Thể Công Viettel: Đầu đã xuôi...
Vượt qua Ninh Bình trong ngày khai mạc giải hạng Nhất 2007, Thể Công Viettel đã có 3 điểm đầu tay cho chiến dịch thăng hạng của mình. Tuy nhiên, bước khởi đầu suôn sẻ này không chỉ có ý nghĩa trên phương diện điểm số, mà quan trọng hơn, nó hứa hẹn cho một sự hồi sinh của đội bóng giàu truyền thống...
Quả vậy, nếu chỉ thuần túy nhìn trên góc độ kết quả, thì chiến thắng sít sao 1-0 trước Ninh Bình không đủ để đưa Thể Công Viettel lọt ngay vào tốp dẫn đầu bảng xếp hạng của giải hạng Nhất. Hiện tại, sau lượt trận đầu tiên, đội bóng áo đỏ đang đứng ở vị trí thứ 7, xếp sau cả "đàn em" Quân khu IV vì thua hiệu số bàn thắng.
Dẫu vậy, với những gì đã thể hiện ở vạch xuất phát, đoàn quân của HLV Viczko Tamats đã cho thấy khá nhiều những tín hiệu tích cực về mặt chuyên môn từ con người, lối chơi đến tinh thần thi đấu.
Nét mới đầu tiên cần phải kể tới ở Thể Công Viettel chính là nhân sự. Tiếp tục chính sách không dùng "hàng ngoại", đồng thời loại các "cựu binh" như Quốc Trung, Việt Hoàng, HLV Viczko Tamats mạnh dạn tung hàng loạt những cầu thủ trẻ như Tấn Trung, Quang Vinh, Ngọc Duy... vào sân "thử lửa" ngay từ vòng đấu đầu tiên.
Và trên thực tế, họ đã có màn ra mắt khá ấn tượng. Tiền vệ cánh phải Ngọc Duy chính là người đã ghi bàn thắng duy nhất, mang về 3 điểm cho Thể Công bằng một pha đột phá và dứt điểm khá quyết đoán và kỹ thuật. Còn tiền đạo Quang Vinh, dù bàn thắng ở phút thứ 70 của anh bị trọng tài khước từ, nhưng nó cũng phần nào cho thấy sự năng nổ và khả năng chọn vị trí dứt điểm của một chân sút nhiều tiềm năng.
Về lối chơi, dấu ấn chiến thuật của nhà cầm quân HLV Viczko Tamats chưa được các cầu thủ Thể Công thể hiện nhiều trong trận thắng Ninh Bình. Thế nhưng, người ta cũng đã thấy sự thành hình của một lối chơi chặt chẽ dựa trên nền tảng thể lực sung mãn của các cầu thủ.
Chính cái nền thể lực được nâng lên đã giúp cho các cầu thủ áo lính có thể tạo ra được một thế trận phòng ngự kiên cường và kín kẽ trước sự càn lướt mạnh mẽ của bộ đôi "ngoại binh" Martin-Carlos bên phía Ninh Bình, đồng thời tổ chức được các đợt phản công với tốc độ cao trong hiệp 2 của trận đấu.
Tất nhiên, với những người "hoài cổ", thì lối chơi của Thể Công hiện tại còn kém sắc khá nhiều so với "cơn lốc đỏ" hào hùng thủa nào, đặc biệt là trên phương diện tấn công. Các đợt lên bóng của họ vẫn chưa tạo được nhiều sức ép lên phần sân đối phương; khả năng gây đột biến của hàng tiền vệ, cũng như việc dứt điểm của các tiền đạo còn hạn chế. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, đây mới chỉ là lượt đấu đầu tiên, nghĩa là các cầu thủ Thể Công vẫn còn thời gian để hoàn thiện qua thực tế thi đấu.
Nét tích cực nhất của đội bóng áo lính qua vạch xuất phát, chính là tinh thần thi đấu. Có lẽ đã lâu lắm rồi, các CĐV mới thấy lại được các cầu thủ Thể Công chơi bóng với cái "chất lửa" truyền thống và khát vọng thắng đong đầy trong từng bước chạy, từng đường bóng, từng pha phối hợp.
Dù là những "cựu binh" như Phương Nam, Bảo Khanh, Thanh Hải, hay các gương mặt trẻ như Quang Vinh, Ngọc Duy đều đặt cái "tôi" của mình sang một bên để hoà hợp với lối chơi chung của toàn đội. Cứ nhìn cái cảnh Bảo Khanh hay Phương Nam lùi sâu về sân nhà để hỗ trợ đồng đội phòng ngự, hay việc Thanh Hải thật trách nhiệm trong việc chỉ huy các đàn em ở hàng thủ, mới thấy họ và các đồng đội trẻ đã dần thành một khối khá thống nhất.
Cũng phải thôi, kể từ khi rớt hạng đến nay, mùa bóng 2007 là lần đầu tiên lãnh đạo Thể Công Viettel công khai khát vọng trở lại "mái nhà xưa" chuyên nghiệp. Và qua "cầu nối" HLV Tamats, dường như khát vọng đó đã truyền tới các cầu thủ để họ trở thành một tập thể có chung một hướng nhìn, một đích ngắm.
Khởi đầu không phải là tất cả. Bóng mới chỉ lăn qua vạch xuất phát, con đường phía trước của Thể Công còn rất nhiều gian truân và trở ngại. Tham vọng thăng hạng của họ cũng sẽ còn gặp phải những thử thách từ những đối thủ cũng không kém phần "máu mê" như Hải Phòng, An Giang...
Dẫu vậy, cú xuất phát của đội bóng áo đỏ đã giúp cho những ai yêu mến họ có được ít nhiều cơ sở niềm tin để mơ về một tấm vé trở lại đấu trường cao nhất của bóng đá Việt vào mùa bóng sau. Chẳng phải cổ nhân vẫn dạy rằng, "đầu xuôi, đuôi lọt" đó hay sao?