Tâm-thức-biển của mỗi người nghệ sĩ Việt

Chủ Nhật, 26/06/2011, 11:08
“Đất nước ta là đất nước nằm dài "bên bờ sóng". Bởi vậy, thật dễ hiểu khi trong thẳm sâu của mỗi người sáng tạo nghệ thuật đã có sẵn một tâm-thức-biển. Đó là một tình cảm tự nhiên, một sự gắn bó tự nhiên của người nghệ sĩ”, nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự.

Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về biển, trong đó đặc biệt nổi tiếng là ca khúc "Biển hát chiều nay". Trong đời sáng tác của mình, ông đã nhiều lần lênh đênh trên đại dương, đến những vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Và từ những chuyến đi này, rất nhiều ca khúc mang tâm thức biển của ông đã vang lên trong đời sống của nhiều thế hệ người nghe. Đối với nhạc sĩ Hồng Đăng, tình yêu dành cho biển cũng chính là hiện thân của lòng yêu nước. Gặp gỡ và trò chuyện với ông trong những ngày cả nước đang hướng về Trường Sa thân yêu, vùng đất thiêng liêng được mệnh danh là "phên dậu" của Tổ quốc, để hiểu thêm về tình yêu biển cả trong cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ, hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc của người dân yêu nhạc Việt Nam.

-Thưa nhạc sĩ Hồng Đăng, trong gia tài hàng ngàn ca khúc mà ông đã sáng tác thì có khoảng bao nhiêu ca khúc ông viết về chủ đề biển đảo?

+ Tôi chưa làm thống kê cụ thể, nhưng theo trí nhớ của tôi thì có khoảng hơn 20 ca khúc tôi viết về biển. Có thể kể tên một số tác phẩm ra đây như: Biển hát chiều nay, Lênh đênh, Đảo xa, Người mẹ và thành phố biển, Nỗi nhớ đêm đại dương, Biển và cô gái tôi chưa quen, Đường về hoàng hôn, Biển nắng… Trong số đó, Biển hát chiều nay và Lênh đênh là hai ca khúc được công chúng biết đến nhiều nhất.

- Có nhiều người xem ca khúc "Biển hát chiều nay" của nhạc sĩ như là "Biển ca" vì tính khái quát của nó trong ca phần lời và phần nhạc, rất biển và rất Việt Nam. Để nói thêm về tình cảm của công chúng dành cho ca khúc này, dưới góc độ người cầm bút, ông muốn nói điều gì?

+ Tôi cho rằng, ca khúc "Biển hát chiều nay" sở dĩ được nhiều người yêu thích, có lẽ bởi nó đã thể hiện đúng nhất cái "chất biển" Việt Nam. Biển Việt Nam hàng ngàn đời nay chịu bao nhiêu sóng gió, bão táp, là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, nhưng vẫn biết "vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương". Tinh thần biển cũng như tấm lòng con người Việt Nam luôn đằm thắm yêu thương, nhân hậu vị tha đến tận cùng. Tôi viết bài hát này vào khoảng năm 1980, sau một chuyến đi thực tế trên biển dài ngày cùng với các đồng nghiệp. Sau đó bài hát nhanh chóng được trở nên phổ biến và gần như các bộ phim có cảnh biển vào thời điểm đó đều sử dụng ca khúc này. Ca sĩ nhiều thế hệ đã thể hiện thành công bài hát này như Lê Dung, Ngọc Bích, Lệ Quyên, Mỹ Linh… Có cái lạ là ở chỗ, tôi là người viết nhiều ca khúc về biển theo đơn đặt hàng, thường là viết cho các bộ phim, còn "Biển hát chiều nay" thì không ai đặt hàng cả, nhưng lại có rất nhiều đạo diễn sử dụng cho phim của mình.

- Ông bắt đầu những chuyến ra đảo để tìm cảm hứng sáng tác từ năm nào?

+ Tôi đi ra các vùng biển đảo từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Đi theo tàu của các chiến sĩ hải quân. Chuyến đầu tiên là đi lấy cảm hứng để viết nhạc cho một loạt phim tài liệu về hải quân. Bài hát "Đảo xa" được viết cho phim "Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ", "Nỗi nhớ đêm đại dương" được viết cho phim "Những hạt muối của biển". Sau này ca khúc "Lênh đênh" cũng được viết theo đơn đặt hàng của đạo diễn Châu Huế cho phim "Đời hát rong"… Nói về những chuyến đi thực tế biển đảo thì gần như đã thành thông lệ, giới nhạc sĩ chúng tôi có truyền thống trong mấy chục năm năm nay. Rất nhiều sáng tác hay đã ra đời từ những chuyến đi như vậy. Và anh em nhạc sĩ thân thiết nhau cũng từ những chuyến đi ấy. Trên những cuộc "lênh đênh", chúng tôi cảm nhận một điều rằng, biển với con người đã hòa làm một.

- Thưa ông, cảm hứng biển trong âm nhạc là một trong những cảm hứng lớn của nhiều thế hệ nhạc sĩ. Dường như trong cuộc đời một người sáng tác, không ai không từng một lần viết về biển. Phải chăng tình yêu biển luôn là một tình yêu có sẵn trong trái tim người làm âm nhạc?

+ Đất nước ta là đất nước nằm dài "bên bờ sóng". Bởi vậy, thật dễ hiểu khi trong thẳm sâu của mỗi người sáng tạo nghệ thuật đã có sẵn một tâm-thức-biển. Đó là một tình cảm tự nhiên, một sự gắn bó tự nhiên của người nghệ sĩ. Nếu chúng ta để ý kỹ, thì trong phần lớn các giai điệu bài hát Việt Nam đều có "chất biển", dù người nhạc sĩ không để ý và cũng không cố ý. Cho nên, nói biển là nguồn cảm hứng lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam, không chỉ trong âm nhạc là hoàn toàn chính xác.

Câu chuyện về biển cũng là câu chuyện của những thân phận con người Việt Nam, vượt qua bao sóng gió gian nan, chịu nhiều hy sinh mất mát để giữ yên bình cho quê hương, cho tình yêu cuộc đời. Tôi nghĩ rằng, người sáng tạo khi ngồi trước trang giấy, nhìn thật sâu vào chính mình, họ sẽ gặp biển. Cái mênh mông, rợn ngợp, cái vô hạn của nó đã là một triết lý về cuộc đời, về kiếp người. Một điều rất riêng mà tôi quan sát thấy nữa, là hầu hết những vùng đất gắn bó trực tiếp với biển mỗi thời kỳ lại sản sinh ra những giọng hát hay, ví dụ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Nha Trang…

- Với riêng nhạc sĩ Hồng Đăng thì có thể thấy, cảm hứng lênh đênh - như tên một ca khúc của ông đã là một cảm hứng theo ông suốt đời. Duyên nợ với biển của ông, nếu được kể thành một câu chuyện, thì câu chuyện đó bắt nguồn từ đâu?

+ Tôi sinh ra ở miền quê Nghệ An. Nhà tôi cách biển khoảng chừng 10 cây số. Thủa còn nhỏ, tôi không trực tiếp nhìn thấy biển nhưng đêm nào nằm ngủ cũng được nghe tiếng sóng vọng về rất rõ. Tiếng sóng ấy ru mình vào giấc ngủ và trong những giấc mơ, mình được đến với biển, đắm mình trong làn nước trong xanh của biển. Biển có một sức hấp dẫn đặc biệt trong tâm trí trẻ con, và 5-6 tuổi, tôi đã một mình đi ra biển.

Lớn lên, tôi chỉ thích học đàn, dù cha mẹ muốn tôi học chữ, học văn hóa cho thật giỏi. Tôi lêu têu nên nhiều khi không làm bố mẹ vừa lòng. Cha tôi là chủ tịch lâm thời đầu tiên ở Hà Tĩnh, ông làm cách mạng nên xê dịch cũng nhiều và tôi theo cha đi khắp nơi từ lúc còn bé tí. Năm 14 tuổi, tôi cùng một người bạn đi bộ từ Nghệ An ra Việt Bắc. Lênh đênh nhiều nơi nên tôi tự thấy mình có cái hơn người khác là ở chỗ, những cảm xúc nó đến với mình nhanh hơn. Ngẫm lại, các vùng biển Diễn Châu, Cửa Lò, Kỳ Anh đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm âm nhạc của tôi sau này. Cộng với những chuyến đi về những vùng biển đảo xa xôi khi đã là một nhạc sĩ đã khiến tôi có được một nguồn cảm hứng xuyên suốt về biển. Và viết về đề tài biển đối với tôi khi nào cũng rất dễ, rất tự nhiên, rất tự do, như không cần phải cố gắng gì cả. Có lẽ, vì nó đã luôn đầy ắp trong trái tim, trong tình cảm của mình rồi.

- Ông đã có cơ hội được đến rất nhiều vùng biển đảo, ông có ấn tượng đặc biệt gì về những người lính đang đêm ngày canh giữ bình yên cho nhân dân và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc?

+ Thực sự có ra đảo chúng ta mới thấy hết tình yêu văn học nghệ thuật nói chung và tình yêu âm nhạc nói riêng, trong trái tim những người lính đảo. Những người lính thuộc lòng những bài hát viết về biển đảo và họ hát một cách say sưa như những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu cuộc đời. Đời sống của những người lính ngoài đảo xa khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng họ rất yêu đời, yêu nghệ thuật. Chính tình cảm hồn nhiên của họ là chất men để mỗi một thời kỳ, mỗi giai đoạn lại có thêm những bài hát hay về chủ đề biển đảo. Trong mỗi chúng ta cũng vậy thôi, có giai điệu bài hát ra đời trong một thời điểm, nhưng nó lại neo bám vào lòng ta suốt cuộc đời.

- Nếu điều kiện cho phép, ông có nghĩ mình sẽ lại tiếp tục "lênh đênh" để được đến với những vùng biển đảo tươi đẹp của đất nước, và từ đó "lênh đênh" trên cảm xúc để công chúng lại có cơ hội được thưởng thức những ca khúc hay của ông về biển?

+ Tôi chưa bao giờ ngừng lênh đênh đâu đấy nhé (cười). Đến với biển mỗi chúng ta đều thấy mình bé nhỏ. Ngay cả một bà vợ ghê gớm chuyên "bắt nạt" chồng thì đến với biển cũng ngoan hiền và bé nhỏ lại. Biển là một phần không thể tách rời trong khái niệm về Tổ quốc và chủ quyền đất nước. Tình yêu biển đảo cũng chính là tình yêu Tổ quốc trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trong đó có tôi.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Hồng Đăng

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.