Thấy gì từ các hội chợ sách

Thứ Năm, 12/03/2015, 08:30
Lâu nay, văn hóa đọc vẫn là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi, bàn luận. Bên cạnh, câu chuyện sách lậu, sách in giả len lỏi vào thị trường sách, khiến cho bạn đọc tuy mất tiền, nhưng vẫn không thể có được bản in chuẩn, đồng thời khiến cho các nhà xuất bản (NXB), các tác giả bị ăn cắp bản quyền một cách trắng trợn. Ngoài ra, vẫn còn những cuốn sách bị cấm xuất bản, cấm phát hành vẫn len lỏi vào các ngày hội sách, hay các thị trường sách để đến với bạn đọc.

Để sách có thể đến với đông đảo bạn đọc, thì việc tổ chức các chương trình ngày hội sách, được coi là một trong những hình thức mang lại hiệu quả rõ rệt. Đó là nơi các NXB, các tác giả và bạn đọc gặp nhau dễ dàng nhất. Ở những nơi này, bạn đọc được tiếp cận với hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, từ đó quyết định lựa chọn cho mình những cuốn sách nào mà mình thích thú, quan tâm.

Thực tế, trong thời gian qua, hàng loạt ngày hội sách đã được tổ chức ở khắp các địa phương trong cả nước, với nhiều hoạt động thú vị như: Siêu giảm giá, đọc sách miễn phí, đọc sách có thưởng, cùng những hoạt động tôn vinh khác, thu hút lượng lớn người dân, đặc biệt là giới trẻ tham gia hưởng ứng và mua sách.

Phải quản lý được nội dung của những cuốn sách tham gia các hội chợ sách.

Như vừa qua, Ngày hội sách Mùa xuân 2015 tại Hà Nội đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức, khi chưa khai mạc đã có tới hàng trăm người đứng xếp hàng đợi mua sách. Và, chỉ 2 giờ đồng hồ sau lễ khai mạc, đã có tới 6.000 lượt người tới tham dự, hàng nghìn đầu sách của các NXB được bán rất chạy.

Hay như Hội sách Hà Nội cuối năm 2014, sau 1 tuần tổ chức, với hơn 35.000 đầu sách tham gia, bán được hơn 177.000 bản sách, doanh thu gần 5 tỷ đồng. Thành công hơn nữa là Ngày hội sách 2014 ở TP Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 1 triệu lượt khách ghé thăm và tham gia các hoạt động giao lưu, ký tặng sách..., thu được 38 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần diễn ra hội sách.

Những con số đó không chỉ là tín hiệu vui cho ngành Xuất bản mà cả độc giả cũng phấn khởi vì ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các loại sách được coi là chính thống.

Bên cạnh đó, gần đây, trào lưu đọc và mua sách cũ cũng đang được bạn đọc rất quan tâm. Thậm chí giới trẻ Hà Nội còn “phát sốt” với sách cũ. Hội chợ sách cũ, Đại hội sách cũ được tổ chức thường kỳ. Phải nói rằng lợi ích từ sách cũ đem đến cho bạn đọc nhiều thuận lợi như vấn đề giá cả, nhiều cuốn sách quý lâu ngày không được tái bản,... Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những sự nhập nhèm khi mà các cuốn sách có nội dung không lành mạnh, mang động cơ xấu về chính trị lợi dụng núp bóng để trà trộn, gây độc hại về tư tưởng cho đông đảo bạn đọc.

Ví như trong 2 ngày 29 và 30/11/2014, khi Alphabooks tổ chức Đại hội sách cũ tại 176 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), nhiều cuốn sách được xuất bản từ nước ngoài đã có mặt tại đây. Tiêu biểu trong số đó là phiên bản cuốn “Đ.C.C.L.” của tác giả D.T.H..

Trên facebook cá nhân của mình, anh M.Q. cho biết, anh đã mua phiên bản cuốn này tại sạp với giá 70.000 đồng. “Ra đại hội sách cũ. Đông cứng người. Cũng bon chen, lượm hơn chục cuốn”. Trong hơn chục cuốn đó có “Đ.C.C.L. – sách bị cấm bán của D.T.H.” - anh M.Q. chia sẻ.

Đấy là chưa kể còn nhiều cuốn sách khác có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cũng có mặt tại hội chợ sách. Thậm chí, trong số các sách này, còn có nhiều cuốn là phiên bản, mà nói thẳng ra là tái bản lậu lại các cuốn sách có nội dung tư tưởng xấu của một số nhà văn hải ngoại có tư tưởng thù địch... cũng được bày bán một cách công khai.

Việc tổ chức các hội chợ sách nói chung và các hội chợ sách cũ nói riêng là điều đáng khuyến khích, vì đó là việc sẽ mang lại những lợi ích cho nhiều phía như tác giả, các NXB và bạn đọc. Có điều, nếu chúng ta không có cách thức quản lý và sàng lọc cụ thể, thì đây lại chính là nơi mà các loại hình văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh có cơ hội để núp bóng giao dịch, đến tay bạn đọc, gây nên những hậu quả khó lường cho xã hội.

Cảnh Vũ
.
.
.