Sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô trong việc giữ gìn thi hài Bác

Thứ Hai, 03/08/2009, 17:34
Suốt 6 năm chiến tranh, các chuyên gia Liên Xô đã gắn bó chặt chẽ với công tác bảo vệ thi hài Hồ Chủ tịch, cùng chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ ở nơi sơ tán. Hy sinh vô bờ, nhưng họ chỉ nhận mức lương hữu nghị, kể cả sau này, khi Nhà nước Liên Xô tan rã. Việc chuyển giao công nghệ thuộc bí mật quốc gia cho một quốc gia khác là điều không đơn giản.
>> Những ký ức ngày đầu giữ gìn thi hài Bác

Trong dịp BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo CAND và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp chuẩn bị tổ chức chương trình "Hồ Chí Minh - Một đời vì nước vì dân", chúng tôi may mắn được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu quý về quá trình gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch.

Thật cảm động khi ngời sáng trong mỗi tài liệu quí giá còn lưu, vẫn in đậm những việc làm cao cả của Đảng Cộng sản, nhân dân và các chuyên gia Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Tháng 5/1967, Bộ Chính trị có cuộc họp bất thường để bàn việc chuẩn bị gìn giữ lâu dài thi hài khi Hồ Chủ tịch qua đời. Sau đó, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử sang Liên Xô hội đàm, đề nghị bạn giúp đỡ từ công tác đào tạo đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch. Với lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Ngày 2/9/1967, đoàn cán bộ gồm Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện Quân y 108 và là Trưởng phòng Pháp y Quân đội; BS. Lê Điều, Phụ trách khoa Ngoại, Bệnh viện Việt - Xô và BS. Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, lên tàu sang Liên Xô học tập công nghệ gìn giữ thi hài. Ngày 14/9/1967, đồng chí La-du-côp, đại diện Văn phòng TW CS Đảng Liên Xô, trực tiếp ra tận sân ga đón đoàn.

Các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt của Việt Nam bên thi hài Hồ Chủ tịch.

Hiểu rõ yêu cầu cấp bách về thời gian, bạn đã tạo mọi điều kiện cho các bác sĩ Việt Nam học tập với lịch trình khép kín. Bác sĩ Lê Điều nhớ lại: Chúng tôi vừa mới vào phòng, chưa kịp ổn định, bạn đã mời đi bàn chương trình làm việc. Hôm sau, đích thân Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Xô gặp gỡ, trao đổi với đoàn trước khi đoàn được đưa tới Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin. Đây là sự ưu ái đặc biệt của Đảng và Chính phủ Liên Xô, bởi Viện chưa từng đào tạo bất cứ người nước ngoài nào.

Đích thân Viện sĩ thông tấn, Giáo sư Đê-bôp, Viện trưởng, trao đổi với đoàn Việt Nam về chương trình học tập. Phần lý thuyết chủ yếu đọc tài liệu ở Viện, do một phiên dịch giỏi 7 thứ tiếng giúp đỡ, còn phần thực hành do Giáo sư Xa-rô-va-tôp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rôp trực tiếp hướng dẫn. Bạn dành hẳn phòng làm việc của đồng chí Viện phó cho đoàn làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu.

Việc tìm kiếm tử thi người trên 60 tuổi để thực hành rất khó khăn, nhưng Giáo sư Xa-rô-va-tôp đã không quản mưa tuyết, đường sá xa xôi, đến nhiều bệnh viện cách xa Matxcơva vài trăm kilômét để tìm kiếm giúp đoàn.

Khóa học kết thúc, bạn đã tặng đoàn Việt Nam các thiết bị, dụng cụ thiết yếu. Ngoài ra, suốt quá trình chúng ta xây dựng phòng thí nghiệm tại Viện Quân y 108 (gọi là Công trình 75A), các chuyên gia Liên Xô đã thường xuyên có mặt, giúp đỡ tận tình.

Tháng 12/1968, đồng chí Rô-ma-cốp, Viện phó Viện Thi hài Lê-nin còn sang Việt Nam trực tiếp kiểm tra chất lượng công trình và dự cuộc mít tinh có Hồ Chủ tịch đến dự, để nhìn thấy những nét đặc trưng của Bác, phục vụ công tác sau này.

Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày một xấu đi, từ 28/8/1969, một phái đoàn y tế Liên Xô do Viện sĩ thông tấn, Giáo sư Đê-bôp làm Trưởng đoàn, đã đến Hà Nội. Sáng 2/9/1969, ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, các chuyên gia Liên Xô đã có mặt tại 75A, để ít phút sau, khi thi hài của Người được đưa từ Ba Đình về, 2 giáo sư viện sĩ I-u-ri Mi-khai-lô-vich và Ni-cô-lai I-nich Mi-khai-lôp đã trực tiếp làm y tế cho Bác với sự phụ giúp của bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều.

Sau 2 giờ làm việc, các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và tiến hành các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu, đảm bảo giữ được chân dung Bác nguyên vẹn, lâu dài.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ - An ninh Quân đội xúc động: "Các đồng chí trong tổ y tế đặc biệt của Việt Nam là những nhà chuyên môn giỏi, đã học tập, thực hành công tác gìn giữ thi hài trong 2 năm, có thể đảm đương được nhiệm vụ với Bác, nhưng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao, từ tấm lòng yêu kính Bác nên các chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp làm công tác y tế với thi hài Bác bằng tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời!".

Trong khi tiến hành lễ tang Hồ Chủ tịch, đoàn chuyên gia Liên Xô nêu vấn đề: cử hành tang lễ xong, sẽ đưa thi hài Bác sang Liên Xô để giữ gìn lâu dài, vì chỉ ở Matxcơva, mới đủ điều kiện môi trường và kỹ thuật. Nhưng, khi hiểu được tình cảm đặc biệt của nhân dân với Bác và quyết tâm gìn giữ thi hài Bác tại Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí A. Kô-sy-ghin, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang ở Hà Nội dự lễ tang Bác, đã tham khảo ý kiến các chuyên gia Liên Xô và nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Việt Nam.

Đồng chí yêu cầu giáo sư Đê-bôp "thu xếp về Liên Xô cùng với tôi để lấy hóa chất, thiết bị rồi quay lại Việt Nam ngay bằng chiếc chuyên cơ này". Chỉ 3 ngày sau, chuyên cơ đặc biệt đó đã quay lại Việt Nam.

Suốt 6 năm chiến tranh, các chuyên gia Liên Xô đã gắn bó chặt chẽ với công tác bảo vệ thi hài Hồ Chủ tịch, cùng chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ ở nơi sơ tán. Hy sinh vô bờ, nhưng họ chỉ nhận mức lương hữu nghị, kể cả sau này, khi Nhà nước Liên Xô tan rã. Việc chuyển giao công nghệ thuộc bí mật quốc gia cho một quốc gia khác là điều không đơn giản.

Nhưng với sự giúp đỡ vô tư, tận tình của Đảng, Nhà nước và các chuyên gia Liên Xô, công nghệ gìn giữ lâu dài thi hài đã dần được chuyển giao cho các bác sĩ Việt Nam. Đặc biệt, đặt mục tiêu bảo quản thi hài Bác trên hết, năm 2004, các chuyên gia Liên bang Nga đã đồng ý hợp tác với ta pha chế dung dịch ngay tại Hà Nội.

40 năm trôi qua, chúng ta càng thấu hiểu phương châm ứng xử tình nghĩa, tình cảm cao quý của người bạn lớn. Công lao của Đảng, nhân dân và chuyên gia Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong sự nghiệp gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch là vô giá…

Thanh Hằng
.
.
.