Kỷ niệm vui với văn nhân - thi sĩ tuổi Mùi

Thứ Sáu, 20/02/2015, 22:39
Những văn nhân – thi sĩ tuổi Mùi, mỗi người một vẻ nhưng dường như khi chọn con đường nghệ thuật này họ đều có một điểm chung đó là tận tâm hết sức với nghề nghiệp.

Nguyễn Khoa Điềm, tuổi Quý Mùi, 1943

Những điều căn bản nhất về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại in và tái bản nhiều lần đã viết. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến, mùa xuân sắp về, tôi chỉ xin kể một chút kỷ niệm về công việc và cuộc sống giữa tôi và ông. Những năm Nguyễn Khoa Điềm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, rồi Trưởng ban Văn hóa – Tư tưởng Trung ương, rồi kiêm Tổng thư ký (chức Chủ tịch bây giờ) Hội Nhà văn Việt Nam, thì tôi cũng giữ một chức “quan văn nghệ sở tại”, nghĩa là một chức quan văn nghệ nho nhỏ, cấp tỉnh. Tuy thế, tôi cũng có những dịp tiếp xúc, gần gũi với ông.

Hồi Đại hội nhà văn lần thứ V diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng 3 năm 1995 tại hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, đến công đoạn bầu ban chấp hành và bầu lãnh đạo chủ chốt, đoàn thư ký và ban bầu cử phải tổ chức tiến hành qua hai bước. Bước một: lấy phiếu thăm dò tín nhiệm, chọn ra những người có phiếu tín nhiệm cao đưa vào danh sách bầu ban chấp hành. Sau bước ấy toàn thể đại hội mới tiến hành bầu chính thức.

Đoàn thư ký đại hội gồm các nhà văn: Lê Thành Nghị, Trần Thanh Giao, Lê Minh Khuê, Lê Hoài Nam, Hồ Anh Thái, Thái Thăng Long… Ngay ở phần đầu đã có những ý kiến tham luận khá gay gắt nhằm vào trưởng đoàn Lê Thành Nghị. Anh Nghị gặp tôi, nói: “Nam giúp mình phần tổng hợp phiếu thăm dò nhé”, rồi anh không ngồi bàn thư ký nữa, xuống bên dưới hội trường ngồi.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ngồi ghế đoàn chủ tịch, với gương mặt khá nghiêm trang, thoáng chút lo âu. Đại hội này dự kiến ông sẽ thay nhà văn Vũ Tú Nam giữ chân Tổng thư ký, nhưng chẳng thấy ông đi ra đi vào , gặp gỡ hội viên vận động gì cho mình. Ông cũng không nhoẻn điệu cười thường trực tranh thủ lấy lòng ai. Chỉ khi có chuyện buồn cười quá thì ông mới buông một nét cười nhẹ.

Lúc tôi tổng hợp phiếu thăm dò gần xong, ông đến gặp tôi hỏi nhỏ: “Lê Hoài Nam có thể cho mình biết mình được bao nhiêu phiếu thăm dò không?”. Tôi biết ông hỏi thế, nếu thấy phiếu thăm dò tín nhiệm thấp là ông sẽ xin rút. Tôi nói: “Anh và anh Hữu Thỉnh cao phiếu nhất”. Ông gật gật đầu nhè nhẹ, bắt tay tôi cảm ơn. Đại hội ấy Nguyễn Khoa Điềm đắc cử chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Sau này nghỉ hưu, ông về với cội nguồn gia tộc của ông, nơi xứ Huế. Thỉnh thoảng ra Hà Nội họp Hội Nhà văn, gặp chúng tôi, ông chẳng to giọng giãi bày, thanh minh thanh nga gì, như thường gặp ở những người bị hẫng hút sau khi “hạ cánh”. Gương mặt ông thanh thản như đang thiền, giọng ông chuyện trò nhẹ nhàng, tự nhiên, như dòng đời, kiếp người trôi đi vẫn thế.

Cái uy của nhà văn Nguyễn Như Phong

 Nhà báo, nhà văn Như Phong vốn nổi tiếng về các thiên phóng sự khi ông còn làm Báo Công an nhân dân, như loạt phóng sự về tên cướp Bạch Hải Đường, về vụ ma túy Vũ Xuân Trường và nhất là loạt bài viết về vùng cao Tây Bắc, đến nỗi mỗi lần ông trở lại Điện Biên, Lai Châu, bà con ở đây mừng rỡ đón ông như đón người thân trở về.

Khi ông chuyển sang làm tờ Văn hóa- Văn nghệ Công an và tờ An ninh thế giới do nhà văn Hữu Ước làm Tổng Biên tập, dù giữ chức Phó Tổng biên tập, nhưng ông vẫn dành thời gian đi viết những bài “đinh” cho báo. Loạt bài phản ảnh về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sỹ Cảnh vệ, hay loạt bài về khó khăn, vất vả của lực lượng Cảnh sát giao thông khiến các chiến sỹ ở các lực lượng này nhớ mãi và rất yêu quý nhà báo Nguyễn Như Phong.

Nhà văn Nguyễn Như Phong.

Nhà văn Hữu Ước có lần vui chuyện kể : Một lần có việc gấp, ông tự lái ôtô đi giải quyết công chuyện, mải nghĩ không ngờ đi vào đường ngược chiều. Bỗng tiếng còi rít lên trước mặt, có bóng Cảnh sát giao thông đứng ở đầu xe. Ông mở cửa xe nói: “Các anh thông cảm, xe của Báo An ninh thế giới đi có việc gấp, không may lạc vào đường cấm”. Nhà văn Hữu Ước không xưng tên, lại ngồi lái xe, nên chiến sỹ Cảnh sát giao thông kia tưởng ông là lái xe của báo, ra giọng rất nghiêm: “Xe đi vào đường ngược chiều là vi phạm rồi, nhưng thôi, mà anh ở chỗ anh Như Phong hả?”. Nhà văn Hữu Ước bảo “Đúng rồi”. Ông còn đùa: “Anh Như Phong là thủ trưởng của tôi đấy”. Người Cảnh sát nghe thế tỏ ý vui vẻ, bảo ông cho xe đi và còn nhờ ông gửi lời hỏi thăm sức khỏe anh Như Phong.

Kể chuyện xong, nhà văn Hữu Ước cười rất vui và vẫn không quên cho chúng tôi bài học là người làm báo muốn để bạn đọc luôn nhớ đến mình thì phải phấn đấu không ngơi nghỉ, phấn đấu suốt đời.

Nguyễn Thị Mai, tuổi Ất Mùi, 1955

Nguyễn Thị Mai và tôi chơi với nhau đã lâu, nhưng phải đến chuyến đi đảo Trường Sa dịp cuối xuân đầu hạ năm 2014, chúng tôi mới có dịp gần gũi nhau suốt nửa tháng trời trên chuyến đi. Đoàn của Hội Nhà văn gồm 10 người. Tôi, Nguyễn Thị Mai và Đặng Huy Giang lớn tuổi nhất. Hồi trẻ, ở Hải quân, tôi đi biển, đi đảo nhiều lần quen rồi, chẳng nề hà điều gì, nhưng lần này thì đã thấy chùn chùn đầu gối mỗi khi có sóng to, con tàu lắc dữ, bắt đầu thấy chờn chợn mỗi khi đêm xuống lên boong tàu nằm hóng gió. Thoạt đầu mới bước chân xuống tàu, mọi người cũng hơi lo cho cái sự “đứng tuổi” của Nguyễn Thị Mai, càng lo hơn khi biết chị chưa đi biển xa bao giờ. Nhưng lạ thay, còn tàu càng ra khơi xa, thấy dường như Nguyễn Thị Mai lại càng khỏe. Trong khi mọi người nằm ngồi ngả ngốn chống lại những cơn say sóng thì Nguyễn Thị Mai chân cứ bước thoăn thoắt trên sàn tàu (như chân con dê bước trên sườn đồi!), miệng cười tươi như không. Nguyễn Thị Mai xuống bếp nhặt rau, thái thịt, nấu nướng giúp các chiến sĩ nuôi quân. Những người lính trẻ vừa kính trọng vừa thương, gọi Nguyễn Thị Mai là “mẹ” xưng “con” ngọt lịm, ngọt sớt như không. Chất liệu ấy sau này Mai viết thành bút ký “Đội phục vụ trên con tàu HQ 996”, đăng tạp chí Quân đội nhân dân.

Nhà văn Nguyễn Thị Mai.

Lên các đảo có trường học như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Nguyễn Thị Mai sà luôn vào trường thăm hỏi, chơi với các cô giáo và lũ học trò, nhoay nhoáy ghi chép. Về đất liền, Mai viết bút ký “Mái trường trên đảo tiền tiêu” đăng báo Văn nghệ. Rồi đến các đảo khác như Nam Yết, Sơn Ca, Nhà giàn, Đá Tây… vẫn cứ với tác phong săm sắn bén nhậy như thế, Nguyễn Thị Mai còn viết được bút ký “Kho báu bên bờ biển đẹp” và chùm thơ in báo gồm các bài: “Mang quê ra đảo”, “Mùi của lính”, “Chúng tôi trở về từ Trường Sa”…

Có lúc tôi nói vui với Nguyễn Thị Mai: “Cái giống dê nó chạy rất nhanh, nhưng em còn nhanh hơn nhiều!”.

Ngọc Bái, tuổi Quý Mùi, 1943: Lớ ngớ mà lên “quan”

Học cùng khóa 2, 1983 - 1986, Trường Viết văn Nguyễn Du – Đại học Văn hóa Hà Nội có nhiều quân nhân đã xuất ngũ, nhưng Ngọc Bái, Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Trần Đăng Khoa, Lê Hoài Nam, Nguyễn Quang Tính thì vẫn hưởng lương quân đội, diện quân phục, đeo quân hàm, quân hiệu chỉnh chiện đi học. Là cán bộ đi học, độ tuổi trong lớp chênh lệch nhau đến hàng chục năm là chuyện thường. Nhưng tuổi cao hay thấp, sĩ quan cấp tá hay cấp úy, đến trường nhập học là biến thành học trò hết. Ngọc Bái vui tính. Cứ kể chuyện gì là chúng tôi cười lăn cười lóc. Nhưng đấy là chuyện đời. Còn chuyện chiến đấu ở chiến trường thì Ngọc Bái ít kể. Chỉ đến khi có cái lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Khe Sanh (mùa hè 1972 – mùa hè 2012), Ngọc Bái là một trong những nhân vật được VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam hỏi chuyện thì mới thấy kiểu “đánh đấm” của đơn vị anh khá là hấp dẫn.

 Tháng 12 năm 1966, Tiểu đoàn Phai Khắt nơi có anh lính Ngọc Bái hành quân độc lập vào B5, mặt trận đường 9. Năm 1967, đơn vị làm sân bay dã chiến tại Rào Đá cho không quân, phục vụ các đơn vị tên lửa ở Vĩnh Linh, cứu đại pháo 152 ly ở Nam Bến Hải thoát khỏi trận hủy diệt thảm khốc của B52. Tháng 7 năm 1968 cùng đơn vị nghi binh, làm trận địa giả, cầu giả, sở chỉ huy mặt trận giả, đường giả, ở Nam đường 9 để thu hút hỏa lực không quân Mỹ, cho  các đơn vị chủ lực chiến đấu tiêu diệt mục tiêu – chuyện này thì thật độc đáo, thật hay. Năm 1969, tiểu đoàn Phai Khắt sáp nhập lại với E 246 từ Việt Bắc vào tham chiến ở Khe Sanh, trực tiếp chiến đấu với lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngọc Bái được cử làm trợ lý quân lực D1 thuộc E246. Thời kỳ này vô cùng ác liệt. Đơn vị hy sinh quá nhiều. Có trận chốt ở cao điểm 425 không ai sống sót. Bạn bè cùng hành quân vào Nam, chết vãn.

Nhà văn Ngọc Bái.

Đầu năm 2013, Ngọc Bái và Chính trị viên D1 vào tận cao điểm 425 để tìm hài cốt đồng đội hy sinh. Sau giải phóng, Ngọc Bái ra Bắc học Đại học Văn hóa. Ra trường về Quân khu 2 làm trợ lý văn hóa văn nghệ. Năm 1983 lại xuống Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du với chúng tôi. Học xong lại “lộn trở về” Quân khu 2 làm trợ lý tuyên huấn, có nhiệm vụ theo dõi tình hình tư tưởng của chiến sĩ các Sư đoàn chiến đấu để “tâu” với bề trên! “Công cán” đầy mình như thế, nhưng chức vụ to nhất của Ngọc Bái cũng chỉ là Trợ lý tuyên huấn.

Chuyện làm quan của Ngọc Bái sau này xuất phát từ một tình huống rất chi là ngẫu nhiên: Tháng 5 năm 1988, có dịp về Hoàng Liên Sơn, tình cờ dự Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh, lớ cớ thế nào, được anh em giới thiệu, đại hội bầu Ngọc Bái làm Chủ tịch Hội. Thế là Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn mời về làm việc. Quân đội đành phải cho chuyển ngành! Đang làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, khi tách tỉnh, không những vẫn giữ được chức Chủ tịch Hội lại còn phải “đèo bòng” thêm cái chức Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Yên Bái. Nay đã về nghỉ hưu, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, Ngọc Bái vẫn cười phe phé, rồi nói chuyện hài hước, bông phèng y như khi xưa cùng tôi học với nhau, chẳng thấy có “di ấn” gì mang vẻ quan dạng cả!  

Hà Văn Thể - Lê Hoài Nam
.
.
.