Thơ Dương Kiều Minh - Bài học quý cho nhiều nhà thơ trẻ

Thứ Bảy, 19/05/2012, 13:55
Dương Kiều Minh đã sống thực sự rất khiêm nhường, xa lánh mọi ồn ào phô trương, tìm và giữ lấy một góc dịu dàng riêng. Và chỉ để thơ ca lên tiếng. Riêng điều này thôi, ông đã vô tình trở thành một bài học quý cho rất nhiều nhà thơ trẻ hôm nay.

Ngày 16/5, tại Khoa Viết văn- Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra hội thảo văn học với chủ đề “Dương Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại”. Nhà thơ Dương Kiều Minh, SN 1960, tại Mê Linh - Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, được nhắc đến như là một trong những nhà thơ cách tân hàng đầu của thời kỳ đổi mới. Ông mất ngày 28/3/2012 vì bệnh trọng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận và phát biểu của  các nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Đỗ Ngọc Yên, Văn Chinh... đã đánh giá cao những đóng góp của Dương Kiều Minh trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Hội thảo còn thu hút nhiều bạn đọc, sinh viên và những người yêu mến, quan tâm đến nhà thơ xứ Đoài này.

Những tập thơ “Củi lửa”, “Dâng mẹ”, “Những thời đại thanh xuân”, “Ngày xuống núi”, “Tựa cửa”, “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận”, “Khúc chuyển mùa”… đã tạo nên tầm vóc Dương Kiều Minh - một nhà thơ khắc khoải với cuộc đời, không ngừng tìm kiếm những giá trị mới trên nền tảng của truyền thống phương Đông, 29 tuổi, đã vẽ lên được một diện mạo Thơ rõ ràng, ngay từ tập thơ đầu tiên, không phải nhà thơ nào cũng làm được.

Phần lớn những bài thơ của Dương Kiều Minh đều hiển lộ những hình ảnh được soi chiếu từ ký ức. Dường như đối với ông, mọi biểu đạt về vẻ đẹp của đời sống đều được khơi gợi từ ký ức. Đó là hình ảnh người mẹ, cánh đồng lúa rộ vàng, khu vườn tuổi thơ, ngôi nhà có bậc thềm “giàn giụa ánh trăng mỗi tối”, những bụi hoa cúc dại, những đồi núi lô xô của vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên, những tiếng thầm thì của ngày xưa…

Ký ức trong thơ Dương Kiều Minh mạnh đến nỗi như thể đó là mảnh đất thiên đường của riêng ông. Ký ức như những lớp rêu bám dày trong ý nghĩ của ông. Nó ở ngay đấy, khi câu thơ chạm vào ngòi bút. Sự “trở về” đầy ám ảnh này trong thơ Dương Kiều Minh, khiến mỗi người trong vội vàng cuộc sống không thể không dừng lại phút giây, chợt bàng hoàng tiếc nuối về một vùng đất trong tâm tưởng mình đã đi qua, và có thể đã quên lãng.

“Mơ được về bên mẹ
Áo xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa
Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối”
“Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ
Con về yêu mái rạ cuộc đời”
“Xa lắm lắm ngày xuân xa lắm lắm
Bên giậu buồn cậu bé đứng trầm tư
Thôi thôn dã cánh diều mỏng dính
Nỗi niềm sầu muộn ngất ngư…”
“Đâu mẹ gọi con đường quê kiểng
Trưa ngun ngút đồng bằng”…

Mấy năm về trước, Dương Kiều Minh là người khởi xướng quan điểm “Máu chữ” trong thơ. Đây là lần rất hiếm hoi ông tuyên ngôn về thơ, rằng ông không đồng ý thơ là “phu chữ”, mà thơ phải là “máu chữ”.

Theo ông, trong hành trình của thơ ca, “phu chữ” chỉ là một công đoạn của việc hoàn tất văn bản của nhà thơ, chứ không phải là công việc cốt lõi. Thơ phải là “máu chữ”. Tất nhiên có nhiều tranh luận xung quanh quan điểm này. Nhưng rõ ràng Dương Kiều Minh đã bày tỏ một suy ngẫm khắc nghiệt của riêng ông, rằng thơ ca sinh ra “với nhiệm vụ và tác dụng cụ thể của nó đối với hạnh phúc của con người, chứ không phải sinh ra là để nghịch chơi”.

Ông cũng đã chứng minh quan điểm đó bằng toàn bộ cuộc đời cầm bút của mình, bằng ý thức không ngừng tìm kiếm cái mới trên nền tảng của truyền thống. Vì không đồng ý với việc nhiều người làm thơ chỉ là thể hiện “nghệ thuật sắp xếp chữ” thế nào cho lạ, cho khác biệt, mà quên đi vẻ đẹp nội dung của ngôn từ, của thẩm mỹ, chúng ta thấy thơ Dương Kiều Minh là sự tuôn chảy của cảm xúc thăng hoa, của tình yêu bất tận với cuộc đời, dù cho cuộc đời có lúc chỉ là ảo ảnh như một vệt mờ của ký ức.

Ông đã sống thực sự rất khiêm nhường, xa lánh mọi ồn ào phô trương, tìm và giữ lấy một góc dịu dàng riêng. Và chỉ để thơ ca lên tiếng. Riêng điều này thôi, ông đã vô tình trở thành một bài học quý cho rất nhiều nhà thơ trẻ hôm nay.

Dù Dương Kiều Minh đã lướt qua cuộc đời nhẹ như một làn gió, thì những gì ông để lại vẫn đủ sức nặng, đủ sức bí ẩn để chúng ta khám phá. Như chính câu thơ ông viết: “Có cuộc đời giấu bao nhiêu ánh sáng/ có niềm vui thanh sạch sau mưa…”

Bình Nguyên Trang
.
.
.