệ của Bác Hồ với bộ đội ở các chiến dịch thời kháng Pháp, nhưng cũng chưa có tác phẩm nào đề cập đến ngày Bác đọc Tuyên ngôn. Theo nhà văn Hồ Phương: Có lẽ vì những vấn đề thời sự lớn lao của đất nước cuốn đi, đặc biệt là khi đó, điều kiện tiếp cận với các tài liệu gốc về buổi lễ gần như không có.
Nhà văn Hồ Phương cũng hồ hởi: Vấn đề mà Báo CAND đặt ra thật thú vị, sẽ là gợi ý cho tôi để viết tiếp phần sau của “Cha và con”. Điều này là khả thi, vì “Cha và con” là về quãng đời niên thiếu của Bác Hồ, thì nay sẽ là giai đoạn trưởng thành trong cách mạng của Người. Hơn nữa, việc viết về lãnh tụ hiện cũng được sáng tạo khá thoải mái, chứ không lo phải hoàn toàn “sao chép” như viết sử