Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung: Thao thức đời văn...

Chủ Nhật, 30/11/2008, 16:35
Đã từ lâu, ông sống một mình lặng lẽ và bình dị tại một căn phòng nhỏ trên "phố nhà binh". Gần tám mươi tuổi nhưng gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung không dễ. Nếu không bận viết lách thì những chuyến đi xa, gặp bạn bè cũ... vẫn còn cuốn hút lão nhà văn này lắm lắm.

Tôi được ngồi với ông vào một ngày chớm đông, khi những đợt gió mùa đông bắc đang lút thút tràn về và trước một ngày ông bay vào TP HCM dự một cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật....

Tuổi 80 và tiểu thuyết đầu tay...

Từ trước đến nay, trên văn đàn, cái tên Nguyễn Chí Trung luôn xuất hiện bình lặng, chậm rãi và có một phần nào hơi... khiêm nhường. Nhưng đọc Nguyễn Chí Trung, từ tác phẩm đầu tay viết từ những năm 50, và cho đến sau này, mỗi tác phẩm đều mang đậm hơi thở và viết rất sâu sắc về những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Còn về số lượng, chính ông cũng thừa nhận ông viết không nhiều. Số đầu sách có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Từ “Đà Nẵng xuân 1950” (in chung với Nguyễn Văn Bổng và Lưu Nghi, “Bức thư làng Mục, làng Quế”, “Khi dòng sông ra đến cửa”, “Hương Cau”...) và “Tiếng khóc của nàng Út” - tiểu thuyết vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 vừa rồi đến như một "duyên muộn" đối với lão nhà văn. Đề tài trong văn Nguyễn Chí Trung cũng được xác lập ngay từ ngày đầu cầm bút, một đề tài không mới những có lẽ không bao giờ cũ, đó là chiến tranh. 

Tiểu thuyết "Tiếng khóc của nàng Út" là tiểu thuyết đầu tay của ông, ở tuổi của ông để bước vào một hành trình mới là tiểu thuyết có lẽ sẽ là một hành trình gian khó và cô đơn hơn nhiều người. Nhưng ông không nản, ông vẫn hăm hở viết, ông bảo nếu trời còn cho sức khỏe thì ông vẫn sẽ cố gắng viết. Viết như một sự trả nợ kỷ niệm, trả nợ nhân dân, trả nợ những câu chuyện thần kỳ về sự quật khởi vĩ đại của của nhân dân trong suốt những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

"Tiếng khóc của nàng Út" là một trong những câu chuyện mang chủ đề ấy. Là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trà Bồng - Quảng Ngãi những năm 50 của thế kỷ trước. Ông sẽ còn viết nhưng từ khi thôi công tác, có thời gian để viết, mảnh đất và con người Trà Bồng những tháng ngày ấy đã xuất hiện trong ông như một sự thôi thúc. Đó là một vỉa ký ức đầy kỷ niệm của những tháng ngày Cách mạng đang trong thời kỳ gian khó.

"Ngày 28 tháng 8 năm 1959 nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng đất Trà Bồng, Quảng Ngãi. Mình tập kết ra Bắc đến tháng 1 năm 1962 mới về với đất, theo cách nói hồi ấy. Hai năm nhưng dấu tích của cuộc khởi nghĩa còn nóng hổi. Mình vừa chiến đấu, hoạt động và sống với bà con nên nghe được nhiều chuyện. Những lúc cõng gạo, cõng quế, đi qua Nà Niêu, trung tâm cuộc khởi nghĩa, nhờ đồng bào Các Nóc mình "ngấm" dần cuộc khởi nghĩa quật cường ấy.

Sau ngày 21/1/1973 mình đã xuống Nà Niêu, làm một cái chòi bên sông Riềng và viết. Nhưng lúc đó Mỹ - Thiệu lại phản bội hiệp định Paris, được hai chương thì chiến tranh ác liệt lại diễn ra nên công việc ấy phải tạm dừng lại. Sau khi đánh thắng giặc Mỹ, tưởng sẽ có thời gian thì Pôn Pốt đánh ta ở biên giới Tây Nam đã làm mình mất hai mươi năm. Mình công tác tại Campuchia làm chiến sỹ quân tình nguyện rồi làm phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân.

Về nước, mình làm trợ lý Tổng bí thư cho đến khi nghỉ hưu. Bây giờ có thời gian, mình ngồi chép lại những hồi ức về Quảng Ngãi từ tháng 7/1954 thành "Tiếng khóc của nàng Út" - Giọng nói xứ Quảng ấm áp và chân tình, ông bồi hồi kể lại cho tôi những kỷ niệm ngày xưa cũ và sự ra đời của tập tiểu thuyết mới.

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ...

Những ngày ở Hà Nội, ông sống với người cháu trong một căn phòng nhỏ tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 Lý Nam Đế). Mỗi ngày, nếu không có công chuyện gì, nhà văn Nguyễn Chí Trung lại dành thời gian để đọc và viết.

Quỹ thời gian ngày một eo hẹp mà còn biết bao điều chưa đọc, biết bao dự định chưa nói được ra qua những trang văn. Mỗi ngày ông phải uống không dưới hai mươi viên thuốc, người cháu, kiêm luôn người chăm lo sức khỏe cho ông nói với tôi. Mà toàn những bệnh nguy hiểm, tránh bị làm việc quá sức.

Nhưng với nhà văn Nguyễn Chí Trung, nếu không được viết thì ông không chịu nổi. Vậy là để yên tâm, trước khi ngồi vào bàn viết, hoặc trả lời phỏng vấn, trò chuyện với khách, ông lại phải uống một vốc thuốc mới có thể làm cho những người thân yên tâm được.

Không viết những mối thâm tình của ông với mảnh đất Khu 5, những tháng ngày chiến đấu rồi lập trại sáng tác Quân khu 5, tập hợp những người cầm bút của mảnh đất miền Trung tình nghĩa ấy vào một sân chơi cũng làm cho ông thấy ý nghĩa.

Mà trong văn chương, viết nhiều viết ít không phải là một điều quá quan trọng. Quan trọng là chất lượng và những tình cảm mà mình dành cho những trang viết ấy. Văn chương là không lặp lại mình. Mỗi câu chuyện mình kể là một hồi ức, một quá khứ của riêng, không giống ai. Dù ít hay nhiều thì anh cũng phải đối diện với trang giấy, với ngòi bút và những kỷ niệm.

"Nghĩ cho cùng, nhà văn đôi khi cũng như người thợ rừng ấy cậu ạ. Trong hành trình đi, có thể tìm được kỳ nam nhưng đôi khi, chỉ thấy gai góc. Mình tự nhận mình là người thợ rừng hồn nhiên. Mình không có gì ảo tưởng về bản thân. Văn chương, với Nguyễn Chí Trung, đôi khi chỉ giản dị và gần gũi vậy.

Người ta còn kể, khi tiểu thuyết "Tiếng khóc của nàng Út" ra đời, cầm cuốn sách nóng hổi trên tay, ông đã “phi” một mạch từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi tặng nhà thơ Thanh Thảo và bạn bè một cuốn rồi về. Đơn giản đó chỉ là sự trả nghĩa, khi một tác phẩm ra đời, nhu cầu được chia sẻ, được bạn bè đọc và góp ý, đối với người viết là thêm một niềm vui. Ngoài công việc của một nhà văn mặc áo lính, có một thời gian, ông còn là Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Nguyễn Chí Trung bảo đó là quãng thời gian ông thấy rất ý nghĩa, nếu để giúp một cách trực tiếp vào công việc viết văn thì không có nhưng đó là thời gian ông có thêm vốn sống. Tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân mình được hiểu và nhìn nhận một cách sâu hơn. Cái nhìn của mình về cuộc sống, về cuộc đời cũng bình dị, bao dung hơn và cũng phức hợp hơn.

Cái quan trọng là sức khỏe, nếu còn sức khỏe, ông vẫn sẽ tiếp tục viết. Lại là những trang văn về những người dân Khu 5 quê ông, ông bảo viết không ít những tác phẩm về họ mà cảm giác mình nói vẫn còn chưa được bao nhiêu. Nói vẫn chưa đủ. Và trong trái tim của một người con đã gần tám mươi tuổi đời, miền Trung - mảnh đất ấy vẫn luôn thao thức

Hà Hương Phúc
.
.
.