Sân khấu kịch nói theo mô hình xã hội hóa TP HCM: Cánh chim đầu đàn “chao đảo”?
Mất khán giả ngay trên “sân nhà” - nỗi lo có thực
Không dừng ở ánh mắt không vui hoặc xầm xì của một vài người hoạt động tổ chức biểu diễn, đặc biệt là sân khấu kịch trong mỗi chuyến “Nam tiến” của các đoàn nghệ thuật phía Bắc, trong buổi làm việc mới đây giữa Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP HCM với các đơn vị sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa, sự e ngại bị mất thị phần khán giả ngay tại thành phố được thẳng thắn đề cập. Hơn thế, người nêu ý kiến lại là NSND Hồng Vân, “bà bầu” nổi tiếng mát tay, tháo vát và cũng là người được khá nhiều nghệ sĩ tên tuổi phía Bắc tham gia tổ chức biểu diễn ca ngợi lâu nay.
Hồng Vân chia sẻ rằng, lâu nay các sân khấu tại thành phố duy trì hoạt động nhờ doanh thu bán vé. Mọi chi phí từ đầu tư tác phẩm đến các cơ sở vật chất, thù lao cho diễn viên đều trông chờ vào nguồn thu này. Trong khi đó, các đoàn bạn ở phía Bắc vào diễn, hầu hết là đơn vị trực thuộc Nhà nước, lương không nhiều nhưng cũng gọi là có lương cơ bản. Khi “Nam tiến”, các nghệ sĩ đều vận động được tài trợ ổn, nếu không muốn nói là lớn, đặc biệt là các ngân hàng. Một phần lớn vé xem chương trình đến tay khán giả là vé mời thông qua các “kênh” tài trợ hoặc vận động các cơ quan, đơn vị mua từ trước.
Sự ổn định về mặt doanh thu cho các chương trình biểu diễn như thế là một thế mạnh không thể không khiến các đơn vị tổ chức tại thành phố lo ngại bị “chia phần” khán giả. Bởi lẽ, trong thực tế, để cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí dễ hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ – những “thượng đế” dễ chịu chi cho nhu cầu giải trí thì sân khấu kịch nói đã khá yếu thế. Ít nhất và cơ bản là vì kịch nói không phải công cụ giải trí thời thượng hiện nay. Vất vả trong kiếm tìm khán giả, kiếm tìm doanh thu là dễ hiểu.
Sự xuất hiện của các đoàn kịch phía Bắc là một trong những sức ép với các đơn vị sân khấu kịch TP HCM. |
“Ngã ngựa” bất cứ lúc nào - hệ lụy phát triển thiếu bền vững
Ngay với sân khấu Hoàng Thái Thanh, đơn vị sân khấu kịch đã gầy dựng được tên tuổi trong làng kịch thành phố nhưng theo Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội và đạo diễn Ái Như, cặp đôi gầy dựng và chèo chống hoạt động của Hoàng Thái Thanh thì hoạt động hiện nay không lỗ đã là may. Ra “ở riêng” từ cái nôi sân khấu 5B với mong muốn tạo dựng được nơi làm nghề tử tế theo ý muốn, sau vài năm đi vào hoạt động, dàn dựng vài chục vở diễn, lấy thu bù chi, vở có nhiều khán giả bù đắp cho vở ít khán giả, đến nay, Hoàng Thái Thanh duy trì hoạt động, chấp nhận hòa vốn nhưng may có chỗ để làm nghề, thỏa mãn đam mê. Nhưng, nói theo các ví von của không ít người gắn bó với nghề là sân khấu kịch nói theo mô hình xã hội hóa tại TP HCM phát triển thì phát triển thực nhưng người làm cứ thấp thỏm như chạy trên con ngựa có thể gãy chân bất cứ lúc nào. Lý do là toàn bộ điểm diễn đều đi thuê.
Sân khấu Phú Nhuận là hội trường của trung tâm văn hóa quận, thuê điểm diễn nhưng mọi sửa chữa, chỉnh trang đều theo quy định, sân khấu chịu chi phí một nửa, trung tâm văn hóa chịu một nửa. Sân khấu Super Bowl có vị trí khá đẹp gần sân bay, từng được xác định là điểm đến của nhiều khách du lịch nhưng kết quả không như kỳ vọng trong khi chi phí thuê địa điểm được tiết lộ là 4.500USD/tháng. Hơn thế, hầu hết các địa điểm được thuê đều có thể bị lấy lại và đơn vị sân khấu có thể bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào. Điển hình cho tai nạn “gãy chân” mà không bảo hiểm gần đây nhất là sân khấu Hoàng Thái Thanh. “Gá nghĩa” với một công ty có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật để có đủ cơ sở cấp phép hoạt động, vì nhiều lý do, người hùn vốn quyết định chấm dứt hợp tác. Thủ tục lo giấy phép thành lập công ty chưa thành thì Nhà Thiếu nhi thành phố, đơn vị cho thuê điểm diễn thông báo ngưng cho thuê để đầu tư xây mới, trong khi đó mùa kịch Tết đã cận kề, vở diễn tập tành xong cả...
Với các đơn vị sân khấu chưa khẳng định được tên tuổi, khó khăn còn nhiều hơn gấp bội. Diễn viên Lê Hay chia sẻ rằng: Mặc dù Nhà nước đã có quy định hỗ trợ các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật, song trong thực tế không được phát huy. Có những lần đưa đoàn đến các quận, huyện xin mượn điểm biểu diễn, chủ đề hợp tuyên truyền, nhà văn hóa bỏ không nhưng khi đặt vấn đề, người phụ trách nhìn anh cứ như thể đến để kiếm tiền?!. Các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ có văn bản nhiều năm rồi nhưng đến nay các đơn vị chưa hề được cơ quan thuế thực hiện nên vẫn phải nộp thuế chồng thuế, từ thuế doanh nghiệp, thuế trên đầu vé, thu nhập...
Thực tế, những bất cập nói trên không phải là vấn đề của bất cứ đơn vị hoạt động sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là các đơn vị sân khấu tư nhân hiện nay. Khó khăn dẫn đến khủng hoảng, một thời gian dài chạy theo nhu cầu khán giả, mất phương hướng là khoảng cách rất gần. Ngay NSND Hồng Vân cũng từng thốt lên rằng chị thực sự ân hận đã “đẻ ra một dòng kịch” để rồi rất nhiều khán giả cứ chăm chăm tìm vở diễn theo phong cách đó để mua vé.
Được biết, để đồng hành cùng các đơn vị sân khấu, thời gian qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố đã có khá nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực từ việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố về thủ tục cấp phép, tìm kiếm, gợi ý điểm diễn cho đến sắp xếp bố trí các chương trình tuyên truyền, đưa sân khấu vào trường học theo chủ trương, kế hoạch của cơ quan quản lý. Với việc triển khai thực hiện ưu đãi thuế, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố hứa sẽ cùng các đơn vị xộc thẳng đến các cơ quan thuế để làm việc. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là giải pháp tạm thời. Để sân khấu xã hội hóa phát triển một cách bền vững, phát huy vai trò trong xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, xây dựng nhân cách tốt đẹp của con người, bên cạnh những nỗ lực phát triển tự thân của những người làm nghề, những hỗ trợ trước mắt của địa phương sở tại thì vẫn rất cần sự quy hoạch tổng thể, có tính phát triển về lâu dài của cơ quan quản lý cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có sân khấu kịch nói