"Sách xưa", một cách lưu truyền và giáo dục văn hóa

Thứ Năm, 18/03/2010, 13:55
Họ hầu hết là dân làm việc trong các ngành khoa học kỹ thuật, không có với nhau quá nhiều điểm chung, nên lập ra diễn đàn www.sachxua.net để giao lưu, kết bạn, cùng chia sẻ niềm đam mê với sách cổ, sách cũ.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, các thành viên diễn đàn đã công bố một phần "kho báu" bí mật của mình trong triển lãm "Nét xuân trên những trang sách xưa" đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - Hà Nội.

Sachxua.net, theo như lời tự giới thiệu, là diễn đàn dành cho những người yêu sách, nâng niu trân trọng sách, giúp nhau tìm kiếm những cuốn sách quý và giới thiệu báu vật tinh thần đó tới với tri âm tri kỷ.

Hiện diện tại Hà Nội, các thành viên, những nhà sưu tầm tới từ rất nhiều địa danh của Tổ quốc đã tình nguyện đem tới hơn 100 cuốn sách được dụng công tìm kiếm và giữ kín bấy lâu.

Quyển sách già tuổi đời nhất trong triển lãm, xuất bản năm 1679 được Vũ Hoàng Tuệ "săn lùng" tận bên Pháp: "May mà có người thân bên đó trợ giúp chứ không rất khó kiếm", chàng trai trẻ nói giọng Sài Gòn. "Tập hợp những du ký và chuyên khảo kỳ thú và hấp dẫn của J. B. Tavernier, hiệp sỹ Nam tước xứ Aubonne" kèm theo cả bản đồ được truyền tay hơn ba thế kỷ qua, giờ đây đến lượt Tuệ là chủ sở hữu, thuộc loại cực hiếm.

Cuốn sách ra đời năm 1679 của J. B. Tavernier.

Cuốn "Lịch An Nam thông dụng 6 tỉnh Nam Kỳ" bản in năm Bính Tý 1876 cũng là "gia tài" "độc", có một không hai mà Nguyễn Phát Hà Giang - một nhà sưu tập trẻ đã nhanh tay mua được. Những cuốn sách như thế này, may ra Thư viện và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia còn có, chứ ở ngoài hiếm lắm.

Cầm và lật giở từng trang của cuốn sách mỏng "Trẻ con hát, trẻ con chơi" của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cùng tranh minh họa sóng đôi của họa sỹ Mạnh Quỳnh xuất bản đầu thế kỷ XX mới vỡ lẽ: Thì ra nhiều bài đồng dao các thế hệ tuổi nhỏ vẫn say sưa đọc, và thuộc cả trăm năm nay hóa ra là sáng tác của cụ Vĩnh. "Việt Nam nhân thần giám" của đại thần triều Nguyễn Hoàng Cao Khải do Viễn Đông bác cổ Pháp xuất bản năm 1915, "Đạo đức kinh" của học giả Đào Duy Anh hay "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng là những văn bản hy hữu còn lại.

Tiểu thuyết "Số đỏ" bản in năm 1946 có bìa do đích thân họa sỹ Tô Ngọc Vân trình bày. Đây là bản đặc biệt số 27 dành riêng cho họa sỹ Lương Xuân Nhị và được coi như văn bản "Số đỏ" xưa nhất tìm được đến thời điểm này.

Chủ nhân của hầu hết các cuốn sách được trưng bày, các nhà sưu tập là thành viên của diễn đàn sachxua.net phần lớn còn trẻ, lứa 8X, 7X. Họ đến với con đường sưu tầm sách bằng nhiều cách. Kỹ sư Hoàng Minh, dân Hà Nội tốt nghiệp Đại học Bách khoa, sinh sống tại TP HCM, một trong những người khởi xướng triển lãm có trong tay những bộ sưu tập khá bài bản. Hoàng Minh sưu tầm sách và cùng với đó, góp nhặt được rất nhiều tư liệu phi văn bản liên quan đến các tác giả, tác phẩm - những người muôn năm cũ.

Bản "Số đỏ" có bìa do họa sỹ Tô Ngọc Vân trình bày, Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành từ năm 1946.

Cấp tập mang sách đến triển lãm trưng bày, rồi lại cấp tập bay sang Trung Quốc tiếp tục khóa học, lưu học sinh Nguyễn Phát Hà Giang lại đang bối rối vì chưa tìm ra cách nào hữu hiệu nhất bảo quản những cuốn sách đã tồn tại trăm năm có lẻ.

Giang bảo, anh chỉ biết cho vào tủ có thuốc chống ẩm và cố tránh tối đa mối mọt để hạn chế ít nhiều sự rách nát, xuống cấp. Những người ham mê sách và nhất là những bạn đọc trẻ có thể vào sachxua.net để tìm hiểu về diễn đàn và đọc những cuốn sách quý. Sưu tầm, giới thiệu sách, một cách lưu giữ, giáo dục văn hóa rất đáng làm.

Xuất bản và những căn bệnh trầm kha
Theo Cục Xuất bản, trong năm 2009, các nhà xuất bản cả nước đã đăng ký kế hoạch xuất bản lên đến 51.717 cuốn. Cục Xuất bản xác nhận 50.205 cuốn nhưng thực tế chỉ có 17.567 cuốn được thực hiện, đạt 35% so với kế hoạch đăng ký. Gần như 100% các nhà xuất bản (NXB) đều không thực hiện được kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến những kết quả trên thì rất nhiều nhưng được các NXB "nại" ra nhiều nhất, đó là thiếu cơ sở vật chất, thiếu vốn, đội ngũ cán bộ công nhân viên chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại Hội nghị triển khai 3 quyết định của Ban Bí thư về công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản ngày 15-3, số vốn được công bố của các NXB cũng thường nằm trong khoảng từ 600 triệu đến 6,5 tỷ…
Để giải được bài toán nói trên, hoạt động liên kết giữa các đơn vị hoạt động xuất bản với các tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định pháp luật là lựa chọn của phần lớn các nhà xuất bản hiện nay. Chiếm 71% sách được xuất bản hiện nay là sách liên kết xuất bản. Thế nhưng, cách làm này cũng đang tồn tại quá nhiều vấn đề bất cập. Hiện tượng NXB chỉ lo về mặt giấy phép, chịu trách nhiệm về ấn phẩm, còn phần lớn các khâu còn lại đều do đối tác liên kết thực hiện nhưng sự kiểm soát không chặt chẽ, việc thực hiện quy trình xuất bản sách liên kết không đúng quy định của pháp luật đã dẫn đến những sai sót về mặt nội dung mà vẫn được phát hành. Việc ấn phẩm được xuất bản không đúng với nội dung đăng ký, không có xác nhận đăng ký kế hoạch theo Luật Xuất bản đã được cơ quan quản lý, NXB thừa nhận trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn tiếp tục tồn tại...(N.Nguyễn)

Khánh Bằng
.
.
.