Theo chân đoàn làm phim “Hà Nội, Hà Nội”

Thứ Năm, 12/01/2006, 09:25

Ngày 9/1, thời tiết Hà Nội xuống dưới 10 độ, nhưng cả đoàn phim "Hà Nội, Hà Nội" (phim hợp tác giữa Hãng phim Vân Nam - Trung Quốc và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam) đã tập trung rất sớm tại 19 Nguyễn Tri Phương để quay những cảnh đầu tiên. Diễn viên Minh Tiệp và Quỳnh Hoa rét run vì phải cởi áo và mặc áo gần cả buổi sáng chỉ để

Đạo diễn Lý Vỹ ngồi xù xụ trước màn hình monitor, mắt nhìn từng cử động của diễn viên, lúc ồ lên thất vọng, lúc ngả nghiêng cười. Chỉ quay một cảnh duy nhất, gần như không lời thoại, nhưng Lý Vỹ vẫn bắt diễn viên diễn không dưới hai chục lần mới bắt đầu cho lần quay chính. Và cũng phải đúp thứ 4, khi kim đồng hồ chỉ con số 12, ông mới tạm bằng lòng và cho cả đoàn ra bóng cây ăn cơm hộp. Lý Vỹ vừa búng tay vào cái thìa kêu lách cách vừa trò chuyện: "Chúng ta có 30 phút, kể cả lúc tôi đang ăn cơm".

Lý Vỹ là một trong những đạo diễn phim truyền hình đầu tiên của Trung Quốc. Bộ phim "Gia Xuân Thu" - một tác phẩm cải biên của Ba Kim do ông đạo diễn là bộ phim truyền hình dài tập thứ hai được chiếu trên truyền hình Trung Quốc. Với hơn 20 năm trong nghề, ông đã thực hiện gần 400 tập phim truyền hình và "Hà Nội, Hà Nội" là bộ phim nhựa thứ ba của ông. 45 tập phim "Đại Hán bi ca" do ông đạo diễn, nói về chuyện Ngu Cơ - Hạng Vũ, đang chuẩn bị trình chiếu trên truyền hình Bắc Kinh và dự kiến cũng sẽ ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam trong một ngày gần đây.

- Đang là một đạo diễn phim truyền hình ở Bắc Kinh, nghĩa là cuộc sống thoải mái hơn, cơ hội cũng nhiều hơn, điều gì thúc đẩy ông đến tận Vân Nam nhận đạo diễn cho "Hà Nội, Hà Nội" và lặn lội qua Việt Nam thực hiện bộ phim này?

- Tôi mê kịch bản này. Nội dung của nó là sự liên kết giữa người và người, sự xa cách của họ chỉ do một điều đáng tiếc chính là cách biệt ngôn ngữ. Bộ phim là một chuỗi những sự hiểu lầm. Tôi thấy nó rất giàu ý nghĩa nên nhận lời. Nhất là khi đến Việt Nam, tôi thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và giá trị thẩm mỹ. Người phương Tây thường áp đặt văn hoá phương Đông ở một cự ly rất xa. Chính vì thế, tôi muốn qua bộ phim, người phương Tây phải có cái nhìn khác về người phương Đông, đó là sự thành tín, lời hứa danh dự và tình cảm của con người, sự hy sinh và cả những "mỹ đức" của người Á Đông…

"Hà Nội, Hà Nội" kể chuyện một người đàn ông Việt Nam yêu một cô gái Trung Hoa, họ cùng lập ra nhà thuốc "Vô hương đường", nhưng rồi do bất đồng ngôn ngữ mà họ lìa xa nhau. Lúc cuối đời, người phụ nữ ấy có một ước nguyện là tìm cho được người tình xưa. Bà ủy thác cho cô cháu gái qua Việt Nam và hành trình đầy những chuyện ngẫu hứng của cô cháu gái bắt đầu… Có thể nói phim toàn những người tốt, họ không sống được với nhau vì họ không hiểu nhau mà thôi…

- Ông vừa nói đến chuyện bộ phim dành cho người phương Tây khám phá những nét huyền bí trong văn hoá phương Đông. Nghĩa là bộ phim sẽ được quảng bá tại nước ngoài?

- Tất nhiên rồi. Và chúng tôi sẽ mang nó đến nhiều liên hoan phim quốc tế có uy tín. Đặc biệt, trong thời đại mà sự giao lưu quốc tế đang cực thịnh thế này, người phương Tây sẽ hào hứng với những bộ phim như "Hà Nội, Hà Nội".

- Tôi thấy ông có vẻ không hài lòng lắm với các diễn viên Việt Nam?

- Tôi mới làm việc với họ trong một vài buổi nên nói cũng khó. Nhưng tôi đã thấy có một số diễn viên rất ưu tú và tôi hy vọng họ sẽ đem được sự ưu tú đó vào vai diễn trong phim.

- Vì sao ông chọn Đình Đình cho phim của mình mà không phải những mỹ nữ khác đang rất nổi tiếng như Chương Tử Di, Lý Băng Băng, Châu Tấn…?

- Chúng tôi không nghĩ đến những ngôi sao, mà nghĩ đến nhân vật của mình. Tôi chọn Đình Đình vì cô có nét trong sáng và khuôn mặt hết sức đặc trưng của người phụ nữ Trung Hoa. Và cô ấy cũng là một ngôi sao đang lên.

- Tôi nghĩ ông cùng lứa với những đạo diễn nổi tiếng của "thế hệ thứ 5" ở Trung Quốc như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng… Họ được tụng ca khắp thế giới và báo chí Việt Nam coi họ như những đạo diễn tài năng nhất Trung Quốc? Ông đánh giá thế nào về họ và có thấy chạnh lòng khi nghĩ về danh tiếng?

- Thực ra dân trong nghề không chia thế hệ như vậy, cái gọi là "thế hệ thứ 5" là do báo chí đưa ra thôi. Họ rất nổi tiếng, nhưng tiếng tăm quốc tế không đảm bảo rằng toàn bộ tác phẩm của họ đều xứng đáng. Tôi thấy những phim đầu tiên của họ là hết mình và xuất sắc, còn những phim sau họ làm vì cá nhân mình nhiều hơn. Tôi không cho rằng họ giỏi nhất Trung Quốc. Và tôi cũng có vị trí riêng của mình, có gì mà phải chạnh lòng? (cười).

- Hành trình của "Hà Nội, Hà Nội" thế nào, liệu bao giờ thì chúng tôi được thưởng thức "đứa con tinh thần" của ông?

- Tôi chỉ biết hoàn thành phim, còn phát hành là kế hoạch của hãng sản xuất nên không nói trước được. Chúng tôi sẽ thực hiện tại Việt Nam khoảng 45 ngày, nên chắc chắn sẽ đón Tết ở Hà Nội. 49 năm ăn Tết tại Bắc Kinh, tuổi 50 tôi xa nhà và đón giao thừa ở Hà Nội, có thể sẽ là một sự kiện đáng nhớ. Tuy nhiên, rét Hà Nội chưa ăn thua gì với rét Bắc Kinh

Toàn Nguyễn (thực hiện)

.
.
.