Sẽ hiếm NS múa đạt danh hiệu NSƯT, NSND?
Theo Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), thường trực Ban soạn thảo thông tư hướng dẫn xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), sau 60 ngày đăng công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến đóng góp, vào tháng 7/2009, dự thảo Thông tư này sẽ được hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền.
Thế nhưng, dù đã là bản dự thảo lần 7, theo rất nhiều nhà quản lý, nghệ sĩ thì với những quy định này hoàn toàn chưa phù hợp, nếu không muốn nói là khó áp dụng trong thực tế cuộc sống.
Phản ứng mạnh nhất về các quy định của dự thảo Thông tư xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có lẽ là các nghệ sĩ múa. Hiệu trưởng trường múa tại TP HCM, ông Ngô Đăng Cường; NSƯT Đặng Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen đều cho biết: Nếu áp dụng các tiêu chuẩn theo bản dự thảo thì khó có nghệ sĩ múa nào đạt được hai danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo dự thảo để được tặng danh hiệu NSƯT, NSND, người nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm và 20 năm trở lên, có ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại vàng), có 1 giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng tại các liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, liên hoan phát thanh và truyền hình cấp quốc gia, khu vực quốc tế, giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
Thế nhưng, trong thực tế tuổi nghề của nghệ sĩ múa lại rất ngắn. Học múa mất 7-8 năm nhưng ở tuổi 35 trở đi là phần lớn nghệ sĩ múa "hết" biểu diễn, khó có thể đủ thâm niên 15 năm hay 20 năm để được xét tặng danh hiệu.
Nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị sân khấu xã hội hóa ít có cơ hội xét tặng hơn đơn vị công lập. |
Đó là chưa kể hiện nay, rất hiếm giải thưởng trong nước cho nghệ sĩ múa theo tiêu chuẩn của ban soạn thảo dự thảo Thông tư. Riêng nghệ sĩ múa ba lê thì chắc chắn không ai có thể đủ điều kiện vì hiện nay Việt
Cùng thuộc khối nhà trường nhưng ở lĩnh vực âm nhạc, Tiến sĩ Phạm Ngọc Doanh, Phó giám đốc Nhạc viện cũng cho rằng: Với những tiêu chuẩn về giải thưởng như trên thì các nghệ sĩ làm giảng viên trong các trường cũng khó đạt được danh hiệu NSND.
Ngay như NSƯT Tạ Minh Tâm, tên tuổi, những cống hiến của anh cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật đã được khẳng định rất nhiều năm qua nhưng hiện nay anh không thể đứng trên sân khấu thi… với các học trò nên không thể có huy chương theo quy định để xét tặng danh hiệu NSND.
Đại diện các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Tường Phương lý giải: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt, quy định trong dự thảo Thông tư phải tổng hợp chung cho nhiều ngành nghề nên rất khó dung hòa.
Thông tư quy định thành tích để tính cho cá nhân là 5 giải thưởng chung trở lên bằng 1 giải riêng nhưng thực tế, giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, về bản chất là giải thưởng chung.
Một đời người đạo diễn điện ảnh làm được mấy phim truyện nhựa. Ngay quy định hồ sơ xét tặng buộc phải có bản sao có chứng thực các quyết định khen thưởng đã đạt được với các đạo diễn điện ảnh cũng là một trở ngại khó vượt qua vì thực tế nhiều hãng phim lưu giữ bằng chứng nhận giải thưởng, nơi có nơi không có phòng trưng bày, có khi sau chục năm thì "quăng" đâu mất, làm sao tìm ra để chứng thực…
Về lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Tổng biên tập Báo Sân khấu cũng cho rằng nhiều quy định tại dự thảo Thông tư nói trên còn bất hợp lý vì thực tế, phần lớn các đơn vị sân khấu TP HCM là xã hội hóa, do tư nhân quản lý, kéo theo phần lớn nghệ sĩ hoạt động tự do. Tư nhân quản lý tất nhiên phải hạch toán kinh tế.
Các liên hoan, hội diễn tổ chức ở xa, đơn vị công lập có kinh phí nhưng tư nhân tính toán thiệt hơn, ít đưa đoàn tham gia dự thi nên nghệ sĩ ít có cơ hội có giải, trong khi tài năng, tên tuổi của họ lại được đông đảo công chúng lẫn giới chuyên môn thừa nhận. Đó là chưa kể sự đánh đồng huy chương tại các liên hoan văn hóa nghệ thuật mang tính chất phong trào, quần chúng với các huy chương, giải thưởng đòi hỏi trình độ, tính chuyên môn cao…
Trao đổi về các vấn đề bất cập kể trên, ông Lê Khánh Hải, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng - Ban soạn thảo Thông tư hướng dẫn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT - cho biết: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp, tổng hợp, chỉnh sửa vì xét cho cùng, làm thế nào để kích thích, động viên các nghệ sĩ sáng tạo, phát huy khả năng, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội vẫn là điều quan trọng nhất.
Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi với từng Hội chuyên ở từng lĩnh vực nghệ thuật để lấy ý kiến và điều chỉnh, có thể có các phụ lục đi kèm, làm sao cho vừa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, vừa đảm bảo các quy định pháp luật đã ban hành