Sứ mệnh nào cho VPF?
Cách đây 2 mùa giải, khi VPF mới ra đời và đấu mạnh với cả VFF lẫn AVG quanh chuyện bản quyền truyền hình V.League, đã có người nghi ngờ động cơ đấu tranh của tổ chức này. Ngay cả khi cánh chim đầu đàn của VPF khi ấy, cựu bầu Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “Có bản quyền truyền hình V.League, chúng tôi sẽ thành lập một hội đồng bảo trợ nền bóng đá, qua đó có thể kiếm cả chục tỷ đồng nuôi sống nền bóng đá” thì vẫn có người hỏi thẳng: VPF thực sự đã làm được gì cho bóng đá Việt Nam?
Câu nói ấy khiến những người như bầu Kiên, bầu Đức giận tím tái. Thế nên trong một lần gặp gỡ báo chí, bầu Đức không ngại cầm micro để xa xả rằng đấy là một câu hỏi, một cách nhìn nhận vấn đề không có tinh thần xây dựng. Ông chủ của CLB Hoàng Anh Gia Lai còn nhấn mạnh “VPF sẽ tồn tại, mãi mãi tồn tại”, và khi những câu nói hào sảng của ông chỉ vừa chấm dứt thì cả khán phòng vỗ tay rào rào.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết mình sẵn sàng rút lui, nếu... Ảnh: H.M. |
Quả thật nhìn cái sinh khí hừng hực của các ông bầu trong HĐQT VPF lúc ấy, có lý do để tin vào những gì ông Đức nói. Và nhìn vào cái cách VPF thực hiện cả một cuộc cách mạng trong việc tổ chức, điều hành các giải bóng đá quốc gia, có lý do để tin rằng mọi thứ sẽ khác và khác rất nhiều so với khi quyền bính còn nằm trong tay VFF. Đơn cử như việc VPF đã chấm dứt chuyện các đội bóng phải chi tiền ăn ở cho trọng tài, giám sát đến sân mình làm nhiệm vụ, VPF cũng âm thầm xử lý 2 trọng tài có dấu hiệu tiêu cực sau giai đoạn lượt đi V.League 2012, rồi VPF cũng nhọc công nghĩ đến việc có thể bắt tiêu cực và xử tiêu cực mà không cần bằng chứng.
Sau gần một năm tồn tại thì VPF lại gặp phải 2 chấn động trời giáng. Thứ nhất là việc cánh chim đầu đàn Nguyễn Đức Kiên bất ngờ xộ khám, và thế là ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng phải xắn tay làm việc thực sự, chứ không thể chỉ ngồi ghế chủ tịch rồi nghe những ông phó chủ tịch lo từ A đến Z như trước nữa. Thứ hai, hơn một năm qua, cơn suy thoái kinh tế đã khiến hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của các ông bầu trong Hội đồng quản trị VPF liêu xiêu. Chính vì vậy mà ý tưởng thành lập một hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, nơi quy tụ 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã tan ra như bong bóng xà phòng. Mặc dù những vị trí chủ chốt trong dàn lãnh đạo VPF hoặc những nhân vật cộm cán mà VPF thuê như TGĐ Phạm Ngọc Viễn hay GĐĐH Trần Duy Ly đều đã nỗ lực làm việc nhưng hiệu quả công việc (thể hiện trong việc tổ chức, điều hành V.League 2013) đã không đạt hiệu quả cao.
Bây giờ, trước thềm Đại hội cổ đông VPF, Chủ tịch Võ Quốc Thắng công khai nói với báo giới về việc ông sẵn sàng nhường vị trí cho một người có nhiệt huyết, tài năng hơn mình. Đã có người hỏi ngược lại: ông Thắng muốn “nhường” hay thực sự đang muốn rút khỏi cái tổ chức mà càng lúc càng khiến ông nặng bụng? Và người ta lại hỏi, nếu ông Thắng muốn rút thật ai đủ niềm tin, đủ dũng cảm ngồi vào chỗ ấy?
Khả năng tiếp tục hoãn Đại hội VFF Vì vấn đề nhân sự mà Đại hội 7 VFF đã được hoãn đến tháng 10, nhưng những nguồn tin hậu trường cho hay cũng lại vì vấn đề nhân sự mà khả năng Đại hội có thể sẽ bị hoãn thêm lần nữa. Hiện tại ƯCV nặng ký cho ghế Chủ tịch VFF là đương kim PCT tài chính Lê Hùng Dũng vẫn chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý. Trong khi đó, một ƯCV nặng ký khác là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Khánh Hải vẫn chưa thể hiện một tiếng nói rõ ràng, quyết liệt về việc có ra ứng cử hay không. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mới đây cho biết, nếu vẫn tiếp tục gặp khó về vấn đề nhân sự, VFF vẫn có thể tổ chức Đại hội vào ngày 5/10 theo đúng tiến độ, sau đó xin ý kiến đại hội về việc sẽ bầu chủ tịch sau. Nhưng đây chỉ là quan điểm cá nhân của ông Hỷ, còn mọi việc diễn ra như thế nào sẽ phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Bộ Nội vụ. Ngọc Anh |