Suy ngẫm dưới chân Cột Cờ Hà Nội

Thứ Bảy, 13/02/2010, 14:12
Cứ nhìn khung cảnh quanh sân Cột Cờ cũng đủ thấy Hà Nội đang giàu có hơn, cuộc sống no đủ hơn đối với đa số người dân nội thành và ngoại thành Hà Nội. Khái niệm “ăn no mặc ấm” đã không còn cần thiết đối với nhiều người dân Hà Nội mà thay vào đó là “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng ai cũng nhận thấy Hà Nội ngày càng mất đi sự duyên dáng, thơ mộng vốn có từ ngàn năm.

1- Tuổi thơ của tôi đã có một thời được tung tăng chơi dưới chân Cột Cờ Hà Nội.

Hồi năm 1961, khi ấy tôi lên 6 tuổi và bắt đầu đi học vỡ lòng (bây giờ người ta gọi là lớp 1). Bố mẹ tôi ở khu tập thể Quân nhân tại 1A Hoàng Văn Thụ, nơi mà sau này đã phát lộ dấu tích Hoàng thành Thăng Long, cho nên tôi được đi học ở trong thành Cửa Nam. Chả hiểu sao trong thành lại có duy nhất một lớp học vỡ lòng dành cho con các quân nhân. Không có trường, mà chỉ có một lớp với khoảng ba chục học sinh. Lớp tôi học nằm ngay sát Viện Bảo tàng Quân đội, và từ lớp, chạy sang Cột Cờ Hà Nội cũng chỉ chưa đầy trăm mét.

Từ nhà tôi đi bộ dọc đường Hoàng Diệu, rồi khi đến Câu lạc bộ Quân nhân thì đi tắt sang vào lớp. Ngày ấy, việc canh gác ra vào khu thành cẩn mật lắm. Nhưng các chú bộ đội thì chẳng khi nào "gây khó dễ" cho bọn trẻ con chúng tôi, cho nên cứ đến giờ ra chơi là chúng tôi lại chạy sang chân Cột Cờ Hà Nội. Với tôi, Cột Cờ rêu phong cổ kính, thâm nghiêm là một chốn linh thiêng. Chúng tôi chơi bi, chơi xèng ngay dưới chân Cột Cờ  nhưng không bao giờ dám bén mảng trèo lên trên.

Ngay phía sau sân Cột Cờ có một bãi cỏ rộng và hầu như ngày nào cũng có các chú bộ đội tập luyện đi đều "một hai" hoặc tập bò, tập võ... Chúng tôi nhìn các chú bộ đội tập luyện và trong suy nghĩ non trẻ cũng chỉ mơ ước có ngày được đội mũ có gắn sao vàng như thế. Duy nhất có một lần chúng tôi được  các chú bộ đội cho lên đỉnh Cột Cờ. Lần ấy, các chú mang lá cờ mới lên thay và bọn trẻ con chúng tôi lẵng nhẵng bám theo xin cho lên đỉnh. Các chú bộ đội trẻ thì không đồng ý. Đang thất vọng thì thấy bác Trịnh Tường, phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày ấy, cũng ở cùng dãy nhà X10 với nhà tôi đi đâu qua đó. Thấy bác, tôi bám lấy và bảo bác xin cho lên. Bác Trịnh Tường nói với một chú chỉ huy, cũng đứng tuổi như bố tôi. Và thế là chúng tôi được chú bộ đội dẫn lên đỉnh Cột Cờ.

Đi theo những bậc cầu thang hẹp và tối um um, tôi thấy rờn rợn, sợ hãi. Nhưng rồi khi đứng trên tháp,  tôi sung sướng vô cùng vì lần đầu tiên, tầm mắt tôi được nhìn một góc Hà Nội từ trên cao. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm thấp thoáng trong những rặng cây; phố Hoàng Diệu thì  bị chìm lấp trong màu xanh của hàng cây xà cừ cổ thụ... Còn đường Điện Biên Phủ nằm ngay dưới chân và tôi chỉ muốn hét lên gọi người đi dưới đường...

Hôm ấy, tan học, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về để khoe với bố mẹ. Lần được lên đỉnh Cột Cờ Hà Nội đã trở thành kỷ niệm không thể phai.

2- Sau này, nhà tôi chuyển về Khu tập thể Văn Chương và thế là tôi ít được đi qua để ngắm Cột Cờ Hà Nội. Cuối năm 1972, Mỹ mở cuộc tấn công chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội. Những ngày đầu, tôi sơ tán về quê, nhưng rồi đến ngày Noel, thì máy bay Mỹ ngừng tấn công. Tưởng rằng cuộc ném bom đã hết, bố tôi bảo tôi đạp xe ra Hà Nội xem nhà cửa thế nào. Nhưng đến đêm  26/12/1972, nhà tôi bị rung chuyển bởi B52 ném bom rải thảm ở phố Khâm Thiên, cách nhà tôi chỉ ba trăm mét đường chim bay. Còn bọn thanh niên chúng tôi thì lao ra trận địa pháo cao xạ 4 nòng 14 ly 5 ở sát hồ Văn Chương để xin tiếp đạn. Sáng hôm sau, chúng tôi chạy ra phố Khâm Thiên thì đã tơi bời, ngổn ngang và chúng tôi cũng lao vào cùng bộ đội, công an, dân phòng tìm bới người.

Có ai đó nói rằng trong thành Cửa Nam cũng bị ném bom... Thế là tôi nghĩ ngay đến Cột Cờ Hà Nội. Tự nhiên trong tôi nhói lên một cảm giác sợ hãi, lo lắng nếu như bom Mỹ ném trúng Cột Cờ... Tôi liền chạy bộ dọc đường Nam Bộ lên phố Điện Biên Phủ và khi vẫn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ, tôi thở phào nhẹ nhõm, trong lòng cảm thấy yên tâm, vững chắc vô cùng. Cũng không hiểu vì sao trong suốt những năm  Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc, khu thành cổ không bị ném bom, mặc dù chúng biết đó là Tổng hành dinh của Quân đội ta. Không phải là chúng sợ lưới lửa phòng không mà có lẽ chúng sợ đụng vào nơi linh thiêng như vậy, sẽ càng thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong mỗi người dân, người lính.

Sau này, mỗi khi đi công tác xa Hà Nội, lúc trở về, tôi lại có thói quen đi bộ ra ngắm Cột Cờ Hà Nội nhưng với một nỗi buồn man mác day dứt...

3- Nếu như năm tôi mới 6 tuổi, đã được bố mẹ "thả" cho đi học một mình, thì bây giờ, dám chắc cả Hà Nội, không ai dám cho con mình khi đang học lớp 1 lớp 2... đến trường một mình. Đường phố bây giờ chật cứng xe cộ, trẻ con làm sao dám đi bộ qua đường. Rồi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, rồi  các vụ bắt cóc trẻ em, thi thoảng vẫn xảy ra, khiến ai cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi con trẻ ra đường.

Người phương Tây nhận xét xã hội Việt Nam an ninh thì rất tốt. Không có bạo loạn, không có khủng bố, không có xung đột sắc tộc... Nhưng an toàn thì không. Tai nạn giao thông, có lẽ đứng vào hàng khủng khiếp nhất thế giới. Trật tự đô thị vô cùng lộn xộn, bát nháo. Thành phố Hà Nội, có lẽ trừ một số tuyến phố trung tâm quận Ba Đình, còn lại đều lôm côm hàng quán, vỉa hè bị chiếm dụng và rác rưởi bẩn thỉu. Mùa đông, những ngày trời hanh, bụi từ trong lòng nội đô bốc lên, bụi từ ngoại thành cuốn vào, che khuất những cánh đồng đào Phú Thượng, Nhật Tân đang teo tóp dần, nhường chỗ cho những biệt thự, chung cư cao cấp... Bụi tràn vào khiến đôi lúc thủ đô "mờ mờ nhân ảnh" càng làm nhớ tới câu thơ của Nguyễn Bính trong bài thơ “Sao chẳng về đây”:

"Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây, chẳng về đây".                             

Ôi, không biết bao giờ "cho đến... ngày xưa",  để bọn trẻ được tung tăng thả bộ đến trường, được tha thẩn nhặt búp đa ở những cây đa ngay dưới chân Cột Cờ.

Còn Cột Cờ uy nghiêm, bây giờ cũng bị lấn chiếm bởi quán cà phê, giải khát mọc lên ngay dưới chân tháp và xung quang ngổn ngang xe cộ, ngổn ngang máy bay, xe tăng của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự... Việc bày những chứng tích chiến tranh dưới chân Cột Cờ thật ra là rất có ý nghĩa. Nhưng do diện tích khuôn viên quá chật, lại không được quy hoạch một cách cẩn trọng, hợp lý, thành ra cứ thấy tạm bợ thế nào ấy. Không gian quanh Cột Cờ bây giờ như bị nút lại, đất dưới chân Cột Cờ như bị chèn ép, đến không còn chỗ thở.

Cứ nhìn khung cảnh quanh sân Cột Cờ cũng đủ thấy Hà Nội ngày đang giàu có hơn, cuộc sống no đủ hơn đối với đa số người dân nội thành và ngoại thành Hà Nội. Khái niệm “ăn no mặc ấm” đã không còn cần thiết đối với nhiều người dân Hà Nội mà thay vào đó là “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng ai cũng nhận thấy Hà Nội ngày càng mất đi sự duyên dáng, thơ mộng vốn có từ ngàn năm. Người Hà Nội bây giờ cũng là tứ xứ đổ về, vì thế họ rất xa lạ với khái niệm văn minh đô thị. Điều đó làm cho Hà Nội ngày càng nhốn nháo nhộm nhoạm, xô bồ và câu "thanh lịch như người Tràng An" xem ra ngày càng trở thành hoài niệm

N.N.P. (Bài đăng trên Chuyên đề ANTG Tết 2010)
.
.
.