Sự thật lịch sử và quyền được hư cấu

Thứ Tư, 14/11/2012, 13:15
Tuyệt đối tôn trọng lịch sử - nhân vật lịch sử, hay lịch sử chỉ là cái nền cho người nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo? Đây là vấn đề đã nhiều năm nay gây tranh cãi và gây nên những ý kiến trái chiều về cách thể hiện nhân vật lịch sử trong phim truyện.
>> Nhân vật lịch sử Việt Nam trong phim truyện

Đây cũng là nội dung trọng tâm của cuộc hội thảo mang tên “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam” mà Hội Điện ảnh Việt Nam vừa tổ chức - một bước chuẩn bị cho Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử” do Hội đồng lý luận phê bình VHNT TW chủ trì vào tháng 12/2012.

Cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”.

Nhân dịp này, PV Báo CAND đã trao đổi với một số nhà làm phim chuyên nghiệp, có uy tín về vấn đề giải quyết sao giữa tính chân thực lịch sử với sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Nhà biên kịch Lê Phương: Hư cấu nhưng phải giữ nguyên các sự kiện lịch sử quan trọng

Dù sử dụng các sự kiện, nhân vật lịch sử, thì tư liệu lịch sử chỉ là phương tiện để người nghệ sĩ sáng tạo. Phim truyện vẫn bắt buộc phải hư cấu mới tạo được sự hấp dẫn. Bởi nghệ thuật có thứ sòng phẳng là chất lượng, nếu không hay, khán giả sẽ bỏ về. Đương nhiên, để có những bộ phim hay, quan trọng nhất là tài năng của người nghệ sĩ mới “tiêu hóa” được các con số, sự kiện trong quá khứ một cách nhuần nhuyễn và hấp dẫn.

Khi sáng tác, người nghệ sĩ có quyền rất lớn đối với nhân vật và không ai can thiệp được: nhân vật có thể được “quyền” xấu hay đẹp, sống hay chết và gia giảm các chi tiết xung quanh nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, những dấu mốc quan trọng của lịch sử, của nhân vật lịch sử thì cần được giữ nguyên. Nếu muốn thay đổi nhiều, nhất thiết phải nghĩ ra truyện, thì sẽ thuyết phục được công chúng và “đương đầu” với các nhà nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, các nhà làm phim của chúng ta hiện đang bị kém về truyện (tức kịch bản), nên vướng mắc chính là tình trạng chính nghệ sĩ tự kiểm duyệt mình, chứ không phải là những người kiểm duyệt.

PGS.TS  Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện  ảnh Việt Nam: Cần bảo lưu, tôn trọng tối đa lịch sử

- Thưa ông! Cản trở  lớn nhất cho khát vọng phát triển phim lịch sử là gì?

- Bên cạnh những khó khăn về sưu tầm và xử lý khối tư liệu lịch sử; thiếu phim trường, đạo cụ, trang phục, thiết bị chuyên dụng, kinh phí… thì vướng mắc không dễ vượt qua là xử lý chuẩn xác, hợp lý mối quan hệ không thật rõ ràng giữa tính xác thực lịch sử với tính sáng tạo của nhà biên kịch, tức giữa sự thật lịch sử với sự chân thực hư cấu. Nhân vật lịch sử, phim lịch sử luôn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ khách quan mà lịch sử đã định hình và in dấu ấn, đó là ý nghĩa, giá trị, tác động của nhân vật đối với lịch sử.

- Theo ông, giải pháp nào để dung hòa giữa sự thật lịch sử và tính sáng tạo?

- Việc phản ánh, tái tạo bộ mặt lịch sử trong phim truyện, về nguyên tắc, có thể. Làm ngược lại, có thể rơi vào xuyên tạc, xâm hại lịch sử. Song, để tôn cao ý nghĩa và giá trị lịch sử, tùy hợp với qui luật sáng tác trong quá trình sáng tạo hình tượng nghệ thuật, biến nhân vật và chất liệu lịch sử trở thành hình ảnh sống động, hấp dẫn, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia và thực tiễn sáng tác chỉ ra rằng, sáng tạo, hư cấu nghệ thuật là thủ pháp, là thao tác không thể thiếu trong quá trình này. Vấn đề là: đâu là cái “neo” không thể dịch chuyển với nhân vật và sự kiện lịch sử? Đâu là tỉ lệ, mức độ hư cấu phù hợp, để vừa trọn vẹn lịch sử, vừa đáp ứng đòi hỏi hiện đại của công chúng đương thời?

Giải đáp được điều này, chúng ta đã tìm thấy ranh giới cần thiết giữa cái bắt buộc với tự do sáng tác trong phim lịch sử.  Những yếu tố nào trong quá trình tái tạo, phản ánh lịch sử cũng như nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử có khả năng gắn kết quá khứ với hiện tại, làm cho quá khứ thâm nhập, lan tỏa, giúp ích cho đời sống đương đại. Chế tác phim lịch sử.

Cảm ơn ông!

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Cần phải tái sinh, đau khổ và hy sinh cùng lịch sử

Tôi cho rằng, bất kỳ loại lịch sử nào cũng có 2 lịch sử song song tồn tại: Một lịch sử của các nhà nghiên cứu, tức những nhà sử học, còn một lịch sử khác của các nhà sáng tạo, lịch sử của các nghệ sĩ. Chúng ta không nên ích kỷ cho rằng, cái này quan trọng hơn cái kia, cũng không nên độc đoán cho rằng, cái của mình mới chính thống. Tùy theo mục đích của mình, mỗi loại lịch sử đều có vai trò và ý nghĩa riêng.

Từ bức thư của Tổng thống Mỹ Abram Lincon gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các nhà điện ảnh Mỹ như vớ được vàng. Họ đã sáng chế ra câu chuyện bi tráng trong bộ phim “Giải cứu binh nhì”. Họ chuyển bối cảnh từ nước Mỹ sang châu Âu, thời gian từ nội chiến nước Mỹ sang Thế chiến 2. Họ giữ tên anh lính là Ryan, nhưng phong cấp cho anh ta là binh nhì. Câu chuyện chặt chẽ, được đạo diễn dàn dựng vô cùng hấp dẫn, đã chiếm gần hết hạng mục giải Oscar năm đó.

Câu chuyện cho thấy: Lịch sử như hạt nhân, nó chỉ có một. Song dưới quan điểm sáng tạo của nghệ sĩ, hạt nhân có thể biến đổi vô biên. Vì thế, những ý kiến cho rằng “không giống như lịch sử”, “đi quá xa so với lịch sử” nên nhìn lại mình. Những cái nhìn hạn hẹp chỉ tự đóng cửa với chính mình.

Thứ hai, lịch sử  là phương tiện tuyên truyền tinh thần yêu nước. Nếu anh làm tốt và hay, thì sức mạnh của tác phẩm như đôi cánh kỳ diệu của sự kiện. Song, nếu anh làm không khéo, thì những chiến công lẫy lừng trong thực tế chỉ là những mảnh trò thảm hại. Lịch sử ở ngay trước mắt chúng ta, song chỉ như những bộ xương khô. Nếu bạn muốn truyền vào nó một tâm hồn, một sự sống, bạn cần phải tái sinh, lớn lên, đau khổ và hy sinh như nó.

Dạ Miên (thực hiện)

.
.